Hiệu quả từ tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

04:03, 15/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp người dân khu vực nông thôn có vốn để đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia. Qua đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong đảm bảo môi trường và góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Sau 8 năm triển khai, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đưa chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến với người dân tất cả các huyện, với tổng dư nợ 226 tỷ đồng. Riêng năm 2015, đã cho 8.928  hộ vay với tổng dư nợ 105 tỷ đồng.

Chương trình tín dụng đã tiếp sức cho người dân nông thôn có cơ hội được sử dụng nước sạch.
Chương trình tín dụng đã tiếp sức cho người dân nông thôn có cơ hội được sử dụng nước sạch.


Tại xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), trong năm 2015, toàn xã có 75 hộ tham gia vay vốn từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng dư nợ lên đến 1,56 tỷ đồng. “Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chị em tiếp cận nguồn vốn vay, chúng tôi luôn nỗ lực hướng dẫn tỉ mỉ để mọi người có thể nhận được nguồn vốn vay nhanh nhất. Từ giai đoạn làm hồ sơ cho đến khi xét duyệt, giải ngân chỉ mất khoảng 10 ngày ”, chị Võ Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Phương cho biết.

Nâng mức cho vay nhưng vẫn thiếu

Bắt đầu từ năm 2015, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn điều chỉnh nâng mức vay từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/công trình. Song, theo các hộ dân, với chi phí nguyên vật liệu, nhân công như hiện nay thì 12 triệu đồng không thể nào đủ để xây cả hai công trình nước sạch và nhà vệ sinh.


Sau khi nghe tổ trưởng tổ vay vốn thôn An Đại 2 là bà Nguyễn Thị Của phổ biến đến tận nhà về chương trình vay, chị Lê Thị Gần, thôn An Đại 2 đã mạnh dạn vay 12 triệu đồng từ chương trình để xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình. Không những thế, chị Gần còn kết hợp xây dựng hệ thống hầm biogas làm khí đốt để tiết kiệm chi phí mua gas. “Trước đây, giếng nước của gia đình nằm sau nhà và nằm sát khu vực chăn nuôi nên không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, năm vừa rồi, tôi đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn vay vốn để khoan giếng cách xa khu vực chăn nuôi và xây dựng công trình nhà vệ sinh kiên cố, sạch sẽ. Nhờ đó, môi trường sống của gia đình tôi được nâng cao hơn”, chị Gần phấn khởi chia sẻ.

Nói về những nỗ lực của Ngân hàng CSXH trong phổ biến chương trình tín dụng này đến với người dân, ông Trần Duy Cường – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Để đảm bảo chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt hiệu quả, đúng mục tiêu; thời gian qua, ngân hàng đã phối hợp cùng các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp các hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn. Đồng thời quan tâm, tạo mọi điều kiện cho người dân trong lập hồ sơ, hoàn thành thủ tục, giải ngân... Chương trình không chỉ đồng hành cùng người dân trong nâng cao chất lượng môi trường sống mà còn song hành cùng các địa phương đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

Tuy đã có những hiệu quả rõ rệt trong nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, song, công tác triển khai chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vẫn còn cách biệt khá lớn giữa đồng bằng và miền núi. Nếu như trong năm 2015, doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của huyện Tư Nghĩa đạt gần 16,5 tỷ đồng, huyện Đức Phổ đạt 12,6 tỷ đồng, Bình Sơn đạt 14,6 tỷ đồng... thì con số này ở huyện  Minh Long là 2,1 tỷ đồng, Ba Tơ 2,2 tỷ đồng. Riêng Tây Trà chỉ vỏn vẹn 32 triệu đồng...

Theo thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 82% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gần 70% số dân nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 95%, tỷ lệ dân nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn lên 80%. Vì vậy, việc thực hiện chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ là điểm tựa vững chắc cho địa phương hoàn thành tiêu chí này.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.