Nan giải "bài toán" nước sạch

03:05, 13/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thực trạng hiện nay ở làng biển thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, Bình Sơn) và xã miền núi Ba Khâm (Ba Tơ). Thiếu nước sạch trong điều kiện nắng nóng kéo dài, khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Làng biển khắc khoải...

Nghi ngờ nguồn nước ô nhiễm dẫn đến gia tăng số người chết vì bệnh ung thư và số người mắc bệnh ung thư tại địa phương, nhiều năm nay, người dân thôn Phước Thiện (Bình Hải) loay hoay đi tìm nguồn nước sạch để sử dụng. Vì thế, "kinh doanh nước sạch" đã trở thành một nghề khá phổ biến của nhiều gia đình ở đây. Chị Nguyễn Thị Khanh, thôn Phước Thiện cho biết: "Người dân địa phương đặt hàng khá nhiều, nếu có sức đi chở nước về cung cấp cho các gia đình thì mấy cũng hết". Mua nước can để sử dụng hằng ngày là cách mà nhiều gia đình lựa chọn để tự bảo vệ sức khỏe của mình trước căn bệnh ung thư đang hoành hành tại đây. Từ năm 2000 đến nay, làng Phước Thiện đã có hàng trăm người chết vì bệnh ung thư. Bởi thế, nhiều gia đình không ngần ngại bỏ ra mỗi tháng vài trăm ngàn để mua nước sinh hoạt đảm bảo an toàn về dùng. Song, nước sạch được lấy ở đâu, chất lượng ra làm sao  thì cũng không ai biết.

Người dân Phước Thiện mua từng can nước về dùng kéo dài hàng chục năm nay.
Người dân Phước Thiện mua từng can nước về dùng kéo dài hàng chục năm nay.


Bà Võ Thị Bé - Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Phước Thiện cho biết: Hiện giờ nhiều người ở đây lấy nước từ xóm khác về cung cấp cho người dân nhưng chưa chắc là đã đảm bảo. Mà họ lấy giá cũng khá cao khoảng 4.000 - 6.000 đồng/can, tương đương 160.000đồng - 200.000 đồng/m3. Nhiều người dân Phước Thiện điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền để mua nước sinh hoạt hiện vẫn phải dùng nước giếng đóng, giếng khơi nhưng với tâm trạng hoang mang, lo lắng.

Hoang mang về căn bệnh ung thư, người dân Phước Thiện tự cứu mình bằng cách cùng bàn bạc để hùn tiền kéo đường nước về dùng, nhưng tiền đã đóng rồi mà chưa thấy công trình thi công. Ông Nguyễn Ngọc Thu - Trưởng thôn Phước Thiện, xã Bình Hải cho biết: "Giữa năm 2015, người dân thôn Phước Thiện đã đóng góp tiền để xây dựng hệ thống nước sinh hoạt đảm bảo an toàn. Số tiền đóng 1,5 triệu đồng/hộ, nhưng mãi đến nay hệ thống này vẫn chưa được thi công. Người dân địa phương nóng lòng mong có nước sạch sinh hoạt lắm".
 

Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN &PTNT) cho biết: Đầu tháng 5.2016, hợp đồng cung ứng nước sinh hoạt cho Phước Thiện mới được ký kết. Nguyên nhân chậm trễ này là do hiện mới chỉ có 400/1.600 hộ đóng tiền. Hơn nữa, đây là công trình của dân bỏ tiền làm nên phải bàn thảo với dân kỹ lưỡng, tránh khiếu kiện về sau. Nếu nỗ lực, trong năm 2016 này Phước Thiện sẽ có hệ thống nước sinh hoạt đảm bảo an toàn".

...xã miền núi gian nan vì thiếu nước sinh hoạt

 Ở xã Ba Khâm (Ba Tơ), mặc dù đã được đầu tư xây dựng rất nhiều công trình cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, nhiều năm nay, mỗi khi bước vào mùa khô, hàng nghìn người dân địa phương phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, khiến cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn.

Thông thường vào đầu giờ chiều, là thời điểm chị Phạm Thị So, ngụ thôn Vẫy Ốc tất bật lên nương, thế nhưng đã nhiều ngày nay, chị được gia đình “phân công” ngồi trực chờ ở bể nước của thôn, với hy vọng sẽ lấy được đầy can nước, để đủ dùng cho việc nấu ăn của gia đình vào buổi tối. Chị So cho biết, nước sinh hoạt đang thiếu trầm trọng, phải ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mới “mót” được một can nước khoảng 20 lít. Đó là vào lúc ít người đi lấy nước, còn vào lúc chập choạng tối (cao điểm) thì có khi phải về tay không. May mắn lắm, một ngày mỗi gia đình mới lấy được khoảng 20 lít nước ở các bể chứa, dùng để nấu ăn, tắm cho trẻ nhỏ, còn người lớn phải ra dòng suối Ba La gần đó, để tắm giặt.

Ông Nguyễn Tấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Khâm cho biết: Toàn xã Ba Khâm có 4 công trình cung cấp nước sạch được xây dựng theo các chương trình đầu tư, hỗ trợ cho các xã miền núi khó khăn. Song, nhiều năm nay, nhiều công trình không phát huy hiệu quả sử dụng, vì mạch nước ngầm từ đầu nguồn dẫn về các bể chứa ngày càng khan hiếm. Nhiều bể chứa đang bị bỏ hoang.

Tình trạng thiếu nước trầm trọng nhất xảy ra nặng ở thôn Vẫy Ốc, với khoảng 500 nhân khẩu. Tại đây có tám bể chứa nước,  nhưng chỉ có hai bể hoạt động cầm chừng. Các bể chứa còn lại gần như bị “chết yểu”. "Cá nhân tôi nhận định các công trình nước sạch được đầu tư xây dựng kiên cố, tuy nhiên vì lý do khách quan nên dẫn đến không phát huy hiệu quả sử dụng. Trong khi đó, việc khoan giếng tốn rất nhiều chi phí, nên xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để xin được hỗ trợ, nhằm tìm cách giúp người dân có nguồn nước sinh hoạt để dùng", ông Hưng nói.

 Bài, ảnh: T.NHỊ- N.VIÊN


 


.