Mở cửa lên Tây Nguyên

09:06, 17/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn hai năm trời băng rừng, vượt thác, cơm đùm gạo túi, ăn núi ngủ rừng của cán bộ, kỹ sư ngành GTVT những ngày đầu tái lập tỉnh để khảo sát, đo vẽ cho một đại dự án về giao thông thời bấy giờ đã cho quả ngọt: Quốc lộ 24 ra đời, chính thức mở cửa lên vùng Tây Nguyên giàu có.

Ngày nay, Quốc lộ 24 ngày càng hoàn thiện, như một dải lụa vắt ngang qua những sườn núi. Cung đường nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên đã mở cửa giao thương, chắp cánh cho những vùng quê dọc quốc lộ này phát triển.

“Lửa thử vàng...”

Chiều hè tháng 6, những vệt nắng cuối cùng le lói qua từng góc nhà, ông Cao Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi thong dong tưới cây cảnh trong sân vườn. Thoáng chốc đã 30 năm trôi qua, nhưng trong tâm thức ông Thủy, những tháng năm “ăn núi, ngủ rừng” để mở Quốc lộ 24 không thể nào quên.

Quốc lộ 24 như một dải lụa mở toang cánh cửa nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên.
Quốc lộ 24 như một dải lụa mở toang cánh cửa nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên.

“Mấy tháng sau ngày tái lập tỉnh, Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các cơ quan tham mưu về hạ tầng giao thông. Trong hàng trăm vấn đề được bàn luận, thì câu chuyện mở đường lên Tây Nguyên được nhiều người quan tâm nhất. Bởi thời điểm đó, để lên Tây Nguyên chúng ta phải đi vào Bình Định, vòng lên Quốc lộ 19. Sau khi tiếp thu các ý kiến, Tỉnh ủy quyết định mở cửa lên Tây Nguyên, bởi đó là con đường mang tính chiến lược trong hành trình phát triển”, ông Thủy hồi tưởng.

Nhận nhiệm vụ, ông Thủy cùng nhân viên của mình “hành quân” khảo sát, làm tiền đề cho ngày mở đường. Chuyến xe đưa đoàn đến thị trấn Ba Tơ thì dừng lại để đón cán bộ của huyện Ba Tơ dẫn đường. Những thác ghềnh, đồi dốc cứ thế hiện ra. Quãng đường chưa đến 30km, nhưng mất gần một ngày trời đoàn mới đến chân đèo Violắc. Trong đoàn, nhiều cán bộ mệt rã người vì nắng và đói. Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau đoàn lên đường, bắt đầu hành trình lội bộ. Hơn 3 ngày, cuộc chinh phục đỉnh đèo Violắc cũng thành công. Mỗi bước đi của đoàn đều được ghi lại cẩn thận từ tọa độ, hiện trạng rừng, cho đến sông suối...

“Đó thực sự là một thử thách, bởi ngoài khó khăn do địa hình đồi núi phức tạp, thì quá trình lội rừng nghiên cứu, khảo sát đoàn “chạm mặt” với nhiều loại thú rừng, bò sát nguy hiểm, nên mỗi chuyến đi của chúng tôi đều có du kích huyện Ba Tơ cử theo trang bị vũ khí đi kèm để bảo vệ. Có lần, sau khi đường mở thông, xe chở đoàn “trèo” lên được nửa dốc thì bố thắng cháy, xe tuột dốc, anh em nhảy ra khỏi xe dùng đá chèn lại rồi tìm cách đẩy xe lên vị trí thích hợp để sửa... Nhưng sau tất cả thì niềm vui lớn nhất là một thiết kế tổng quát đã hoàn thành. Chính tôi là người mang dự án ra Bộ GTVT để bảo vệ và kết quả là Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý cấp vốn, để thực hiện dự án này”, ông Thủy nhớ lại.

Nhọc nhằn bạt núi

Từ ngã ba Thạch Trụ, tuyến Quốc lộ 24 chạy xuyên qua những xóm làng, qua từng ngọn đồi rồi đến núi cao. Tuyến đường nhựa phẳng lỳ như một dải lụa nối đồng bằng với Tây Nguyên. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có con đường hôm nay là cả một quá trình đầy gian khó của những người mang sứ mệnh mở đường.

 Thị trấn Ba Tơ vươn mình bên tuyến Quốc lộ 24.
Thị trấn Ba Tơ vươn mình bên tuyến Quốc lộ 24.

Nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GTVT) vào năm 1990 Nguyễn Viết Hân cho biết: Sau khi dự án được phê duyệt, mọi người ai nấy đều rất vui, vì bao công sức bỏ ra đã được ghi nhận. Song bước tiếp theo là thi công thì không hề dễ dàng. Toàn bộ công trường phải phá đá, bạt núi. Nhiều đoạn dốc phương tiện cơ giới không thể thi công buộc phải dùng sức người, đến khi nào đảm bảo an toàn thì mới đưa phương tiện cơ giới vào. Có những đoạn gặp đá tảng, nhà thầu phải xin ý kiến cấp trên để đánh mìn với khối lượng lớn. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao với phương tiện thi công thô sơ, tiền bạc thiếu thốn, vậy mà mọi thứ lại hanh thông đến khó tin.

Nhắc lại chuyện xây dựng Quốc lộ 24, ông Cao Xuân Thủy cho hay: Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đại hội đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, Tỉnh ủy hứa với nhân dân là trong nhiệm kỳ này sẽ đầu tư một công trình trọng điểm mang tính chiến lược. Và ngay trong năm 1991 công tác khảo sát, thiết kế được tiến hành, đến năm 1993 thì hoàn thành dự án.

“Thời điểm đó chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được công nghệ hiện đại, nên quá trình đi khảo sát phải viết tay, chấm toạ độ trên giấy trắng. Rồi ghi lại cụ thể điểm nào mở rộng, chỗ nào làm cầu, nơi nào phải đánh mìn phá đá. Đến giai đoạn thi công thì gian nan hơn, bởi năng lực các nhà thầu cũng còn hạn chế nhất định. Riêng những đoạn núi hiểm trở, tỉnh phải thuê các công ty có tên tuổi như Lũng Lô để thi công. Một công trình giao thông cấp IV miền núi chạy xuyên những cánh rừng già, đèo cao, hố sâu nối với Tây Nguyên cuối cùng cũng hoàn thành. Đây là công trình giao thông có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh vào thời điểm đó, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành giao thông tỉnh trong hành trình mở đường kể từ sau ngày tái lập tỉnh”, ông Thủy chia sẻ.

Cung đường thoát nghèo

Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Trần Thanh Vân cho biết: Ngày đó, đường từ thị xã Quảng Ngãi lên Ba Tơ rất khó khăn, còn đoạn từ thị trấn Ba Tơ đến đèo Violắc thì khó có thể tả bằng lời. Mỗi lần tổ chức họp dân hay có việc cần ở các xã như Ba Tô, Ba Tiêu, Ba Vì... thì gần như cán bộ huyện phải đi xe đạp hoặc đi bộ. Bởi đi xe ô tô thì không thể, vì đường rất xấu, vào mùa mưa thì bị cô lập. Hàng hóa người dân làm ra gần như phải tiêu thụ tại chỗ do phương tiện cơ giới không thể đến nơi được.

Đèo Violắc cung đường hiểm trở trên tuyến Quốc lộ 24. Ảnh: B.T.TRUNG
Đèo Violắc cung đường hiểm trở trên tuyến Quốc lộ 24. Ảnh: B.T.TRUNG

“Kể từ khi Quốc lộ 24 hoàn thành, việc đi lại thuận lợi, bộ mặt các xã khu tây của huyện đã chuyển mình một cách rõ rệt. Quốc lộ 24 như một chiếc đòn bẩy đẩy cả khu vực nghèo khó của huyện đổi thay đến không ngờ”, ông Vân nhớ lại.

Thong dong trên cung đường từ Thạch Trụ đến Violắc ngày nay, không khó để nhận ra những đổi thay trên vùng đất An toàn khu. Những cánh rừng thông reo, những xóm làng trù phú mọc lên. Thị trấn Ba Tơ vươn mình trở thành đô thị sầm uất ngay bên Quốc lộ 24. Những cây cầu mới được đầu tư sau này đã xóa cảnh “lụy đò” giữa hai bờ sông Liên. Trên đường, phương tiện cơ giới chở hàng hóa, nông lâm sản và xe khách từ các tỉnh Tây Nguyên xuôi về đồng bằng đi lại tấp nập. Hàng quán, cửa hiệu buôn bán hai bên đường mở ra ngày càng nhiều hơn.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết nhấn mạnh: “Quốc lộ 24 đã đưa Ba Tơ xích lại gần hơn với thị thành, cắt đứt điểm nghẽn lên Tây Nguyên. Chính việc xây dựng và duy tu, bảo dưỡng mở rộng cung đường này trong thời gian qua là nền tảng quan trọng để Ba Tơ chuyển mình, mà cụ thể nhất là đời sống người dân ngày càng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 30% so với thời điểm năm 1989”.

35 tỷ đồng

Đó là số tiền mà Bộ GTVT phê duyệt vào năm 1990 để xây dựng Quốc lộ 24. Trong đó, Quảng Ngãi 25 tỷ đồng và Kon Tum 10 tỷ đồng. Sau đó, tỉnh Kon Tum bàn giao luôn số tiền trên cho Quảng Ngãi quản lý thi công đoạn từ đèo Violắc đến huyện Kon Plông.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 

 


 


.