Ông "Hai Ban" của dân

09:03, 18/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu đã mất một phần cơ thể trong kháng chiến, nhưng thương binh Mai Văn Ban (72 tuổi), ở thôn An Châu, xã Bình Thới (nay sáp nhập vào thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) vẫn tiếp tục đóng góp phần sức lực còn lại cho việc làng, việc xã.
Khi tham gia chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ thì ông Ban bị thương, phải cưa đi một chân. “Có kinh qua sự khốc liệt của chiến tranh, người chiến sĩ như chúng tôi mới thấy yêu quý cuộc sống yên bình của làng quê mình biết bao”, ông Ban chia sẻ. Vì thế, từ khi xã Bình Thới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ngày ngày ông Ban đều đi vận động người dân giữ vệ sinh môi trường.
 
Thấy rác thải ra môi trường quá nhiều, chủ yếu là túi ni lông, chai lọ, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật... ông Ban nhắc nhở mọi người thu gom để đưa về nơi tập kết rác. Việc làm của ông Ban bị nhiều người cho là "rỗi công", là lo chuyện bao đồng, nhưng chính sự kiên trì của ông Ban đã làm cho người dân dần có ý thức hơn, bỏ rác đúng nơi quy định. 
 
Ông Mai Văn Ban (bên phải) luôn nhiệt tình trong các phong trào của địa phương.
Ông Mai Văn Ban (bên phải) luôn nhiệt tình trong các phong trào của địa phương.
Ông Ban kể: "Sau hòa bình, tôi về công tác tại địa phương. Hồi ấy, tôi còn thiếu kinh nghiệm, tính cách cứng nhắc như khi còn ở trong môi trường quân đội. Thành ra nhiều việc không thành, nhiều người không vừa lòng".
 
Nhận ra điều đó, ông Ban đã học hỏi để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Để thu phục người dân, cái cách mà ông Ban làm cũng rất đặc biệt. Đầu tiên, ông lên danh sách phân loại đảng viên, tìm hiểu kỹ về tính cách, sở trường của mỗi người. Sau đó, ông dành thời gian đến chơi từng nhà. Lúc đến chơi, ông chỉ nói chuyện thường nhật. Đến lúc ra về, ông Ban mới thủ thỉ vài câu. Cách tâm sự của ông Ban khiến nhiều người nể phục, đến những buổi sinh hoạt sau nếu có phát biểu ý kiến họ cũng không còn gay gắt nữa.
 
Một trong những cuộc vận động đi vào lòng dân là việc chống xâm nhập mặn. Ông Ban đã vận động hàng trăm người dân cùng nhau đến con sông Bi đắp đập Ba Tháng Hai để ngăn dòng, không cho nước mặn xâm nhập làm hư hại mùa màng. Ngày đắp đập giống như ngày hội của dân làng Bình Thới, vì có rất đông người dân tham gia, góp phần ngăn mặn xâm nhập gây hại cho hàng trăm hecta cây trồng trong xã.
 
Tiếng là nghỉ hưu, nhưng ông Ban lại tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, với mong muốn cống hiến sức mình cho công việc chung. Ông Ban thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh với chính quyền; đóng góp, tham mưu cho cán bộ địa phương về điều chỉnh ruộng đất cho nhân dân. Nhờ đó, ruộng đất chia cho người dân phát huy hiệu quả, năng suất ngày càng tăng, đời sống nhân dân từng bước nâng cao.
 
Có lẽ vì vậy, hơn chục năm nay, người dân thôn An Châu vẫn thường gọi ông với cái tên thân thương là "bác Hai Ban". Những câu chuyện ông Ban hướng dẫn, giúp đỡ người dân nhận đất phát triển kinh tế gia đình, hoà giải mâu thuẫn, vận động tự nguyện giải tỏa mặt bằng, tích cực trong công tác của địa phương, huy động sức dân trong mọi phong trào yêu nước... luôn được người dân nhắc đến với sự cảm phục và tin yêu.
 
Chủ tịch UBND xã Bình Thới Huỳnh Công Lập nhận xét: "Với sự tận tâm, năng nổ, bác Mai Văn Ban đã góp phần tạo nên sự vững mạnh của chính quyền cơ sở. Bác Ban là một tấm gương rất đáng trân trọng".
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.