Khi U70 học... tiếng Anh

08:10, 03/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặt trời lên trên đỉnh đầu, những người phụ nữ đã xong công việc nhà lại tập trung về ngồi dưới bóng mát của cây hoa giấy đang mùa rực rỡ sắc hoa tím trắng. Trong câu chuyện của xóm nhỏ ven biển, ngoài những lời thăm hỏi, kể cho nhau nghe về chuyện làm ăn của người dân, con cháu trong làng, thì người làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ) còn có thêm “nhiệm vụ” mới. Đó là ôn những từ vựng tiếng Anh vừa được học.
Gặp chúng tôi, bà Lượng Thị Đi (1964) vẫy tay chào rồi cười nói: “Hi! Hello” với chất giọng miền biển. Bà Đi kể: Mấy hôm trước, các thành viên trong Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được tham gia lớp học tiếng Anh do các giảng viên của trường Cao đẳng Du lịch Huế vào dạy. Ban đầu cũng chẳng ai nghĩ sẽ học được những từ tiếng Anh đâu. Vậy mà sau vài buổi học, ai cũng cố gắng ghi chép để khi lên bảng “trả bài” đọc được các từ ngữ cô giao. 
Những người phụ nữ ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ) háo hức với câu chuyện lần đầu học tiếng Anh.
Những người phụ nữ ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ) háo hức với câu chuyện lần đầu học tiếng Anh.
Những "sinh viên" U70 (theo cách gọi của người dân trong làng) học tiếng Anh theo cách rất riêng của mình. Đó là họ ghi ra cách phiên âm của các từ vựng, mẫu câu đơn giản được học theo tiếng Việt để dễ học hơn như hé - lô (hello) là xin chào, guốc - mó - ning (good morning): Chào buổi sáng, guốc - í - vơ - ning (good evening): Chào buổi tối, hay dít - i - dờ - kít chơn (this is the kitchen): Đây là nhà bếp, hé - đín - nơ (have dinner): Ăn tối... Bà Nguyễn Thị Thiệt (1956) cho hay: Khóa học tiếng Anh dành cho các “sinh viên” làng Gò Cỏ được tổ chức 5 buổi. Mọi người đều cố gắng sắp xếp công việc để hôm nào cũng có mặt tại buổi học đầy đủ. 
 
Trong các buổi học, chủ yếu mọi người được học về các từ vựng, mẫu câu đơn giản để chào khách, giới thiệu về bản thân và nhà cửa. Học xong còn thực tập đón tiếp khách, hướng dẫn khách về tham quan nhà ở. “Đi học ai cũng hào hứng lắm vì trước giờ cứ nghĩ chỉ có lớp con cháu mới học tiếng Anh. Ai ngờ đâu, đến mình giờ già rồi cũng được đi học tiếng nước ngoài”, bà Thiệt chia sẻ thêm.
 
Ngồi kế bên bà Nguyễn Thị Thiệt, bà Nguyễn Thị Đào (1954) bộc bạch: Lúc còn nhỏ, thời chiến tranh có được đi tới trường lớp đàng hoàng đâu. Giờ đi học lại, cầm bút tay cứng ngắt, nhưng ai cũng vui vẻ tham gia vào lớp học. Lứa “sinh viên” này toàn trên 60, 70 tuổi, nên để học thuộc cũng khó khăn lắm, vì thế mỗi người có quyển vở, rồi ghi cách phiên âm ra.
 
Học tiếng Anh là một trong những hoạt động nhằm góp phần xây dựng chương trình du lịch cộng đồng tại làng Gò Cỏ. Bên cạnh đó, họ cũng được học thêm về cách sắp xếp nhà cửa, nấu ăn từ những nguyên liệu quen thuộc như cá, tôm, mực tươi đánh bắt tại vùng biển gần bờ, nhưng chú trọng hơn đến cách chế biến, bày biện ra dĩa. Phần lớn trong số các thành viên của hợp tác xã, tóc nay đã hai màu. Nhưng những giờ học với họ cũng đầy mới mẻ, vì thế câu chuyện học tiếng Anh vừa hôm trước hôm sau đã lan đến tận chợ.
 
Để thu hút khách du lịch đến làng Gò Cỏ vẫn còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên từ những bước đầu cố gắng và sự phấn khởi của người dân là động lực lớn để mọi người cùng thực hiện. Là thành viên lớn tuổi nhất trong lớp học, bà Nguyễn Thị Bỉm (1951) bảo, ban đầu bà nghĩ mình già rồi học tiếng Anh để làm gì đâu. Nhưng người trong làng đi học, vậy là bà cũng đi để xem mọi người được học những gì và để động viên cho bọn trẻ trong làng cố gắng theo học, tiếp cận những điều mới để xây dựng quê hương của mình phát triển hơn.
 
Huỳnh Thảo
 
 
 

.