Cầu BOT của hai nông dân "chân đất"

11:03, 28/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng theo hình thức BOT, nhưng lại miễn phí qua cầu với học sinh, giáo viên và người nghèo... Ấy là cách thu phí "lạ lùng" mà chủ nhân của một cây cầu BOT tại làng Hải Tân, phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) áp dụng suốt 23 năm qua.
Chủ nhân của cây cầu BOT có cách thức thu phí “có một không hai” ấy là ông Nguyễn Thành Long và bà Lê Thị Rân, quê ở làng Hải Tân. Không mấy dư dả, vậy mà vào năm 1997, hai người nông dân cùng làng và cùng chí hướng ấy đã mạnh dạn bỏ ra 26 cây vàng để làm nên chiếc cầu gỗ dài 470m bắc ngang qua sông Thoa, nối liền hai xã Phổ Vinh và Phổ Quang ngày ấy.
 
26 cây vàng và 200 đồng
 
Nhà nằm sát bên bờ bắc sông Thoa - nơi chỉ cách Phổ Vinh chưa đầy 500m theo đường sông. Thế nhưng, vì không có cầu nên mỗi lần muốn qua Phổ Vinh hoặc trung tâm huyện Đức Phổ ngày trước, gia đình ông Nguyễn Thành Long đành chấp nhận leo lên con đò ngang tròng trành, hoặc phải vòng lên Quốc lộ 1 với quãng đường xa hơn gấp 20 lần. Vậy nên, vào năm 1997, khi nghe tin chính quyền địa phương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu dân sinh bắc qua sông Thoa, ông Long liền chạy lên xã đăng ký. 
Suốt 23 năm qua, chiếc cầu gỗ được xây dựng theo hình thức BOT nối đôi bờ sông Thoa hàng ngày thu hút từ 200 - 500 lượt phương tiện lưu thông.
Suốt 23 năm qua, chiếc cầu gỗ được xây dựng theo hình thức BOT nối đôi bờ sông Thoa hàng ngày thu hút từ 200 - 500 lượt phương tiện lưu thông.
Sợ không kham nổi kinh phí làm cầu, lão nông 67 tuổi Nguyễn Thành Long khi ấy đã rủ hàng xóm là gia đình bà Lê Thị Rân cùng hùn vốn làm chung. “Trước tôi và anh Long, cũng có vài người có kinh tế khá giả đăng ký làm cầu, nhưng sau đều tháo lui hết cả. Nên khi nghe nhà anh Long đề xuất ý tưởng, tôi và ông nhà cũng run lắm. Nhưng vì mong muốn thử sức làm cầu BOT, nên chúng tôi vẫn quyết tâm hùn hạp”, bà Lê Thị Rân, nay đã bước sang tuổi 87, hồi tưởng lại.
 
Không có nhiều vốn “lận lưng”, nên ngày cầm trong tay quyết định chấp thuận cho làm cầu theo hình thức BOT của chính quyền địa phương, gia đình ông Long và bà Rân liền chạy vạy khắp nơi để thuyết phục họ hàng, bạn bè cho mượn tiền.
 
Hầu hết mọi người, khi hay tin hai gia đình có ý định làm cầu đều cản ngăn. Bởi cây cầu này sẽ chỉ vận hành được vào mấy tháng mùa nắng, còn mùa mưa, thì phải tháo dỡ để đề phòng nước cuốn trôi. Chi phí phục vụ cho việc tháo dỡ và làm cầu theo từng năm không phải là con số nhỏ. Ấy vậy mà, hai nông dân “chân đất”, dẫu không có chút kiến thức gì về xây dựng và kinh doanh, đã bỏ ngoài tai tất cả để hiện thực đến cùng khát khao xây dựng cây cầu BOT đầu tiên của xã Phổ Quang và cũng là của cả huyện Đức Phổ ngày ấy.
 
“Chúng tôi là nông dân, chỉ có kinh nghiệm chăn nuôi chứ không có kinh nghiệm xây dựng cầu. Thế nên, để làm được chiếc cầu 470m đảm bảo an toàn, bắc qua dòng sông Thoa, chúng tôi cũng đã trải qua nhiều đợt trầy trật. Từ việc coi sức nước để lựa chọn vị trí làm cầu, cho đến tính toán và tìm đội thợ thật giỏi để làm sao mà cây cầu dù kéo dài tới nửa cây số, nhưng vẫn chắc chắn, chịu được sức nước...”, bà Rân nhớ lại.
 
Tiêu tốn hơn 1.000 cây tre, gần 500 cây dương liễu cỡ lớn và 50 nhân công làm việc suốt 2 tháng ròng, với tổng kinh phí hơn 26 cây vàng mới hoàn thành xong cây cầu gỗ dài gần nửa cây số bắc qua đôi bờ sông Thoa. Đổi lại, ông Long và bà Rân được phép thu mức phí qua cầu lượt đi và lượt về, với giá khởi điểm là 200 đồng/phương tiện (thời điểm năm 1997). Với mức phí này, phải mất chừng 5 năm, cả hai mới dần lấy lại được số vốn ban đầu. Vì ngày ấy, số lượng xe đạp, xe máy ở Phổ Quang vẫn còn khá khiêm tốn. Hơn nữa, do là cầu gỗ, nên cây cầu này chỉ hoạt động vào mùa nắng, còn mùa mưa, thì phải tháo dỡ.
 
Đầu tư lớn, nhưng đồng vốn thu về khá chậm, vậy mà, người phụ nữ tiên phong làm cầu BOT Lê Thị Rân vẫn quả quyết bảo rằng, tham gia làm cầu BOT là một quyết định sáng suốt, vì nó đã giúp bà nhận lại được nhiều thứ giá trị hơn cả tiền. “26 cây vàng, quy ra thành tiền vào năm 1997 có giá trị lớn lắm, có thể mua được mấy ao tôm, chục lô đất. Vì thế, thấy chúng tôi bỏ ra số tiền lớn, rồi hằng ngày gom lại từng đồng bạc lẻ ai cũng thương tình, vui vẻ đóng phí qua cầu. Nhìn bà con đưa tiền cho mình mà cười vui, khích lệ chúng tôi tự dưng thấy mọi cố gắng mà mình đã bỏ ra trở nên rất xứng đáng”, bà Rân hồn hậu chia sẻ.
 
Cầu thu phí nhưng thường... miễn phí
 
Chồng không may mắc phải chứng suy thận nên tuần nào, bà Trần Thị Sáu, ở làng Hải Tân, phường Phổ Quang cũng lặn lội chở chồng băng qua chiếc cầu BOT của ông Nguyễn Thành Long và bà Lê Thị Rân để lên trung tâm Đức Phổ chạy thận. Đi qua cầu ngót nghét chục lần mỗi tuần, nhưng chưa lần nào, bà Sáu phải trả phí. Bởi bà và chồng bà đều nằm trong “danh sách” được miễn 100% phí lưu thông qua cầu. 
Mức phí rẻ và miễn giảm cho học sinh, người nghèo, khiến công trình cầu BOT này nhận được sự  tín nhiệm của đông đảo người dân.
Mức phí rẻ và miễn giảm cho học sinh, người nghèo, khiến công trình cầu BOT này nhận được sự tín nhiệm của đông đảo người dân.
“Phí qua cầu lượt đi và lượt về hiện tại là 3.000 đồng, nên khi được các con của anh Long, chị Rân thương tình cho qua cầu miễn phí, tôi mừng lắm. Nhờ đó mà vợ chồng tôi tiết kiệm được 30 - 50 nghìn đồng mỗi tuần. Số tiền này, với nhiều người khác, có thể chẳng đáng sá gì, nhưng với gia đình tôi, bấy nhiêu cũng là cả một vấn đề”, bà Sáu rưng rưng cảm kích.
 
Khát vọng làm cầu BOT để “đổi đời”, nhưng danh sách được miễn 100% phí qua cầu của hai nông dân chân đất Nguyễn Thành Long và Lê Thị Rân lại lên đến hàng trăm lượt phương tiện mỗi ngày. Những chủ phương tiện nằm trong danh sách miễn phí lưu thông là học sinh, sinh viên, người nghèo, cận nghèo, và cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn xã... Việc làm này, được hai ông bà và các con luân phiên thực hiện hơn hai thập kỷ nay.
 
“Đời cha tôi, rồi bây giờ đến đời tôi, chúng tôi luôn tạo điều kiện tối đa nhất cho học sinh đi lại, học hành bằng cách miễn phí qua cầu. Những người có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cũng đều thông cảm, rồi miễn phí luôn. Dù biết rằng, nếu miễn phí, thì tiền thu phí hằng ngày bị mất đi một nửa, vì lượng học sinh lưu thông qua cầu khá đông và đi rất nhiều lượt. Song, chúng tôi tâm niệm rằng, cứ miễn giảm được là vợ chồng tôi miễn giảm, coi như là khuyến khích cho các cháu học hành”, anh Nguyễn Thanh Bình, con trai ông Long, mộc mạc sẻ chia.
 
Mạnh dạn bỏ ra 26 cây vàng để làm nên cây cầu gỗ dài gần nửa cây số giúp người dân thuận tiện hơn trong lưu thông và đều đặn hằng năm bỏ thêm từ 70 - 80 triệu đồng để lắp ráp lại cầu sau mỗi mùa mưa lũ; nhưng mức phí mà chủ nhân của cây cầu thu của dân chỉ ở mức 200 đồng, rồi lên 500 đồng, 1.000 đồng và hiện tại là 3.000 đồng cho cả lượt đi và lượt về. Vận hành thu phí và miễn phí giá vé qua cầu theo cách rất “được lòng dân”, nên cây cầu gỗ BOT của gia đình hai lão nông Nguyễn Thành Long và Lê Thị Rân đã trở thành cây cầu quê hương gieo vào lòng người dân nơi này biết bao cảm xúc yêu thương. “Khi trở thành sinh viên rồi, được đi nhiều nơi, tôi mới nhận ra rằng, chưa có công trình BOT nào mà lại miễn phí cho nhiều người như chủ nhân của cây cầu gỗ ở quê tôi.
 
Được qua cầu miễn phí suốt 3 năm học THPT, tôi luôn thầm cảm ơn những người làm ra cây cầu này. Những người đã giúp quãng đường đi học của chúng tôi ngày ấy được rút ngắn. Và đó cũng là "chiếc cầu" đưa những học trò nghèo như chúng tôi đến với chân trời mới”, em Nguyễn Minh Hiền, một người con của Phổ Quang bộc bạch.
 
Sắp hoàn thành sứ mệnh “lịch sử”
 
Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình cho biết: Theo kế hoạch, vào tháng 5 này, cây cầu bê tông bắc qua sông Thoa nối hai phường Phổ Quang - Phổ Vinh, do Nhà nước đầu tư xây dựng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khi cây cầu mới đưa vào hoạt động, mọi hoạt động đi lại, thu phí tại cây cầu gỗ của ông Nguyễn Thành Long và bà Lê Thị Rân sẽ chính thức dừng lại. Song, suốt 23 năm qua, chính quyền và nhân dân Phổ Quang luôn biết ơn sự tiên phong của ông Nguyễn Thành Long và bà Lê Thị Rân. Bởi nhờ có họ mà người dân Phổ Quang được thuận tiện hơn rất nhiều trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.