Cuộc sống no ấm trên vùng cao Minh Long

10:08, 21/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm tháng chiến tranh cũng như thời bình, Đảng bộ, quân và dân huyện Minh Long luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để gìn giữ từng tấc đất và xây dựng cuộc sống no ấm. Sau 44 năm giải phóng (17.8.1974 - 17.8.2018), vùng đất Minh Long đã vươn mình trỗi dậy với nhiều thành tựu rất đỗi tự hào.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 17 lịch sử...

Trong Chiến dịch Hè thu năm 1974, Khu ủy Khu 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chọn quận lỵ Minh Long để mở màn chiến dịch, nhằm mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện mệnh lệnh cấp trên, Huyện ủy Minh Long đã thành lập ban chỉ đạo chiến dịch. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch hết sức khẩn trương và bí mật.

Trung tâm huyện lỵ Minh Long ngày càng khởi sắc.
Trung tâm huyện lỵ Minh Long ngày càng khởi sắc.


Ông Lê Văn Diện, một trong những người tham gia trận đánh năm đó, nay đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in những ngày lịch sử hào hùng đó. Ông Diện kể: Từ tháng 6.1974, huyện Minh Long đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cùng lực lượng Lữ đoàn 52 làm con đường 18km áp sát chi khu quận lỵ của địch. Với sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng, đúng 14 giờ ngày 17.8.1974, lá cờ cách mạng đã tung bay trên sở chỉ huy quận lỵ Minh Long, quân ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn quận lỵ Minh Long...

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Thịnh, nguyên Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch giải phóng Minh Long để tiếp tục câu chuyện về chuỗi ngày tháng 8 lịch sử ấy. Ông Thịnh lần lượt điểm lại những thời khắc lịch sử mà quân và dân huyện Minh Long không thể nào quên được. Đó là, chỉ trong 10 giờ chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn 4 đại đội bảo an, 2 trung đội cộng hòa, 2 trung đội biệt kích, 1 trung đội pháo binh, 12 trung đội dân vệ; loại khỏi vòng chiến đấu 588 tên địch, bắt sống 108 tên, tịch thu 648 súng các loại...; giải phóng cho gần 5.000 đồng bào trong vùng địch kìm kẹp.

Minh Long là huyện giải phóng sớm nhất tỉnh Quảng Ngãi, góp phần mở rộng vùng giải phóng rộng lớn, nối liền với các vùng căn cứ địa kháng chiến miền tây của tỉnh; tạo thuận lợi cho việc giải phóng nhiều vùng nông thôn, đồng bằng và thị xã Quảng Ngãi vào tháng 3.1975.
 

Từ một huyện có nền kinh tế lạc hậu, đến nay huyện Minh Long cũng đã hòa nhịp vào sự phát triển chung của cả tỉnh; huyện không còn sản xuất độc canh, mà đã chuyển sang sản xuất hàng hóa mang tính chuyên canh. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc; đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.


Nguyên Bí thư Huyện ủy Minh Long NGUYỄN ĐỨC THỊNH


Hồi sinh và phát triển

Tuy là địa phương giải phóng sớm nhất, nhưng với xuất phát điểm thấp, có 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, ruộng đất hoang hóa sau bao năm chiến tranh. Nhưng với ý chí không chịu khuất phục trước những khó khăn, cán bộ và nhân dân huyện Minh Long đã đồng lòng, chung sức bắt tay vào xây dựng và phát triển quê hương với niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Cây chè truyền thống ở Minh Long được khôi phục và phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Cây chè truyền thống ở Minh Long được khôi phục và phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân.


Đến nay, xã Long Hiệp - trung tâm huyện lỵ đã là đô thị loại V. Đây là động lực để huyện tiếp tục đẩy nhanh đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Năm 2017, huyện có 396 hộ thoát nghèo, vượt kế hoạch 135 hộ và là huyện có tỷ lệ hộ thoát nghèo dẫn đầu các huyện miền núi trong tỉnh. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ xấp xỉ 41% vào cuối năm 2016, xuống còn 32,79%.

Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi...; hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân. Cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân trong huyện. Hiện nay, cây chè bản địa của vùng đất này đã được đầu tư khôi phục và xây dựng thương hiệu “Chè Minh Long” với hình thức chuyên canh, giúp người dân phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn giá trị cây trồng truyền thống này.

Hệ thống chính trị trên địa bàn huyện từng bước được củng cố, kiện toàn và phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong thời gian đến. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định... Đây là nền tảng vững chắc để huyện vùng cao Minh Long tiếp tục phát triển trong những năm đến.


 Bài, ảnh: VŨ YẾN





 


.