Những nẻo đường sách

03:04, 21/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là kho báu tri thức, là vật mang đến nhiều cảm hứng cho người đọc và để lại biết bao kỷ niệm trong ký ức của nhiều người... Đó chỉ có thể là sách.

TIN LIÊN QUAN

Mỗi người sẽ cảm nhận về sách theo một cách riêng, còn tôi khá tâm đắc với "đúc kết" của đại văn hào M.Gorki (Nga): “Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức”.

Mở ra chân trời mới

Dù mới bước qua tuổi 27, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Thúy, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) đã có thâm niên hơn 20 năm sưu tầm sách. Cũng từ những cuốn sách đã mở ra cho Thúy những chân trời ước mơ. Thúy chia sẻ, khi biết đọc và cảm nhận được nội dung của sách cũng là lúc tôi chọn lưu giữ cho mình những cuốn mình thích. Những năm học tiểu học, tôi thích đọc truyện tranh, lớn dần lên thì say mê những tác phẩm văn học kinh điển, những cuốn sách với nhiều thể loại khác nhau. Ngày còn nhỏ thì đọc sách “ké” của chị, đến khi biết đi xe thì đến thư viện của trường, thư viện của huyện để mượn sách về đọc, rồi sách đã mê mẩn, theo tôi từ đó.

Khách hàng tìm mua sách cũ tại cửa hàng sách của bà Lê Thủy Lành ở góc đường Hùng Vương - Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi).
Khách hàng tìm mua sách cũ tại cửa hàng sách của bà Lê Thủy Lành ở góc đường Hùng Vương - Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi).


Nhắc tới sách, chị Thúy tỏ ra rất hào hứng. Chị Thúy bảo, khi đọc sách giống như mình đang đi du lịch vậy, thích đi đâu cũng không cần phải tốn tiền. “Muốn tìm hiểu về Paris, London, thì mình xem truyện của Pháp, Anh, trong sách miêu tả rất chi tiết khung cảnh, mình xem, mình cảm nhận và tưởng tượng như đang ở đó. Hay mình muốn đi Đà Lạt, thì lại tìm đến những cuốn sách viết về Đà Lạt”, chị Thúy cười tươi rói khi khoe với chúng tôi về những cuốn sách quý của mình. So với giới sưu tầm sách thì không nhiều, nhưng so với tuổi đời của Thúy thì đây là một tủ sách lớn với khoảng một nghìn cuốn. Mỗi cuốn sách đều được chị  gìn giữ cẩn thận, xếp ngay ngắn trong một góc riêng của mình.

Kể về “hành trình” kiếm tìm những cuốn sách mà mình yêu quý, chị vẫn nhớ hoài kỷ niệm để có được cuốn truyện tranh về chú mèo máy Doreamon. Chị Thúy kể, nhân kỷ niệm 20 năm lần đầu ra mắt chú mèo máy này tại Việt Nam, NXB Kim Đồng tổ chức hội sách, nhưng chỉ ai có được giấy mời từ NXB mới có thể mua bộ sách đặc biệt. Vậy là chị đành xếp hàng để nhận giấy mời để có thể mua sách. Nhưng bộ truyện mà chị Thúy mua chỉ có 2 cuốn, trong khi bộ đặc biệt đến 9 cuốn. Bởi hồi ấy, sinh viên khó khăn quá, chỉ có thể mua bộ sách rẻ tiền mà thôi. Dẫu vậy, đến giờ nghĩ lại, chị Thúy vẫn cảm thấy rất ấm áp.

Ấn tượng về sách, Thúy trả lời: Đó là cuốn “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. “Đọc truyện này không biết bao lần, nhưng lần nào mình cũng khóc. Truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca... Mỗi người một hoàn cảnh, song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Truyện là bài học không bao giờ cũ cho mỗi người trẻ”, chị Thúy xúc động nói.
 

Tôn vinh văn hóa đọc

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 21.4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam”. Qua 3 năm tổ chức, “Ngày Sách Việt Nam” đã góp phần xây dựng không gian văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho nhiều đối tượng bạn đọc, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa sách với người đọc, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, qua đó xây dựng một xã hội học tập. Năm nay, “Ngày Sách Việt Nam” lần thứ 4 được tổ chức gắn liền với kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sẻ chia cảm xúc

Hơn 15 năm qua, cửa hàng sách cũ nơi góc đường Hùng Vương - Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi) vẫn đều đặn mở cửa lúc 6 giờ sáng và đóng cửa lúc 6 giờ chiều. Hàng nghìn đầu sách được sắp xếp cẩn thận, ngay ngắn, chỉ nhờ duy nhất đôi bàn tay của một người phụ nữ. Đó là bà Lê Thủy Lành (55 tuổi). “Cửa hàng sách” của bà Lành là cách gọi cho sang, chứ thật ra chỉ vài cái kệ gỗ, một căn phòng nhỏ chứa sách nơi góc phố lẩn khuất mà thôi.

Thế nhưng, ở đây sách gì cũng có. Từ tiểu thuyết ngôn tình, truyện tranh đến sách khoa học kỹ thuật... Có cuốn sách bìa đã ố vàng, nhưng chất chứa rất nhiều giá trị. Khách vào ra, xem xong dù có mua hay không, bà Lành vẫn niềm nở. Bởi hầu hết khách hàng đều là người quen, bao năm gắn bó với hiệu sách.

Đối với bà Lành, việc bán sách cũ không chỉ để mưu sinh, mà còn là cuộc sống của bà mười mấy năm qua. Đọc sách cũ cũng là niềm vui thấm trong máu thịt của bà lâu lắm rồi. Nhưng theo bà Lành, chỉ đọc thôi thì chưa đủ, mà phải xem và chiêm nghiệm thì mới cảm thụ được chi tiết hay, mới nhớ lâu được. “Hầu hết sách cũ tôi bán, tôi đều đọc qua, một phần đọc cho biết cuốn nào hay, cuốn nào dở để giới thiệu cho khách, phần đọc khi vắng khách coi như để giải trí”, bà Lành thổ lộ.

Đã có thời gian, bà Lành bán sách cũ tận TP.Hồ Chí Minh. Về quê, bà vẫn tiếp tục gắn bó với sách. Bà chia sẻ, những cuốn sách cũ cũng giống như cuộc đời của chúng ta. Có những thứ bây giờ đổi mới rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn nhớ về kỷ niệm xa xưa nào đó, ở một nơi nào đó. Có những quyển sách được tái bản rất nhiều lần, nhưng không phải là quyển sách đã từng được xuất bản trước đó, đã từng được ai đó trong chúng ta từng đọc. “Có nhiều lúc nhìn thấy những quyển sách nào đó, mình cảm giác rất vui như gặp lại những gì thân yêu thời thơ ấu của mình. Mình mua rồi bán chúng, ngoài việc kiếm tiền mưu sinh, thì còn mong đem lại cho mọi người những cảm xúc như mình đã có”, giọng bà Lành nghèn nghẹn.

Tạo không gian mới cho người đọc

Tủ sách của chị Nguyễn Thị Thu Thúy, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) với cả nghìn cuốn được cất giữ ngay ngắn, gọn gàng.
Tủ sách của chị Nguyễn Thị Thu Thúy, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) với cả nghìn cuốn được cất giữ ngay ngắn, gọn gàng.


Quán cà phê sách chính thức đầu tiên ở TP.Quảng Ngãi có lẽ là Cò Book Café nằm trên đường Phan Chu Trinh. Theo anh Võ Ngọc Diêu, chủ nhân của quán, khi mở Cò Book Café là anh muốn gửi đến mọi người một không gian cà phê ấm cúng, yên tĩnh và muốn tìm đến "khu vườn tri thức". Đến với Cò Book Café, mọi người có những giây phút thư giãn ý nghĩa, lật dở từng trang sách để cảm nhận bình yên của cuộc sống.
 

“Có nhiều lúc nhìn thấy những quyển sách nào đó, mình cảm giác rất vui như gặp lại những gì thân yêu thời thơ ấu của mình. Mình mua chúng rồi bán chúng, ngoài việc kiếm tiền mưu sinh, thì còn mong đem lại cho mọi người những cảm xúc như mình đã có”.
Chủ tiệm sách cũ LÊ THỦY LÀNH

Đi nhiều, thấy nhiều và cảm nhận vẻ đẹp của cà phê sách, anh Diêu liền mang sự mới mẻ ấy về TP.Quảng Ngãi. Dẫu không phải là quán cà phê lớn, nhưng không gian bên trong được bài trí đẹp là yếu tố tạo nên sức hút cho quán. Anh Diêu cho biết, với quán cà phê bình thường thì chỉ cần đáp ứng yêu cầu thoải mái, yên tĩnh là đủ, nhưng với cà phê sách thì phải làm sao để khách cảm thấy như đang bước vào một thư viện thực thụ.

Giá sách được sắp xếp khoa học, hợp lý, phân loại theo từng chủ đề, từng thể loại khác nhau. Bàn ghế được thiết kế phù hợp cho việc ngồi đọc sách trong thời gian dài, tạo sự thoải mái tối đa. Khách đến sẽ cảm thấy như đang bước vào một thế giới riêng, với sách, với cà phê, bỏ mặc những xô bồ ngoài đường phố.

Anh Diêu trải lòng, cà phê là sản phẩm chính, nhưng sách lại là thứ thu hút khách đến với quán. Cà phê sách giống như một góc yên tĩnh cho những ai đã mệt mỏi với bon chen ngoài kia, thế nên đừng bao giờ đặt nặng việc kinh doanh vào nó, hãy để khách hàng tự cảm nhận.

Cuộc sống hiện đại đã dẫn đến những thay đổi về thói quen, trong đó có thói quen đọc sách. Cà phê sách chính là một sự kết hợp đẹp giữa văn hóa đọc và văn hóa thưởng thức cà phê. Cả hai góp phần đem lại một hình ảnh văn minh, hiện đại, thể hiện nét văn hóa riêng.  

Bài, ảnh: NG.TRIỀU


 


CÁC TIN KHÁC
.