Nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân

03:11, 08/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là dịp để các cơ quan tuyên truyền, giáo dục kiến thức và nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tư pháp Tôn Long Hiếu về vấn đề này. 
 
Ông Tôn Long Hiếu.  Ảnh: BS
Ông Tôn Long Hiếu. Ảnh: BS
PV: Xin ông cho biết, Ngày Pháp luật Việt Nam (PLVN) ra đời từ khi nào và có ý nghĩa như thế nào?
 
Ông TÔN LONG HIẾU: Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 đã quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp PLVN. Ngày này tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân. Việc tổ chức thực hiện mang tính thường xuyên, nhưng có xác định thời gian cao điểm và do Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể. Như năm 2021, thời gian cao điểm thực hiện Ngày PLVN trong tháng 10 và 11.
 
Ngoài ra, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL, trong đó quy định việc tổ chức Ngày PLVN ở địa phương thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp.
 
Ngoài ra, mô hình “Ngày pháp luật” được tổ chức hằng tháng, hằng quý là một trong những hình thức PBGDPL hiệu quả được các cơ quan, đơn vị, địa phương vận dụng, nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị nắm vững pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng giải quyết công việc. Mô hình này triển khai từ năm 2010 dưới các hình thức như học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung có báo cáo viên pháp luật tham gia giới thiệu; tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi, thảo luận về các nội dung pháp luật; lồng ghép việc phổ biến văn bản pháp luật với việc tổ chức nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị, địa phương...
 
PV: Ngày PLVN năm nay ở Quảng Ngãi sẽ có những hoạt động nào, thưa ông?
 
Ông TÔN LONG HIẾU: Để triển khai Ngày PLVN năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và nêu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức tổ chức. Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh có văn bản hướng dẫn thực hiện Ngày PLVN đảm bảo phù hợp trong điều kiện bình thường mới trong phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch hưởng ứng Ngày PLVN với nội dung, hình thức phù hợp với thực tiễn. Trọng tâm là tuyên truyền quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013, nhất là những quy định trong trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân; tuyên truyền những quy định pháp luật để tháo gỡ “điểm nghẽn”, rào cản cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19...
 
Về hình thức tổ chức là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở chuyên trang, chuyên mục, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật trên báo, đài, cổng/trang thông tin điện tử, truyền thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tuyên truyền qua hệ thống áp phích, panô, băng rôn, khẩu hiệu, cờ, phướn, trên các bảng điện tử; thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng, tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam, tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường...
 
PV: Để việc tuyên truyền, PBGDPL có hiệu quả, theo ông phải chú ý điều gì?
 
Ông TÔN LONG HIẾU: Tuyên truyền, PBGDPL là biện pháp hiệu quả nhất tác động đến nhận thức và ý thức, giúp người dân tự giác chấp hành pháp luật. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã thực hiện khá thành công mô hình tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua hòa giải. Đặc biệt là, việc thành lập và sinh hoạt các câu lạc bộ pháp luật cho thanh niên, học sinh, phụ nữ, nông dân...
 
Báo cáo viên của Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật tại xã Đức Thắng (Mộ Đức).  Ảnh: BS
Báo cáo viên của Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật tại xã Đức Thắng (Mộ Đức). Ảnh: BS
Đây là mô hình tuyên truyền pháp luật có hiệu quả rõ rệt bởi tính thiết thực, gần gũi của nó. Thông qua các câu lạc bộ, các nội dung tuyên truyền được thực hiện phù hợp với lứa tuổi, trình độ của đối tượng. Cách thức tuyên truyền được biên soạn khác nhau tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng, ví dụ cùng một nội dung pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhưng tuyên truyền cho thanh niên khác với phụ nữ, khác với học sinh, do vậy dễ đi vào lòng người hơn.
 
Để việc tuyên truyền PBGDPL hiệu quả thì trước khi thực hiện người tuyên truyền phải tự trả lời 3 câu hỏi, đó là: Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền về cái gì? Và tuyên truyền như thế nào? Có nghĩa là, phải xác định tuyên truyền những gì mà nhân dân đang cần, hoặc những nội dung có liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân. Tránh việc tuyên truyền nội dung pháp luật quá xa đối với nhân dân.
 
Phải gắn tuyên truyền với tư vấn, giải đáp pháp luật, hướng dẫn các thủ tục hành chính, giải quyết chế độ chính sách cho nhân dân theo kiểu “trăm nghe không bằng một thấy”, tránh hô hào, lý thuyết suông. Tuyên truyền phải gắn với vận động, thuyết phục, phải định hướng tư tưởng, định hướng dư luận, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, giúp nhân dân thực hiện đúng pháp luật, sử dụng pháp luật làm công cụ bảo vệ quyền lợi chính đánh của mình. Có như vậy, công tác tuyên truyền, PBGDPL mới đạt hiệu quả cao.
 
BÁ SƠN 
(thực hiện) 
 
 
 
 

.