Tiếng đàn nhị của ông Thâu mù

07:02, 29/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị mù từ nhỏ, nhưng hàng chục năm qua, tiếng đàn của ông Nguyễn Thâu (69 tuổi) ở xã Đức Phong (Mộ Đức) cùng đội hát sắc bùa đã kết nối, truyền cảm những buồn vui về mùa màng và bao câu chuyện trong cuộc sống. 
 
Nắng xuân tỏa nhẹ. Nhà của ông Thâu nằm bên cánh đồng thôn Lâm Hạ lộng gió. Ông Thâu dùng đàn nhị thả vào không gian mùa xuân vài âm điệu. Tiếng đàn lúc trầm, lúc bổng, nghe du dương, cuốn hút lạ thường.
 
Tiếng đàn mùa xuân 
 
Nghe tiếng đàn, Đội trưởng Câu lạc bộ văn nghệ Hội Người cao tuổi xã Đức Phong Nguyễn Đức Tân bày tỏ: “Chỉ có ông Thâu mới kéo được tiếng đàn truyền cảm đến thế!". Nói rồi ông Tân bảo tôi cùng đến thăm nhà ông Thâu.
 
Mặc dù có khách đến thăm, nhưng ông Thâu vẫn không buông cây đàn. Tiếng đàn như chiếc xe lỡ trớn cứ trượt dài với những thanh âm rất riêng. Mãi đến khi ông Tân cất tiếng chào, ông Thâu như bừng tỉnh bảo: "Vì nhớ những lần xuân về đi hát sắc bùa, nên lấy đàn kéo vài âm điệu...".
 
Hơn 40 năm trôi qua, cứ mỗi độ xuân về, từ rằm tháng chạp đến mùng 10 tháng giêng, ông Thâu cùng đội hát sắc bùa của xã Đức Phong đi nhiều nơi để đàn, hát chúc phúc cho mọi nhà. Những ca từ hòa quyện với tiếng đàn, tiếng trống và tiếng phách đã tạo nên những giai điệu vui nhộn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đến với người dân các địa phương.
 
Nhiều năm trôi qua, đã trở thành thông lệ, cứ Tết đến, Xuân về người chúc phúc lẫn người được chúc cứ háo hức, chờ đợi và trở thành nét văn hóa của người dân làng chài. Giờ ông Thâu không còn sức khỏe để đi biểu diễn cùng đội hát sắc bùa trong xã, nhưng mỗi khi xuân về, ông lại sống với ký ức xưa. Ông lấy đàn ra kéo. Đôi tay như múa, miệng ông mấp máy điệu sắc bùa: “Chúng tôi tới đây vui chơi hỉ hả/ Chúng tôi ra về từ tả dời chân/ Kính chúc bà con mạnh khỏe...”.
 
Nhân duyên với đàn nhị
  
Ông Thâu với cây đàn nhị.
Ông Thâu với cây đàn nhị.
Mới lên 8 tháng tuổi, cậu bé Thâu bị mù trong lần bị đau mắt. Nhà lúc ấy rất nghèo và mẹ ông đang đau nặng. Người thân lo chữa chạy cho mẹ để còn có người nuôi ông. Thế là ông Thâu bị mù vĩnh viễn từ đó. 
 
Đến năm 17 tuổi, khi nhà ông ở thôn Lâm Hạ chuyển đến thôn Châu Me, anh Thâu mù ngày nào như bừng tỉnh khi nghe tiếng đàn nhị của ai đó cất lên bên ngôi chùa sát nhà. Tiếng đàn đã tạo cho ông cảm giác thanh thản, bình yên đến lạ rồi vận vào ông lúc nào chẳng hay. Thế là ông xin  mẹ cho ông học đàn.
 
Mẹ ông nghĩ, mai chiều thế nào rồi mình cũng đi xa, Thâu cần có một việc làm để sống nên đồng ý ngay. Ngày đầu học đàn, người thầy hơn 80 tuổi lo ngại ông Thâu bị mù không biết có học được không. Thế nhưng, vì thương cảm trước cuộc đời kém may của cậu bé Thâu, nên người thầy đồng ý trao truyền những ngón nghề mà mình có được.
 
Từ những động tác cầm đàn, rà tay theo dây, gảy nhịp cho đến tư thế ngồi, người thầy già phải uốn nắn cho ông Thâu. Biết thầy lo ngại ông không đánh được đàn nên ông bảo: “Thầy cứ kéo rồi con kéo theo...”. Như duyên đã định, cậu bé Thâu càng học càng tiến bộ. Ba tháng sau thì người thầy bảo hết "bài" để dạy cho Thâu.
 
Rời thầy, ông Thâu tham gia đội hát sắc bùa để kiếm cơm gạo lo lại cho mẹ già. Ông cùng đội hát sắc bùa đi hết xã này đến xã khác, có khi vào tận huyện Tam Quan (Bình Định) biểu diễn.
 
Tiếng đàn đã cho ông Thâu hạnh phúc lứa đôi và sinh con, đẻ cái, nuôi sống gia đình. Tiếng đàn còn cho ông hạnh phúc của cuộc đời khi ông được tỉnh Nghĩa Bình (cũ) tặng huy chương bạc trong lần tỉnh tổ chức thi các loại hình văn hóa nghệ thuật. Vừa qua, ông còn vinh dự cùng với đội hát sắc bùa xã Đức Phong được Sở VH-TT&DL chọn biểu diễn ở thủ đô Hà Nội nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Trực tiếp nghe tiếng đàn nhị độc đáo của ông Thâu, nhiều người tán thưởng. Bộ VH-TT&DL quyết định trao giấy chứng nhận "Nghệ nhân dân gian" cho ông.
“Thời gian đến, xã sẽ đề nghị huyện và ngành chức năng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở gắn kết các danh lam, lịch sử Làng Đỏ (Tân An) với phục hồi làn điệu hát múa sắc bùa để thu hút du khách. Trước hết xã  sẽ mời ông Thâu truyền đạt cho những bạn trẻ yêu thích đàn nhị và thích hát sắc bùa, nhằm giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân gian truyền thống vùng ven biển”.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong TRẦN XUÂN LÂM
Để tiếng đàn còn mãi với thời gian
 
Ông Thâu bảo: "Muốn tiếng đàn bay bổng, mềm mại hoặc mạnh mẽ, dứt khoát...  người chơi đàn phải hiểu thế nào là cung vĩ liền, cung vĩ ngắn, cung vĩ rời và cung vĩ rung. Mỗi loại cung tương ứng với các nốt nhạc. Như cung vĩ liền phải kéo những nốt nhạc quyện từ nốt này sang nốt khác khi người hát đang luyến láy. Cung vĩ ngắn phải kéo sao cho thanh âm của tiếng đàn gãy gọn và dứt khoát. Còn cung vĩ rung thường gãy trong dịp hát sắc bùa, chúc Tết đầu năm nên thanh âm có lúc cao trào, khẩn cấp, vui vẻ...". 
Ông Thâu với đội hát sắc bùa xã Đức Phong (Mộ Đức).
Ông Thâu với đội hát sắc bùa xã Đức Phong (Mộ Đức).
Ông Thâu nắm rõ kỹ thuật và chơi rất thuần thục các cung của đàn nhị, trở thành hồn cốt của đội hát sắc bùa xã Đức Phong. Đội trưởng Câu lạc bộ văn nghệ Hội Người cao tuổi xã Đức Phong Nguyễn Đức Tân nhận xét: “Người chơi đàn nhị điêu luyện như ông ngày xưa đã khó tìm, bây giờ càng khó hơn”.
 
Trong đội hát, múa sắc bùa, ngoài những con người biết múa hát thì phải có người đánh trống, phách và tiếng đàn nhị. Tất cả những âm thanh này hòa quyện vào nhau tạo nên loại hình nghệ thuật đặc sắc. Trong khi đó, ông Thâu giờ chỉ ngồi một chỗ nên càng muốn truyền đạt tiếng đàn này đến thế hệ mai sau. Bởi với ông, đàn nhị đã cứu vớt đời ông và tiếng đàn, làn điệu sắc bùa là nét văn hóa của làng biển quê mình nên càng phải trao truyền, để tiếng đàn còn ngân mãi với thời gian.
 
 Bài, ảnh: MAI HẠ

.