Nặng tình với rừng xanh 

13:36, 11/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (43 tuổi), cán bộ phụ trách các dự án của ngành lâm nghiệp tỉnh (Sở NN&PTNT), luôn cần mẫn trên hành trình mang màu xanh cho những cánh rừng, quả đồi ở Quảng Ngãi.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung lên tận rẫy để vận động, hướng dẫn chị Đinh Thị Lợ, ở thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh (Sơn Hà), cách đốt thực bì trước khi trồng keo.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung lên tận rẫy để vận động, hướng dẫn chị Đinh Thị Lợ, ở thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh (Sơn Hà), cách đốt thực bì trước khi trồng keo.

Đến rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn), nhiều người trầm trồ trước khu rừng được bao phủ bởi một màu xanh mướt. Đặc biệt, vào mùa cây cóc nở hoa, bàu Cá Cái rất đẹp, làm nao lòng du khách. Còn với rừng cộng đồng Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), khách thập phương bị mê hoặc bởi hàng nghìn cây dầu rái sừng sững vươn cao. Nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm, gốc to, thân thẳng tắp hiên ngang giữa núi rừng. Nhiều quả đồi ở các huyện miền núi cũng xanh tươi, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Góp sức vào hành trình mang màu xanh và nâng tầm giá trị cho những cánh rừng ấy, ngoài chính quyền và cộng đồng, còn có sự đóng góp công sức của cán bộ phụ trách các dự án trồng và quản lý rừng, đó là chị Nguyễn Thị Thùy Dung.

Chị Dung cho biết, tôi đảm nhận nhiều dự án trồng và quản lý rừng bền vững, từ khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, đến quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Trong đó, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi” do Quỹ Khí hậu xanh (dự án GCF) tài trợ không hoàn lại đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Thời điểm dự án GCF triển khai thực hiện trồng, bảo vệ và quản lý hơn 100ha rừng ngập mặn trên địa bàn các xã Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bình Đông (Bình Sơn), tôi vừa sinh bé thứ 2. Là điều phối viên duy nhất của dự án GCF, nên chỉ sau 2 tháng nghỉ sinh, tôi đã phải vào rừng khảo sát địa hình, xây dựng kế hoạch, thiết kế lô trồng từng cây cóc trắng. Những hôm mải mê làm việc, đến khi nước thủy triều lên cao, tôi phải lội nước bì bõm từ trong rừng ra chỗ thuyền đang đợi để trở về lán trại, vừa ướt vừa lạnh...

Chị Dung bộc bạch, giai đoạn đầu triển khai thực hiện các dự án trồng, quản lý rừng ngập mặn, rừng cộng đồng hay rừng bền vững gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người dân còn e ngại, thậm chí từ chối vì cho rằng việc trồng rừng ngập mặn, hay kéo dài “tuổi” của rừng keo sẽ khiến họ mất đất, mất kế sinh nhai, không có thu nhập. Trước những khó khăn, chị Dung không nản lòng mà luôn tìm cách đồng hành với người dân. Ban ngày, chị phơi nắng cùng đồng nghiệp lên rừng trồng, kiểm tra cây. Buổi tối, chị đến từng nhà người dân để vận động, giải thích. Mưa dầm thấm lâu, người dân lần lượt đồng ý tham gia nhóm trồng rừng; trồng và quản lý rừng bền vững; nói không với bán keo non... Chủ tịch UBND xã Bình Thuận  Đỗ Minh Huấn cho biết, quả thật nếu không có sự nhiệt tình, tâm huyết của những người như chị Dung, khó mà có được rừng ngập mặn bàu Cá Cái như hôm nay. Chị Dung nhiệt tình hướng dẫn người dân chăm sóc và khai thác lợi thế từ rừng qua hoạt động du lịch cộng đồng.

Chị Dung bảo rằng, khó khăn không kể hết, nhưng hạnh phúc cũng đong đầy khi nhìn thấy cây rừng xanh tươi, màu xanh của rừng lan rộng. Bởi vậy, chị Dung vẫn luôn trèo đèo, lội suối đến từng lô rừng để xem đất, ngắm cây, rồi chuyện trò, hướng dẫn người dân cách chăm rừng, giữ đất màu mỡ. “Tôi thích nhất là lên rừng nghe tiếng chim hót, ngắm đàn chim, đàn cò trên không gian xanh mướt. Bởi đây không chỉ là thước đo sức sống của rừng, mà còn là tín hiệu phục hồi của hệ sinh thái rừng”, chị Dung chia sẻ.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:36, 11/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.