Chủ động phòng chống thiên tai

02:09, 30/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm góp phần giảm thiệt hại, ổn định đời sống cho người dân, mùa mưa bão năm nay, huyện Minh Long sẽ chủ động thực hiện phương châm: “Phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

TIN LIÊN QUAN

Minh Long là huyện miền núi, có địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; mỗi khi có lũ, bão luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nặng về tài sản và tính mạng của người dân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp; lũ, lốc xoáy thường xảy ra bất thường, khiến người dân không kịp trở tay.

 

Tuyến Tỉnh lộ Thanh An - Long Môn thường xuyên xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão đã được gia cố và nâng cấp.
Tuyến Tỉnh lộ Thanh An - Long Môn thường xuyên xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão đã được gia cố và nâng cấp.

Như cơn bão số 12 cuối năm 2017 quét qua địa bàn huyện, kèm theo mưa lớn đã làm ngã đổ 18ha keo; 18,6ha ruộng bị sa bồi thủy phá; 35 điểm sạt lở... Tổng thiệt hại trên 5,7 tỷ đồng. Hay như cơn giông kèm theo sấm sét xảy ra vào ngày 26.6.2018 vừa qua, đã gây thiệt hại nặng về tài sản cho gia đình ông Ka La Sỹ, ở thôn Yên Ngựa, xã Long Sơn.
 

“Đến thời điểm này, các địa phương, cơ quan, đơn vị đều có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống, với phương châm “4 tại chỗ”. Mục tiêu của huyện là hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân do thiên tai gây ra”.


Chủ tịch UBND huyện Minh Long VÕ ĐÌNH TIẾN

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Minh Long, năm nào trên địa bàn huyện cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ, bão, lốc gây ra. Để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, huyện đã chủ động xây dựng các phương án PCTT&TKCN.

Trưởng phòng NN&PTNN huyện Minh Long Nguyễn Minh Chí cho biết: "Do địa hình miền núi có độ dốc lớn, nên khi có mưa lớn sẽ gây lũ trong thời gian ngắn, gây thiệt hại đối với các công trình hạ tầng, nhà cửa, hoa màu của người dân...

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện yêu cầu các xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn phải chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ”; nhanh chóng kiện toàn ban chỉ huy; xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các địa bàn; đồng thời chủ động xây dựng phương án dự báo và sẵn sàng di dời dân khi cần thiết tại những vùng xung yếu...”.

 Đối với các khu dân cư có khả năng sạt lở, ngập lụt như thôn Lạc Sơn, Sơn Châu, Làng Tranh Giữa, Gò Chè (Long Sơn); thôn Cà Xen, Làng Giữa (Long Môn); thôn Làng Dép, Diệp Thượng (Thanh An)... huyện Minh Long yêu cầu các địa phương chuẩn bị chu đáo nhân, vật lực, tổ chức gia cố nhà cửa, trường lớp và có phương án di dời dân trong trường hợp khẩn cấp. Lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác được trưng dụng từ chợ Long Hiệp và chợ Long Sơn. Riêng Long Môn là xã thường xuyên bị cô lập khi có mưa lớn, sẽ thực hiện tiếp ứng cho nhân dân tại kho dự trữ lương thực xã Long Môn.

 Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Minh Long cũng đã xây dựng phương án đối với các trường hợp cụ thể, như nước lũ đổ về gây tràn hồ, đập; sạt lở ta luy đường gây ách tắc giao thông... Huyện Minh Long cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch các cây trồng, hoa màu trước mùa mưa bão; gieo cấy vụ lúa đông xuân 2018-2019 đúng lịch thời vụ; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai; đầu tư thêm trang thiết bị, vật tư để phục vụ tốt việc khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra...


Bài, ảnh: VŨ YẾN



 


.