34 hộ dân Gò Pót: Phập phồng nỗi lo lở núi

03:08, 23/08/2011
.

(QNg)- Từ năm 2000, núi Gò Pót (xã Ba Bích, huyện Ba Tơ) xuất hiện một số vết nứt, nguy cơ sạt lở khá cao. Sự an toàn của 34 hộ dân sống ngay dưới chân núi Gò Pót đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thế nhưng cho đến nay, 34 hộ dân (139 nhân khẩu) vẫn phải sống chung với nguy cơ sạt lở núi và chờ đợi ngày được di chuyển đến vùng an toàn.

Mùa mưa bão đang đến gần, nhưng 34 hộ dân làng Dều (dưới chân núi Gò Pót) vẫn phải sống trong tư thế sẵn sàng ứng phó và sống chung với lở núi. Bởi lẽ, chuyện di dời ra khu tái định cư vẫn còn xa vời vợi...
 
Căn nhà nhỏ xiêu vẹo của gia đình ông Phạm Văn Lin nằm ngay sát chân núi Gò Pót, có nguy cơ sạt lở.
Căn nhà nhỏ xiêu vẹo của gia đình ông Phạm Văn Lin nằm ngay sát chân núi Gò Pót, có nguy cơ sạt lở.

Để đến được khu vực làng Dều, chúng tôi phải băng qua con đường đất đỏ lầy lội hơn 10 km đầy những hố sâu, nứt toác do xói mòn. Con đường mòn với khá nhiều dốc dựng đứng, khiến việc đi lại rất khó khăn. Đường sá không hoàn chỉnh, làng lại cách xa trung tâm xã Ba Bích đến 15 km đường núi, nên mùa mưa đến trẻ em lại phải nghỉ học, ở nhà...

Tại đây thực tế còn rất nhiều hộ chưa có điện sử dụng. Những căn nhà nhỏ, xiêu vẹo nằm nép mình ngay chân núi và triền núi chỉ chực chờ sụp đỏ lại là nơi che mưa nắng cho gần 140 con người của làng.

Mỗi mùa mưa qua, người dân khu vực chân núi Gò Pót lại phải xây dựng nhà mới, vì đất đá từ ngọn núi bị nứt ầm ầm đổ xuống nhà mỗi khi mưa lớn. "Nhiều đêm nằm ngủ, thấy mưa nặng hạt một tí là đã nơm nớp lo sợ, trằn trọc không yên vì lở núi, sập nhà"- bà Phạm Thị Lành - người sống ngay dưới chân núi Gò Pót lo lắng nói.

Vào mùa mưa, nhiều hôm mưa lớn, sợ núi lở, nhiều hộ dân sống ngay chân núi  phải di trú sang khu vực lân cận, vài ba hôm thấy trời tạnh lại về. Điệp khúc di trú để giữ an toàn tính mạng rồi trở về dựng tạm nhà khác cứ lặp đi lặp đối với người dân khu chân núi Gò Pót mỗi mùa mưa bão.
Thấu hiểu nỗi lo của người dân, chính quyền địa phương từ xã đến huyện đã nhiều lần lên kế hoạch, xúc tiến thực hiện di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng dường như đó vẫn chỉ là... "kế hoạch".

Trong 34 hộ dân khu vực làng Dều có 6 hộ dân nằm ngay dưới chân núi và triền núi- khu vực đặc biệt nguy hiểm nếu có lở núi xảy ra. 6 hộ dân nói trên đều thuộc diện hộ nghèo và có tên trong danh sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ từ 2008, nhưng đến nay họ vẫn chờ đợi trong nguy hiểm.

Núi bị nứt cộng thêm cây cối phần lớn bị chặt phá, chỉ còn trơ lại một vài cây nhỏ, khiến nguy cơ sạt lở khi mưa lũ gia tăng. 6 ngôi nhà sát chân núi chỉ là những căn nhà nhỏ dựng tạm bợ bằng tre nứa, không che nổi nắng mưa. Gia cảnh quá khó khăn nên các hộ dân không đủ tiền để tự di dời sang nơi an toàn. Còn hơn một tháng nữa là đến mùa mưa lũ, nhưng các hộ dân vẫn chưa có động thái nào chuẩn bị ứng phó khi có sạt lở xảy ra. Ông Phạm Văn Lin - một trong 6 hộ dân thuộc diện được hỗ trợ nhà tái định cư chia sẻ: "Khi được chính quyền thông báo rằng gia đình tôi sẽ được di dời đến khu vực an toàn thuộc làng Mâm và được Nhà nước hỗ trợ nhà, chúng tôi đều rất phấn khởi.  Thế nhưng cứ chờ đợi cũng ngót 3 năm rồi, mà vẫn chưa thấy nhà mới đâu".

Đã 3 năm trôi qua, các hộ dân núi Gò Pót vẫn chưa thấy những động thái tích cực tiếp theo từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, trong khi chỉ hơn 1 tháng nữa là đến mùa mưa bão. Ông Phạm Văn Chiên- Chủ tịch UBND xã Ba Bích cho biết: "Mặc dù biết 6 hộ dân trên ngày ngày sống trong nguy hiểm, nhưng chính quyền xã đành phải chờ quyết định từ huyện. Bởi lẽ, tìm được mặt bằng tái định cư cho 6 hộ dân là điều không dễ dàng đối với xã".
Thiết nghĩ thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, sức tàn phá của mưa lũ vì thế cũng khó lường hơn. Vì vậy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm hướng giải quyết để 6 hộ dân nằm ở khu vực nguy hiểm cao ngay chân núi Gò Pót không còn phập phồng lo âu khi mùa mưa lũ về.

Bài, ảnh: Ý Thu

.