Tháo gỡ vướng mắc qua đối thoại

04:12, 03/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vướng mắc không được tháo gỡ trong một thời gian dài ở một số trường học đã dẫn đến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Nhận thấy điều này, Phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn đã quyết liệt chỉ đạo các trường phải tổ chức đối thoại để chỉ rõ khuyết điểm và đề ra giải pháp khắc phục.

TIN LIÊN QUAN

Trường THCS Bình Chương là một trong những trường có chuyển biến rõ nét sau khi tổ chức đối thoại giữa cán bộ quản lý và giáo viên. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT, cán bộ địa phương và đại diện hội cha mẹ học sinh cùng tham dự buổi đối thoại này. Hầu hết giáo viên bày tỏ tâm tư, thắc mắc mà lâu nay ít có điều kiện hoặc chưa mạnh dạn nói ra. Cán bộ quản lý và giáo viên của trường đã cùng nhau chỉ rõ nguyên nhân vì sao chất lượng giáo dục  không “vực dậy” được.

Các cháu Trường  Mẫu giáo Bình Châu thích thú khi được học bán trú.80% trường học chuyển biển mạnh mẽ sau đối thoại
Các cháu Trường  Mẫu giáo Bình Châu thích thú khi được học bán trú.80% trường học chuyển biển mạnh mẽ sau đối thoại


Ông Lê Văn Huy-Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Chương thẳng thắn thừa nhận, trước khi tổ chức đối thoại có một số hạn chế mặc dù đã nhận thấy nhưng chưa được giải quyết rốt ráo. Tập thể nhà trường đôi khi thiếu sự đồng thuận. Người đứng đầu và giáo viên chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm. Cán bộ quản lý chưa kịp thời động viên, giúp đỡ giáo viên.  
 

“Có khoảng 80% trường học sau đối thoại có chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, còn lại 20% có chuyển biến nhưng chưa rõ nét. Việc tổ chức đối thoại giúp nắm được thực tiễn ở cơ sở, tìm cách tháo gỡ khó khăn để đưa phong trào của trường phát triển”, ông Nguyễn Minh Sơn-Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn cho biết.

Lãnh đạo trong sinh hoạt chuyên môn chưa sâu sát. Từ những hạn chế, yếu kém được chỉ rõ, tập thể cán bộ quản lý và giáo viên Trường THCS Bình Chương quyết tâm khắc phục. Nhất là trong sinh hoạt chuyên môn, nhà trường đặc biệt chú trọng và triển khai thực hiện một cách cụ thể, có chất lượng. “Việc tổ chức đối thoại thể hiện tính dân chủ rất cao, qua đây tạo sự đồng thuận cao trong tập thể. Nhờ đó các hoạt động phong trào đều đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện mỗi năm  tăng lên. Học sinh yếu kém giảm đáng kể”, Hiệu trưởng Lê Văn Huy phấn khởi nói.

Quả thật rất ấn tượng đối với những con số cho thấy sự phát triển vượt bậc của Trường THCS Bình Chương trong công tác dạy và học. Trước đây, số lượng HS giỏi cấp huyện của trường chưa tới 20 em. Thế nhưng từ năm học 2013-2014, sau khi tổ chức đối thoại, trường có 50 em đạt HS giỏi cấp huyện, 6 em đạt HS giỏi cấp tỉnh. Trước đó, tỷ lệ HS thi đỗ vào lớp 10 chỉ đạt khoảng 76%, năm học vừa rồi đạt 83%. HS có học lực yếu kém trước đó chiếm 6,4%, nhưng năm học 2013-2014 giảm còn 3,95%.

Cùng với Trường THCS Bình Chương, Trường Mẫu giáo Bình Châu cũng đã 2 lần tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. So với các trường khác trên địa bàn huyện thì Trường Mẫu giáo (MG) Bình Châu có điều kiện hơn hẳn để tổ chức dạy bán trú nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện. Thế nhưng, trong một thời gian dài nhà trường vẫn chưa thể tổ chức dạy bán trú. Lý do là tập thể cán bộ, giáo viên của trường vẫn chưa nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện, cộng với khó khăn về cơ sở vật chất chưa được quan tâm đầu tư, một số phụ huynh chưa hiểu hết ý nghĩa của việc dạy bán trú.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, cùng với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn chúng tôi đến thăm Trường MG Bình Châu đúng vào ngày đầu tiên trường mở lớp bán trú. Giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh đều rất phấn khởi. Chị  Nguyễn Thị Tốt (ở thôn Châu Thuận Biển, có con học trường mẫu giáo) bộc bạch: “Cháu học mỗi ngày 2 buổi, chở đi, chở về rất vất vả, việc học tập, ngủ nghỉ của các cháu không được đảm bảo. Trường mở lớp bán trú, chúng tôi rất hài lòng”.

Được biết, sau khi tổ chức đối thoại, phụ huynh ủng hộ tiền xây dựng nhà bếp. Giáo viên của trường không ngại vất vả, nỗ lực cùng với ban giám hiệu chăm lo công tác tổ chức bán trú. Trường MG Bình Châu dự định ban đầu chỉ mở 1 lớp bán trú, nhưng giờ thì mở được 3 lớp với 74 cháu theo học tại cơ sở chính. Cô giáo Võ Thị Thúy-Hiệu trưởng Trường MG Bình Châu nhận định: “Sau đối thoại đã khơi dậy được quyết tâm của tập thể cán bộ và giáo viên. Trường đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu mở lớp bán trú”.  

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


 


.