Nông dân năng động trong sản xuất

09:11, 19/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân mạnh dạn lựa chọn nhiều mô hình làm ăn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hiệu quả từ mô hình trồng hồ tiêu

Sau nhiều năm làm nhiều công việc khác nhau, đến năm 2015, anh Nguyễn Thành Trai (1972), ở xóm Mỹ Nam, thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà, quyết tâm cải tạo vùng đất Vườn Bánh khô cằn, bạc màu và gầy dựng thành công mô hình trồng hồ tiêu, với diện tích hơn 1ha. Anh Trai cho biết, trước khi trồng tiêu, trên vùng đất này chủ yếu trồng keo. Tình cờ có người thân quê ở Đắk Nông gợi ý thử chuyển đổi sang trồng cây tiêu, năm 2015, tôi đi tham quan học hỏi cách trồng hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên, rồi tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện, xã tổ chức. Sau đó, tôi tập trung nguồn lực đầu tư trong 3 năm (2015 - 2017) và đã trồng 500 gốc hồ tiêu trên diện tích 7.000m2.

Vườn trồng cây hồ tiêu của anh Nguyễn Thành Trai, ở thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh).
Vườn trồng cây hồ tiêu của anh Nguyễn Thành Trai, ở thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh).

Biết rõ đặc tính loại cây này cần khá nhiều nước, nhưng lại không được để bị úng nước, anh Trai đã dẫn nước từ hồ Sơn Rái về, lắp đặt hệ thống phun sương tưới cho vườn tiêu, tạo rãnh giữa 2 hàng tiêu nhằm thoát nước vào mùa mưa. Trong quá trình trồng và chăm sóc, anh đã làm đất kỹ, xử lý mầm bệnh trước khi trồng và đặc biệt luôn giữ vườn tiêu thông thoáng.

“Giai đoạn đầu từ khi xuống giống đến khi cho thu hoạch, khoảng 2 - 3 năm đầu, tôi luôn áp dụng kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình và cung cấp dinh dưỡng cho vườn tiêu đạt hiệu quả tốt nhất. Thường xuyên thăm vườn để xử lý kịp thời các dây tiêu bị nhiễm bệnh. Theo chu kỳ phát triển của dây tiêu, tôi chủ yếu bón phân chuồng và qua mỗi mùa mưa đều cắt tỉa cành, giúp dây tiêu phát triển xanh tốt”, anh Trai chia sẻ.

Hằng năm, cứ đến tháng 6 thì bắt đầu mùa thu hoạch tiêu. Thị trường tiêu thụ hồ tiêu thuận lợi. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm anh Trai thu trên 1 tấn tiêu khô, trị giá khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí gia đình thu lãi từ 50-60 triệu đồng. So với các loại cây trồng quen thuộc trên đất Tịnh Trà như trồng keo, lúa, bắp, đậu phụng... thì trồng hồ tiêu mang lại lợi nhuận cao hơn; những năm sau công chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn.

Trồng dừa kết hợp với chăn nuôi

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Đinh Quang Thụy (1977), ở xóm Bình Trung, thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, chúng tôi cảm nhận rõ ý chí vươn lên làm giàu của nông dân này. Sau nhiều năm làm đủ các ngành nghề, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, anh Thụy quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, với mô hình kinh tế tổng hợp. Từ số vốn tích lũy được, năm 2018, anh Thụy đã cải tạo trên 1ha đất ở khu vực rừng Gò Treo để đầu tư trồng trên 400 cây dừa cao và dừa xiêm lùn. Anh còn đào trên 1.200m2 ao để nuôi 150 con cá lóc và nuôi 200 con vịt/lứa.

Anh Đinh Quang Thụy, ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, phát triển kinh tế với mô hình trồng dừa và nuôi cá.
Anh Đinh Quang Thụy, ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, phát triển kinh tế với mô hình trồng dừa và nuôi cá.

Nhờ cần cù, chịu khó và tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã Tịnh Trà tổ chức, anh Thụy đã áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng dừa và chăn nuôi cá, vịt. Nhờ đó, các loại cây trồng và vật nuôi đều phát triển tốt. Hiện nay, anh đã bắt đầu thu hoạch lứa dừa đầu tiên; 2 hồ cá lóc mỗi năm thu về từ 5 - 7 triệu đồng; ngoài ra anh còn bán 4 lứa vịt, thu 80 triệu đồng. Anh Thụy chia sẻ, nếu thuận lợi, những năm tới, vườn dừa 400 cây sẽ cho trái và hiệu quả kinh tế từ mô hình tổng hợp sẽ cao hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Trà Lộ Ngọc Chung cho biết, nông dân xã Tịnh Trà đã và đang mạnh dạn chuyển hướng đưa vào sản xuất nhiều mô hình mới có hiệu quả như trồng tiêu, trồng dừa, nuôi ốc bươu đen... Họ chủ động học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đa số các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã đã có 150 nông dân đạt nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhờ đó, tinh thần đổi mới trong phát triển kinh tế của nông dân được lan tỏa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: T.PHƯỢNG - KIM CÚC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:11, 19/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.