Người xây trường chuẩn trên vùng đất khó

08:04, 02/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Alo anh Súp hả? Chiều nay anh nói dùm bà con ở Tà Dô, Ra Nhua đến phụ với nhà trường trồng lại vườn rau sạch với nghen”. Sau cuộc gọi điện của Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Tân (Sơn Tây) Nguyễn Thị Hồng Nguyên khoảng hai giờ, hàng chục phụ huynh có mặt tại trường, cùng nhau phát cỏ, xới đất trồng rau để sử dụng cho bữa ăn bán trú của con em mình. Với một người luôn hết lòng vì học trò như cô Nguyên, thì mỗi khi nhà trường có việc, dân làng luôn sẵn lòng mà không nề hà, tính toán thiệt hơn.
 
Tọa lạc trên tuyến đường đi trung tâm huyện Sơn Tây, Trường Mầm non Sơn Tân nổi bật giữa bốn bề rừng rúi. Cơ ngơi tiền tỷ này là thành quả của nhiều cuộc vận động, nhiều lần kêu gọi quyên góp của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Nguyên và cán bộ, giáo viên nhà trường. Suốt 18 năm gắn bó với vùng cao Sơn Tây là chừng ấy thời gian cô giáo Nguyên đau đáu với "sự nghiệp trồng người" trên đất ngàn cau.  
 
Lập bán trú, ngăn dòng bỏ học
 
Trước đây, xã Sơn Tân có đến 8 điểm trường mầm non, nằm rải rác ở các thôn, làng. Để đến trường, đôi chân yếu ớt của những đứa trẻ Ca Dong phải lặn lội đường sá xa xôi. Sông sâu, núi cao khiến nhiều em chùn bước, tình trạng học “giã gạo” vì thế cũng diễn ra như cơm bữa. Rất nhiều trẻ học xong buổi sáng, trưa về nhà ăn cơm, rồi buổi chiều chẳng chịu đến lớp học. Vậy là, giáo viên lại phải vào làng vận động các em đi học lại. "Buồn lắm, nhưng đành chịu, phải thông cảm cho hoàn cảnh của các em. Cả buổi trưa các em cuốc bộ từ trường về nhà nên đuối lắm rồi. Ăn cơm xong là ở nhà ngủ say, chứ không còn sức để trở lại trường nữa", cô Nguyên chia sẻ. 
 
Nhiều phòng học được xây mới từ số tiền vận động của cô Nguyên và cán bộ, giáo viên nhà trường.
Nhiều phòng học được xây mới từ số tiền vận động của cô Nguyên và cán bộ, giáo viên nhà trường.
Làm thế nào để ngăn dòng học sinh (HS) bỏ học hoặc đi học “giã gạo”, cô giáo Nguyên trăn trở mãi. Và rồi, cô quyết tâm tổ chức lớp học bán trú, để những đứa trẻ Ca Dong ăn uống và nghỉ ngơi tại trường vào buổi trưa.
 
Từ năm 2014 với vai trò là hiệu trưởng, cô giáo Nguyên cùng với Ban Giám hiệu Trường Mầm non Sơn Tân bắt tay xây dựng lại trường, lớp. Việc đầu tiên là gom 8 điểm trường lẻ về một điểm trường chính, nhằm dễ dàng tổ chức bán trú. Song điều khó khăn là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhiều  phụ huynh muốn nhận số tiền Nhà nước hỗ trợ 139 nghìn đồng/học sinh về chi tiêu trong gia đình, thay vì giao cho nhà trường chăm lo cho việc ăn học của con.
 
Biết bao lần nhà trường cùng với chính quyền địa phương tổ chức họp dân để vận động, tuyên truyền, nhưng công sức bỏ ra như “nước đổ lá khoai". Bao đêm thao thức, cô Nguyên suy nghĩ: “Trăm nghe không bằng một thấy. Phải cho bà con tận mắt chứng kiến, hiểu được mô hình bán trú có lợi như thế nào, thì may ra họ mới chịu".
 
Ban đầu, chỉ có vài chục trong số hàng trăm phụ huynh chịu nộp tiền để con mình ở bán trú, song phụ huynh nào không nộp tiền thì con em họ vẫn được trường cho ở bán trú. Khẩu phần ăn của các em do giáo viên nhà trường bỏ tiền túi đóng góp, cùng với 1,5 tạ gạo do chính quyền địa phương hỗ trợ. Thời gian đầu, cô Nguyên mời những phụ huynh chưa chịu đóng tiền đến... tham quan trường, rồi xem con em mình học tập, sinh hoạt bán trú.
 
Sự tận tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã chạm được đến trái tim của các bậc cha mẹ. Họ bắt đầu hiểu bán trú là như thế nào, rồi ưng cái bụng lúc nào không hay. Sau vài năm, từ 8  điểm trường lẻ giờ cả xã Sơn Tân chỉ còn 2 điểm trường. Cô Trần Thị Trang, giáo viên điểm lẻ thôn Tà Dô, xã Sơn Tân, tâm sự: Trước kia, giáo viên khổ lắm. Có điểm trường chỉ 7 HS với nhiều độ tuổi khác nhau cũng phải mở lớp dạy. Mà dạy ghép không phù hợp lứa tuổi nên cực kỳ khó khăn. Giờ đây, điểm trường này có hai lớp học bán trú với độ tuổi khác nhau. Học sinh ra lớp đều đặn, giáo viên không phải vất vả đi vận động". 
 
Hôm chúng tôi đến Trường Mầm non Sơn Tân đúng lúc hàng chục phụ huynh mang dụng cụ đến dọn dẹp, làm đất trong khuôn viên trường để trồng rau,  bổ sung cho bữa ăn của HS. Anh Đinh Văn Súp, ở thôn Tà Dô, cười hiền bảo: "Con mình học ở đây, được ăn ngon và được các cô giáo dạy cho cái chữ, nên vợ chồng tôi cũng yên tâm đi làm nương rẫy, cái bụng không lo nữa". 
 
"Chúng tôi luôn tâm niệm rằng:“Con đường đến với trái tim trẻ chỉ có thể là tình thương”! Vì thế, chúng tôi luôn hết lòng với học trò vùng cao. Nhìn thấy học trò vui cười khi đến lớp, đó là món quà quý giá đối với mỗi một nhà giáo".
 
Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Tân NGUYỄN THỊ HỒNG NGUYÊN
Đi xin tiền xây trường cho trò
 
Đồng bào Ca Dong ở Sơn Tân hết lời khen ngợi cô giáo Nguyên tốt bụng. Nhiều người bảo: "Bãi đất đồi um tùm cây cối ngày nào, giờ mọc lên ngôi trường mầm non khang trang. Đó là nhờ công lớn của cô giáo Nguyên". Ngay tại mái hiên bước vào phòng học, một slogan của nhà trường được in dòng chữ: “Con đường đến với trái tim trẻ chỉ có thể là tình thương của cô”. Cụm từ ấy không đơn thuần là khẩu hiệu, mà nó được minh chứng trong cả chặng đường dài cống hiến của cô Nguyên và đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, nhằm mang đến những điều kiện tốt nhất cho học trò vùng cao. 
 
Cô Nguyên (bên trái) phân loại rau được trồng trong khuôn viên nhà trường sử dụng cho bữa ăn bán trú của học sinh.
Cô Nguyên (bên trái) kiểm tra rau được trồng trong khuôn viên nhà trường sử dụng cho bữa ăn bán trú của học sinh.
Cô giáo Nguyên quê xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), lên xã Sơn Tân dạy học từ năm 2002. "Lúc đó, dạy học mà không có trường, chúng tôi phải mượn tạm nhà dân để mở lớp. Lương chỉ vỏn vẹn 400 nghìn đồng/tháng. Bao khó khăn, vất vả, vậy mà cũng vượt qua hết. 
 
Mong ước lớn nhất là HS có trường, lớp học khang trang, thế nên phải cất công đi vận động tiền xây trường", cô Nguyên trải lòng. Điểm trường chính khang trang có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng là kết quả của cuộc vận động từ nhiều nguồn khác nhau. Bốn phòng học đầu tiên là do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tặng, sân trường là từ nguồn của Phòng GD&ĐT huyện phân bổ; cổng, bờ rào của UBND xã; các phòng học còn lại và cả hai điểm trường lẻ mới xây do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ... Mỗi lần có tổ chức, cá nhân dưới xuôi lên thăm trường, cô Nguyên đều tranh thủ vận động ủng hộ. Để rồi những lời xuất phát từ tình thương của cô Nguyên dành cho học trò vùng cao đã nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của nhiều tổ chức. 
 
Sau nhiều năm cô Nguyên cùng cán bộ, giáo viên của trường vất vả đi vận động, Trường Mầm non Sơn Tân được xây dựng khang trang, mô hình bán trú được vận hành trơn tru, giúp hàng trăm HS người Ca Dong được ăn, ở tại trường. Nhờ thế, kết quả học tập tốt hơn trước rất nhiều. Cô giáo Nguyên bảo rằng: "Nhìn thấy học trò vui cười khi đến lớp, đó là món quà quý giá đối với mỗi một nhà giáo". Đúng như slogan của nhà trường: “Con đường đến với trái tim trẻ chỉ có thể là tình thương của cô”!
 
 Trường chuẩn duy nhất của huyện 
 
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới cho biết: Năm 2019, Trường Mầm non Sơn Tân được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và hiện là trường duy nhất ở huyện Sơn Tây đạt chuẩn quốc gia. Nhờ có “đầu tàu” Sơn Tân mà ngành giáo dục huyện có được kinh nghiệm để xây dựng mô hình trường bán trú ở nhiều xã. Năm 2019, cô Nguyên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục mầm non.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 

.