Về quê sum vầy đón Tết

03:02, 08/02/2013
.

(QNĐT)- Sau một năm tất bật làm ăn xa quê, những ngày qua, dòng người từ các tỉnh thành trong cả nước trở về quê để sum họp với gia đình trong những ngày Tết. Tết đoàn tụ, đây là nét văn hóa, truyền thống đã ăn sâu trong mỗi người, mỗi dòng họ và dân tộc Việt Nam.
 
 
Chúng tôi có mặt tại các bến xe, Ga Quảng Ngãi trong những ngày cận Tết, không khi sum họp dường như đã tràn ngập nơi đây khi những người làm ăn nơi xa trở về. Với nhiều người cảm giác ấm cúng của gia đình, quê hương ngày Tết đã tràn ngập trong lòng.
 

 

Sau một năm tất bật, nhiều người đã trở về quê để sum họp cùng gia đình.
Sau một năm tất bật, nhiều người đã trở về quê để sum họp cùng gia đình.

 

Chị Trần Thị Bông, quê Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Vũng Tàu chia sẻ: Hai vợ chồng chị đã có cuộc sống ổn định tại Vũng Tàu, chị đã mua nhà, con cái cũng ổn định. Thế nhưng gần đến Tết là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương cứ dạt dào trong tâm trí không lúc nào nguôi. Cũng may là hai vợ chồng cùng quê nên năm nào cũng vậy, vợ chồng cùng các con về quê sum họp cùng gia đình.
 
Với nhiều người, do hoàn cảnh phải ly hương nơi đất khách quê người để mưu sinh. Tuy nhiên, đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều người lại về quê. Bởi ở quê họ có gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng. Và theo quan niệm nhiều người, lo toan, tất bật một sau một năm cũng chỉ để cho những ngày Tết sum họp.
 
 
Anh Phạm Linh, quê Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa. Anh đã xa quê hơn 10 năm nay và hiện đang làm ở một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh nói, vì cuộc sống nên anh phải xa quê để làm ăn. Thế nhưng dù làm ăn ở đâu thì đến ngày Tết thì cũng phải về quê sum họp cùng gia đình.
 
"Người ta học tập, lập nghiệp ở khắp năm Châu, tối mặt với công việc nhưng nhiều người vẫn về quê hương đất tổ để sum họp trong ngày Tết. Còn mình, có điều kiện hơn, đó là được sống và làm việc tại Việt Nam,  vì vậy Tết cũng phải sắp xếp về quê, nơi có tổ tiên, ông bà, nơi chôn nhau, cắt rốn để đón Tết "Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên?" "- anh Linh chia sẻ.
 
Còn em Phạm Linh, quê ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng tâm sự: "Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, em phải vào Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc và mưu sinh. Tết năm nay sở dĩ em về quê muộn hơn mọi năm là do ở rướn lại vài ngày để làm việc kiếm thêm tiền về quê giúp gia đình mua sắm Tết. Gần đến Tết, ai cũng khăn gói về quê, nên những công ty ở thành phố Hồ Chí Minh rất cần người, vì vậy họ trả lương rất cao. Không chỉ có em mà nhiều người khác cũng ráng ở lại để kiếm thêm thu nhập về quê ăn Tết"
 
Tết là ngày lễ lớn nhất của người Việt, là dịp để gia đình, họ hàng, dòng tộc sum họp. Là dịp để cha mẹ, ông bà được nhìn thấy con cháu trưởng thành, lớn khôn. Là dịp để trẻ thơ được xúng xính quần áo mới, nhận lì xì. Chính vì vậy, người Việt, dù đang ở nơi đâu, làm bất cứ công việc gì cũng hướng về gia đình, về nơi mình được sinh ra với tình cảm và niềm thương yêu dạt dào nhất.
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
                                                                             

.