Sống thấp thỏm dưới chân núi RaPon

09:11, 05/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng chục hộ dân ở thôn 2, xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) đang phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở núi RaPon.

TIN LIÊN QUAN

Có mặt tại chân núi RaPon (còn gọi là núi Mum), chúng tôi chứng kiến hình ảnh ngay sát vách núi dựng đứng là hàng chục ngôi nhà của người dân.  Hàng trăm tấn đất đá ở trên cao có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Bà Phạm Thị Tháo (70 tuổi, có nhà sát chân núi) cho hay, đã nhiều năm gia đình bà cũng như nhiều hộ dân ở đây sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng. “Cứ chuẩn bị vào mùa mưa bão là đất ở chân núi lại sạt lở. Biết ở đây là nguy hiểm vì móng nhà sát chân núi, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Mong sớm được Nhà nước quan tâm hỗ trợ di dời để sống yên tâm hơn”, bà Tháo nói.

 Gia đình bà Phạm Thị Tháo (có 6 nhân khẩu), rất lo tính mạng bị nguy hiểm vì núi lở.
Gia đình bà Phạm Thị Tháo (có 6 nhân khẩu), rất lo tính mạng bị nguy hiểm vì núi lở.


Cũng như gia đình bà Tháo, cứ đến mùa mưa bão là gia đình anh Phạm Văn Phú lại ăn không ngon, ngủ không yên. Họ luôn nơm nớp nỗi lo sạt lở núi. Anh Phú cho biết, ngọn núi RaPon từng xuất hiện vết nứt. Vào mùa mưa bão, đất ở chân núi dần bị cuốn theo con nước. Tình trạng sạt lở ở chân núi ngày càng nghiêm trọng. “Mùa mưa bão năm rồi, chúng tôi dắt nhau xuống ủy ban xã trú ẩn. Năm nay, nếu mưa lớn xảy ra, chúng tôi cũng chỉ biết chạy đi nơi khác để lánh nạn”, anh Phú thở dài.

Chúng tôi mang nỗi lo của người dân sống ở dưới chân núi RaPon trao đổi với ông Phạm Văn Sơn-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn. Ông Sơn cho biết: Ở khu vực quanh chân núi RaPon có 60 hộ dân người đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Tính mạng của người dân ở khu vực này có nguy cơ bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở núi. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát thực địa và hoàn chỉnh phương án cho quy hoạch khu TĐC Gò Thần, ở thôn 2.

Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua nhưng phương án xây dựng khu TĐC vẫn chưa được triển khai. “Năm 1999, mưa lũ lớn gây sạt lở núi, đe dọa tính mạng người dân sống ở khu vực dưới chân núi, nên chúng tôi đã phải di dời khẩn cấp 10 hộ dân trong vùng nguy hiểm vào các khu dân cư của xã. Về lâu dài, xã rất mong dự án tái định cư Gò Thần sớm được triển khai để ổn định cuộc sống cho người dân”, ông Sơn bức xúc.

Theo chính quyền địa phương, trên núi RaPon có vết nứt và nhiều khu vực có thể gây sạt lở đất đá. Nếu có trận mưa bão lớn, nước trên núi sẽ cuốn theo bùn đất trôi thẳng xuống khu vực các hộ dân sinh sống phía dưới chân núi. Ứng phó trong mùa mưa bão năm nay, UBND xã Nghĩa Sơn đã thành lập đội cứu hộ gồm 30 thành viên để hỗ trợ ứng cứu người dân đến nơi an toàn nếu mưa lũ lớn xảy ra. Thiết nghĩ, để đảm bảo tính mạng của hàng chục hộ dân sinh sống ở chân núi RaPon, các cơ quan chức năng cần khẩn trương di dời bà con đến nơi ở mới an toàn.         
            

 
 Bài, ảnh: KN


 


.