Trở lại làng "đu dây"

01:04, 17/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cây cầu mơ ước của người dân Sơn Ba (Sơn Hà) đã đưa vào sử dụng. Làng “đu dây” ngày nào giờ đã không còn cách trở như trước, thế nhưng người dân nơi đây vẫn còn "đánh đu" với bao nỗi vất vả, lo toan thường nhật.

TIN LIÊN QUAN

Hơn nửa đời người sống trong cảnh ngăn sông, Trưởng thôn Mò O Đinh Văn Dem nhớ tất cả những gì diễn ra tại bến sông này mấy chục năm qua. Để "mở lối đi" cho dân làng, người dân nơi đây đã nghĩ ra cách vượt sông bằng cách làm bè bằng tre, nứa rồi đóng cọc, nối dây thừng vắt ngang hai bên bờ sông Re để thông thương, giao lưu bên ngoài.

Đó là rào cản khiến 6 thôn Mò O, Làng Bung, Kà Khu, Làng Già, Làng Chai, Gò Da của xã Sơn Ba chưa thể phát triển, trẻ em đến trường rất đỗi nhọc nhằn... Chiếc cầu hoàn thành mang lại niềm vui khôn tả, giúp hàng trăm hộ dân bên kia sông Re đi lại an toàn, thuận lợi, dù vậy đời sống người dân vùng cao Sơn Ba cho đến bây giờ vẫn chưa thể "kéo" gần hơn mức thu nhập bình quân của huyện miền núi này.

Không còn "đu dây"

Ông Đinh Văn Dem kể lại, không phải quá lâu mà chỉ cách đây hơn 2 năm, có khoảng 700 hộ dân, với hơn 2.500 nhân khẩu hằng ngày đều phải đi lại trên những điểm bè đặt rải rác một khúc sông. Mỗi khi muốn vượt sông, người dân phải trèo lên bè nứa rồi dùng tay ghì chặt lấy sợi dây thừng, sau đó vừa kéo vừa lợi dụng sức nước để đẩy bè sang đoạn sông rộng trên 300m.

Cầu Mò O được đưa vào sử dụng, nối liền 6/8 thôn của xã Sơn Ba với trung tâm xã.
Cầu Mò O được đưa vào sử dụng, nối liền 6/8 thôn của xã Sơn Ba với trung tâm xã.


Những năm trước, rất nhiều học sinh Trường THCS Sơn Ba đều phải qua sông như thế để tìm con chữ. Hầu hết các em đi bộ đến trường, có em nhà xa phải đi bộ năm, sáu cây số. Những ngày đi học, các em phải rời nhà từ tờ mờ sáng mới kịp giờ lên lớp. Gặp hôm mưa to, gió lớn, người lớn phải đưa chúng sang sông, nhưng sang đến nơi thì quần áo, cặp sách cũng ướt hết. Cũng chính vì đi lại khó khăn mà nhiều học sinh ở các thôn làng bên kia sông Re đã phải bỏ học giữa chừng.
 

Đầu năm 2015, cầu Mò O với kinh phí 28 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Một năm sau đó, người dân đón thêm niềm vui mới khi một cây cầu khác cũng được hoàn thành. Đó là cầu  treo Làng Bung nằm cách cầu Mò O 2km  xuôi theo dòng chảy sông Re cùng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở 6/8 thôn của xã Sơn Ba. Tuy nhiên, cầu Mò O vẫn đóng vai trò chính trong nhiệm vụ phát triển giao thương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nơi đây.

Trầm ngâm một hồi, anh Dem hào hứng: “Bây giờ thì đổi đời rồi. Trẻ con đi học chỉ cần mấy phút bước trên cây cầu bê tông, nắng mưa, bão bùng không còn lo ngã xuống sông nữa”.

"Tại sao đồng bào mình lại chọn mảnh đất bên kia sông để sinh sống?" Tôi hỏi. Những người già ở đây đều chung câu trả lời: Khu vực này có diện tích đất nông nghiệp cũng như đất rừng lớn, nguồn nước dồi dào từ suối Lùn chảy song song với sông Re, phù hợp để người dân khai khẩn trồng lúa, trồng mì mà không lo sợ thiếu nước tưới. Đời sống người Hrê gắn liền với núi rừng, nên họ chọn những triền núi cạnh đó cất nhà, sinh sống.

“Hai năm nay, nhờ cây cầu Mò O, cuộc sống thay đổi nhiều lắm, không chỉ việc đi lại thuận lợi, mà kinh tế cũng dần cải thiện. Từ ngày có cầu, chúng tôi phấn khởi lắm. Bây giờ, các cháu đã được đi học đúng giờ, không phải nhịn đói tới trường, dân làng có điều kiện giao lưu, mở mang với bên ngoài”, Chủ tịch UBMTTQ xã Sơn Ba Đinh Văn Nã xúc động nói.

Nhưng cái khó còn đu bám

Trong 6 thôn đồng bào dân tộc Hrê sinh sống trải dài bên kia dòng sông Re thì Gò Da là thôn xa xôi, nghèo khó nhất. Cả thôn tìm không ra một căn nhà xây, không có điện lưới quốc gia, bà con tự làm những “thủy điện” nhỏ ở suối rồi dẫn về nhà. Lối mòn kiểu con lươn bò leo lên thôn hẹp chừng 2m, lởm chở đá, làng chênh vênh giữa rừng già. Gò Da nằm ngay giữa cánh rừng phòng hộ. Cả thôn có 43 hộ thì tất thảy đều là hộ nghèo... Thanh niên Gò Da thật thà bảo, trên này không có ruộng lúa nước, dân phải canh tác trên diện tích rừng phòng hộ, dù không được phép.

Việc đi lại của người dân thôn Làng Chai, Làng Già vẫn còn khó khăn. Họ phải mở đường mòn trên bãi bồi sông Re để đi lại.
Việc đi lại của người dân thôn Làng Chai, Làng Già vẫn còn khó khăn. Họ phải mở đường mòn trên bãi bồi sông Re để đi lại.

Không riêng gì Gò Da, thôn Làng Già và thôn Làng Chai mặc dù nằm giữa cánh đồng rộng lớn, nhưng những con đường để vào 2 thôn này lại rất khó khăn. Mùa khô, người dân ở 2 thôn mở đường mòn băng qua bãi bồi sông Re để đến được cầu Mò O. Mùa nước lớn, đường mòn bị nước bao vây, người làng lại phải vòng đường khác xa hơn, nhưng cũng không chắc chắn có thể đi được, bởi con đường bị ngăn cách bởi ba dòng suối sâu... “Mưa lớn, nước dâng cao thì 2 thôn bị cô lập là chuyện bình thường. Như tôi đi làm còn sợ huống hồ mấy đứa nhỏ đi học”, ông Nã, người dân Làng Chai cho biết.

Thu nhập chỉ bằng 1/3 so với bình quân của người dân trong huyện

Theo UBND xã Sơn Ba, toàn xã hiện có 674 hộ dân, với hơn 2.500 nhân khẩu. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt khoảng 7 triệu đồng/năm, chỉ bằng khoảng 1/3 mức thu nhập bình quân của huyện miền núi Sơn Hà.

Đường liên thôn đã khó, những con đường nối liền trong xóm ở cả 6 thôn cũng nhỏ hẹp, chằng chịt, mưa xuống là đường trở thành "suối chảy róc rách”.

Mỗi lần qua các thôn làm việc, muốn đi từ nhà này đến nhà khác mà không sợ dính bùn hay trượt ngã, bọn tôi phải dùng kà kheo để di chuyển đấy”, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Ba Đinh Văn Cường, hóm hỉnh bảo. Rồi ông Cường tiếp lời: Dự án khu tái định cư Mang Pô – Gò Da đang được triển khai để các hộ dân Gò Da về gần hơn. Xã cũng đang triển khai chuyển đổi đất rừng phòng hộ thành rừng trồng, cấp cho các hộ dân để họ có thể ổn định và phát triển kinh tế. Cuối năm 2016, UBND huyện cùng ngành giao thông vận tải cũng đã khảo sát 3 con suối nối liền tuyến đường liên thôn Làng Già- Làng Chai đến Mò O để xây dựng cầu (thuộc Dự án 1.000 cây cầu của Bộ GTVT). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa triển khai. Tất cả vẫn đang ở... "chế độ chờ”.

Rời làng “đu dây” trên cây cầu Mò O rộng thênh thang, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể vui trước bộn bề gian khó của người dân trên rẻo cao này. Vì thế, cần lắm những công trình, dự án đang dở dang sớm được triển khai, rồi sinh kế cho người dân cũng được tính toán, thực hiện lâu bền.  


Bài, ảnh: VŨ YẾN



 


CÁC TIN KHÁC
.