Những nhân vật của tôi

09:06, 21/06/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Tôi làm báo ngót 30 năm, viết hàng trăm phóng sự, ký sự, trong đó có nhiều bài chỉ viết về chân dung nhân vật. Lâu lâu gặp lại, tôi nhận từ họ cái bắt tay tin cậy cùng cái nhìn ấm áp mà không cần phải nói lời cảm ơn. Nghề báo, đôi khi chỉ cần có vậy.

TIN LIÊN QUAN

Từ liệt sĩ thành thương binh

Đầu năm 2001, trên chuyến xe đò từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi, tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa hai người đàn bà. Một người nói giọng Bắc, sau khi làm quen với người nói giọng Quảng, chị bắt chuyện: “Chồng tôi đi kháng chiến không về nhưng không có giấy báo tử. Người thì bảo ông ấy đi chiêu hồi, kẻ thì bảo ông bị thất lạc do bị thương và mất trí nhớ. Nghe ai mách cho chỗ nọ chỗ kia có ông lính “Bắc Việt” có hoàn cảnh như thế, tôi đều tìm đến nhưng vô vọng. Lần này thì …”. Người phụ nữ nói giọng Bắc bỏ dở câu chuyện. Chị nói giọng Quảng như bừng tỉnh: “Ồ, làng tui cũng có người như vậy. Có khi đúng chồng chị rồi”. Nghe thế, tôi xuống xe đò và bám theo hai người đàn bà ấy.

Đến nơi, chị nói giọng Bắc thêm một lần hẫng hụt vì người chị tìm không phải chồng chị mà là ông Thơm-cũng một anh “lính Bắc Việt” bị thất lạc giữa vùng rừng phía tây huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) này. Nhưng tôi thì “được” một bài phóng sự. Ông Thơm mồ côi từ nhỏ và được người bác ruột Trần Thời nuôi. Ông Thời đi tập kết, bỏ lại đứa cháu tiếp tục côi cút. Đến năm 1964, ông Thơm nhảy núi tham gia bộ đội một thời gian rồi ra Bắc. Bác cháu gặp nhau trên đất Bắc đâu được 3 năm thì người cháu phải đi B. Năm 1974, ông Thơm cùng đơn vị về vùng Hố Dài phía tây huyện Bình Sơn và gặp phục kích.

Một mảnh đạn sượt qua đầu khiến ông “nằm lại” trong ruộng mía mấy ngày. Một bà mẹ người Cor “nhặt” được anh bộ đội bị thương rồi dẫn về nuôi. Ông Thơm từ đó “ở rể” luôn và mang một tên mới là Nguyễn Hữu Nghị do người làng đặt cho. Sau ngày hòa bình, ông Trần Thời nhận giấy báo tử và hưởng tiền tuất của đứa cháu tên Thơm.

 

 Ông Bút mù và tác giả. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Ông Bút mù và tác giả. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

 

Trong một lần “tỉnh” nhất, ông Thơm lần mò về quê ở khu đông huyện Bình Sơn và được người làng chỉ cho chỗ ở của ông bác trên thị trấn Châu Ổ, bấy giờ là Trưởng phòng LĐTB&XH huyện. Thấy đứa cháu xuất hiện đầu ngõ, vợ chồng người bác rụng rời tay chân vì cứ nghĩ nó hiện hồn về. Cuộc dàn xếp sau đó êm xuôi: bác cho cháu chiếc xe đạp kèm lời khuyên là không nên đến thăm nữa. Đứa cháu dở khùng dở dại ấy về lại ngôi làng người Cor mà anh ta ở rể và giữ đúng lời dặn của người bác.

Chừng 10 năm sau, trong một lần tìm mộ liệt sĩ ở Hố Dài, cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Bình Sơn mới phát hiện ra ông “liệt sĩ” này. Tôi đã kể lại câu chuyện “liệt sĩ Thơm” ấy trên báo. Rất nhiều tấm lòng thương cảm đã gửi tiền về giúp ông Thơm. Hồi đó (năm 2001), không có thẻ ATM như bây giờ nên mỗi tháng tôi lại lặn lội ra tận Hố Dài để chuyển tiền của bạn đọc gửi ông Thơm. Cứ kéo dài tình trạng “đi thăm liệt sĩ” hằng tháng thế này thì quá mất công, tôi quyết định “bắt đền” Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi. Ông Huỳnh Minh Giữ, Chỉ huy trưởng quyết định đưa ông Thơm đi giám định thương tật rồi xếp thương binh hạng 2 cho ông Thơm.

Tôi “thoát nợ” từ dạo ấy. Từ “liệt sĩ” thành “thương binh” là cuộc hành trình gian nan giữa tôi và nhân vật của mình. Năm 2009, tôi đi cứu trợ vùng Hố Dài- nơi gắn kỷ niệm làm nghề 8 năm trước. Từ trong đám đông đồng bào Cor đi nhận quà cứu trợ, một giọng người Kinh đã gọi tên tôi. Tôi ngờ ngợ một hồi. Hóa ra là giọng của “liệt sĩ” Thơm. Ông tiến lại và bắt tay tôi, không nói lời nào. Và ông đã khóc trước sự ngỡ ngàng của nhiều người Cor hôm đó. Chỉ riêng tôi mới hiểu những giọt nước mắt nghĩa tình ấy của ông Thơm.
 
Rồi đến anh hùng
 

Mùa mưa Trường Sơn năm 1999  như đến sớm hơn mọi năm. Chiếc xe Simson của anh xe ôm như “trôi” trên con đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Đường đang san ủi, đất đỏ nhão nhoét. Anh xe ôm ra giá 200 ngàn cho cuốc xe chưa được 20 cây số vào thời điểm ấy, kể cũng đắt thật nhưng tôi phải đi vì ở đó có ông “Bút mù”, nghe nói, bằng mấy vỏ lon sữa bò mà ông đã làm được một “công trình thủy lợi” khiến cả làng ngả mũ chào thua. Càng hấp dẫn tôi hơn là ông già mù ấy có đến … hai bà vợ, lại có cô con gái “rượu” rất xinh! Nhưng trên tất cả những lý do cuốn hút ấy là, ông Bút có đến 10 năm cõng đạn Trường Sơn thời chiến tranh (1965-1975). Tôi muốn biết ông già mù ấy làm cách nào mà gùi trên vai mình hàng trăm tấn hàng ra trận.

 

Ông Đinh Thế Văn (đội mũ ở giữa” thuyết minh về cách đánh B52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Ảnh: Đinh Thế Văn
Ông Đinh Thế Văn (đội mũ ở giữa” thuyết minh về cách đánh B52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Ảnh: Đinh Thế Văn

 

Hôm ấy, nhân vật của tôi đang mò mẫm nhặt từng thanh gỗ từ căn nhà cũ rồi vác qua bên kia đường để “lắp” vô ngôi nhà mới. Nghe tôi đề nghị, ông dẫn tôi ra “công trình thủy lợi” rồi thuyết minh: “Mùa nắng ở đây khắc nghiệt lắm nhưng con suối sau nhà thì chẳng bao giờ cạn nước. Thế là tôi quyết định “dẫn nước” từ con suối ấy về mấy sào ruộng ở lưng chừng ngọn núi này”, ông Bút vừa dẫn khách “tham quan” ruộng lúa mới gặt, vừa thuyết minh. Tôi đã kịp chuyển tải tất cả những gì mà ông Bút đã làm được trong chiến tranh cũng như trong hòa bình ấy lên mặt báo với câu hỏi ở cuối bài: “Tại sao ông cụ người Cơ Tu ấy không được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang?”. Bẵng đi haii năm sau, tôi nhận một “thư mời” từ tỉnh Quảng Nam ra chia vui với ông Bút khi tỉnh này quyết định trao cho ông danh hiệu anh hùng như mong muốn của tôi.

 

Ông Đinh Thế Văn (phải) kể chuyện với đồng đội cũ về trận bắn rơi B52 tại Ngọc Hà. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Ông Đinh Thế Văn (phải) kể chuyện với đồng đội cũ về trận bắn rơi B52 tại Ngọc Hà. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

 

Dĩ nhiên là, không hẳn vì bài báo ấy đã mang lại danh hiệu cao quý đó cho ông già mù cõng đạn giữa Trường Sơn mà phải nhờ vào nhiều yếu tố khác nữa, nhưng lòng tôi cũng rộn ràng như ông Bút khi nghe tin vui ấy. Cũng như ông Đinh Thế Văn, một sĩ quan thuộc Bộ đội tên lửa- người đã có sáng kiến bắn rơi B52 Mỹ giữa bầu trời Thủ đô năm 1972, lặng lẽ sống cuộc sống của một nông dân ở ngoại thành Hà Nội mấy chục năm rồi mà không màng đến sự tưởng thưởng nào của Nhà nước dành cho công trạng đó của ông. Nhân 40 năm “Điện Biên Phủ trên không”, tôi ra Hà Nội và trò chuyện với nhân vật của mình. Cuối loạt bài đăng trên Thanh Niên năm đó (2012), tôi viết: “Ông Đinh Thế Văn xứng đáng nhận danh hiệu cao quý nhất dành cho một quân nhân tham gia đánh B52 năm ấy. Bỏ quên ông là có lỗi với lịch sử vậy”. Đúng một năm sau, ông gọi điện thoại cho tôi: “Chú mời cháu ra Thủ đô để “rửa” cái bằng anh hùng nhé”.

Những nhân vật của tôi trên đây, họ xứng đáng để thành thương binh, họ đủ các yếu tố để được phong tặng danh hiệu anh hùng, song sự vô tâm của người đang sống hôm nay đã làm khuất lấp những chiến công của họ. Nhà báo chỉ làm nhiệm vụ “nhắc để mà nhớ” những câu chuyện bị khuất lấp kia. May mắn thay, sự “nhắc để nhớ” ấy đã được đáp từ bằng những việc làm cụ thể. Tôi đã vui với nhân vật của mình từ những việc như thế.

TRẦN ĐĂNG



 

 


.