Ngược dòng phố cổ

09:01, 30/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đã nghe, đã đọc và đã đến, nhưng trong tôi, cái tên phố cổ Thu Xà vẫn mãi luôn mới và dường như có điều gì đó chưa được khám phá...

TIN LIÊN QUAN

Sau những ngày đông se lạnh, bầu trời trở nên trong xanh. Đàn én từ phương nam bay về chao nghiêng trước mỗi hiên nhà ít nhiều còn mang dấu ấn xưa thơm lừng mùi vôi mới... như gọi mùa xuân về. Nắng hanh vàng trải dọc đường quê, thi thoảng có vài hạt mưa lất phất bay, gió thổi nhẹ như tô thêm sắc xuân cho vùng quê bên sông Vực Hồng mà xưa kia gọi là phố cổ Thu Xà ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Mùi hương trầm, kẹo gương, cói chiếu… đắm mình trong nắng mới ngày xuân thoang thoảng bay ngát thơm khiến lòng người nôn nao, sảng khoái.

Sông Vực Hồng - một nhánh của sông Vệ tách dòng lững lờ trôi êm đềm mặc cho cuộc sống những ngày cuối năm luôn hối hả như chính tính cách hiền hòa, đằm thắm, mến khách của người Thu Xà xưa và nay. Ngồi bên trong nhà thủy tạ của Vườn thơ Bích Khê nhâm nhi ly trà nóng, ngắm sen nở, nghe chim hót, anh Nguyễn Trọng Hiển, cháu họ của nhà thơ Bích Khê, người đang trông coi nhà thờ Bích Khê, nói: “Người Thu Xà là vậy đó. Dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cảnh vật có thể mất, thay đổi nhưng cốt cách người Thu Xà xưa và nay vẫn thế, bởi nó thấm sâu trong dòng máu của mỗi người, được nuôi dưỡng, truyền từ đời này qua đời khác”. Cái cốt cách mà anh Hiển nhìn nhận đó là, sự điềm tĩnh theo kiểu thương gia, tỉ mẩn, chịu khó, sáng tạo trong làm ăn...

 

Một góc vườn hoa Nhà thờ Bích Khê.
Một góc vườn hoa Nhà thờ Bích Khê.


Hoàng hôn buông xuống. Ánh đèn bừng sáng trong mỗi căn nhà. Dăm ba chiếc thuyền con vội vã cập bến sông, mang cả niềm vui lẫn những lo toan đời thường của người dân sau một ngày mưu sinh nơi sông nước. Chia sẻ với tôi, người dân nơi đây, từ các bậc cao niên đến nam thanh nữ tú đều tự hào khi nói về phố cổ Thu Xà ngày xưa, dù có người chưa một lần chứng kiến sự phồn thịnh của phố cổ mà chỉ nghe qua lời kể lại, sách báo lưu truyền.

Ông Từ Quang Tuấn kể, theo các cụ cao niên tương truyền, tuy quy mô không lớn nhưng phố Thu Xà xưa kia không khác gì phố cổ Hội An ngày nay. Con sông Đào (nay đã bị lấp) là nơi tiếp nhận hàng hóa, nhưng đồng thời cũng là nơi xuất hàng hóa, chủ yếu là đường và quế... đi các địa phương trong cả nước và tỉnh Hải Nam, Vân Nam (Trung Quốc). Dọc hai bên sông Đào là phố của người Minh Hương sau bao năm qua lại làm ăn đã định cư với điểm nhấn là kiến trúc Trung Hoa.

Sầm uất về kinh tế và đa dạng về văn hóa là thế, nhưng cái tên Thu Xà có từ khi nào vẫn luôn là câu hỏi không chỉ của riêng tôi. Đem điều này chia sẻ với tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thì được ông cho biết: Phố Thu Xà trước đây nay thuộc thôn Thu Xà. Nơi đây còn có tên gọi là Vạn Thu Xà, thuộc làng Tiên Sà- tên làng ngày đầu tiên người Việt đến đây khai phá, lập làng. Cũng theo ông Khôi, mốc thời gian người Việt đến đây lập làng chưa có tài liệu xác định. Khoảng thế kỷ 17, những người chống lại nhà Thanh ở Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam (Trung Quốc) theo đường biển đi về phương Nam định cư, hình thành phố Thu Xà bao gồm phần đất của làng Tiên Sà và làng Hà Khê.
 

Nguyễn Bá Trác- tác giả cuốn Quảng Ngãi tỉnh chí xuất bản năm 1933, viết: “Xưa nay sự buôn bán rất thuận lợi là ở phố Thu Xà... những đường xuyên ngang của sông Trà Khúc và sông Vệ đều có thể vận tải về Thu Xà được, mà muốn chở đường xuất cảng thì cũng phải dò đàng Thu Xà chở ra Cổ Lũy”.

Theo dòng chảy thời gian, phố Thu Xà không còn như xưa do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá. Người dân bắt nhịp hòa mình với cuộc sống mới. Những ngành nghề truyền thống như dệt chiếu cói, làm nhang, kẹo gương... không còn là nguồn thu nhập chính, nhưng vẫn còn nhiều gia đình gắn bó, truyền nghề cho con cháu như một nghĩa cử tri ân với ông tổ của nghề.

Họ chuyển qua kinh doanh mặt hàng dân dụng, duy trì nghề làm thuốc bắc, mở hàng quán ăn uống, giải khát, dịch vụ karaoke... trong đó don vẫn là món ăn hút khách thập phương nhiều nhất. Cụ bà Nguyễn Thị Nỡ, 89 tuổi, bộc bạch: Nhiều người ở xa đến Nghĩa Hòa đều nói, đến đây là phải thưởng thức cho được món don và trứng vịt lộn thì mới cảm nhận hết những thú vị của vùng đất mà nơi con sông giáp biển.

Nhắc đến Thu Xà không thể không nói đến chùa Ông (Quan Thánh tự). Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, cho biết: Ngôi chùa được xây dựng khoảng năm 1821 do tứ bang Minh Hương (Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Quảng Đông) cùng tạo lập, còn giữ khá nguyên vẹn nét kiến trúc xưa (kiến trúc của người Hoa và người Việt), gồm ba gian liền nhau: Tiền đường, chính điện và hậu cung; thờ rất nhiều tượng Quan Công, Chu Thượng, Quang Bình, Phật Bà Quan Âm...

chạm khắc gỗ sắc sảo và tinh tế. Dù bị tác động bởi chiến tranh và thiên nhiên, nhưng ngôi chùa này vẫn còn khá nguyên vẹn, được công nhận là Di tích Quốc gia, trở thành niềm tự hào của người dân Thu Xà. Tiếc rằng, những giá trị văn hóa của di tích này chưa được phát huy hiệu quả để thu hút du lịch đến tham quan. Không những vậy, công tác quản lý còn chồng chéo, chưa được đầu tư bảo vệ, nâng cấp đúng mức dẫn đến công trình bị xâm phạm, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, xét về giá trị văn hóa và lịch sử thì chùa Ông không thua gì miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam ở Châu Đốc (tỉnh An Giang), nhưng trung bình mỗi năm ở miếu thờ này đã đón khoảng 2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch từ khắp mọi miền đất nước và khách quốc tế, doanh thu tính bằng tiền tỷ. “Con gà đẻ trứng vàng là đây. Muốn có trứng vàng thì đòi hỏi phải nuôi đúng quy trình, có tầm nhìn chiến lược, không được ép đẻ non, chỉ thấy cái lợi trước mắt...”, tiến sĩ Khôi nói.

Nghĩa Hòa hôm nay đủ điều kiện để gặt hái những quả “trứng vàng”. Ít nhiều dấu tích của phố cổ Thu Xà xưa vẫn còn đó, như chùa Ông, thờ cá Ông, một số di tích đình làng của người Việt và có cả nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, nhiều ngành nghề truyền thống nằm trong mỗi hộ gia đình. Vùng đất này còn sản sinh nhiều con người mà tên tuổi họ được rạng danh khắp nơi, như nhà thơ Bích Khê, giáo sư Lê Hoài Nam, tiến sĩ Nguyễn Văn Tại...; các tướng lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam như Trần Tiến Cung, Phan Đường... Trước đó (1894) là nhà cách mạng Thái Thú, ông đã dẫn quân đánh chiếm đồn Cổ Lũy. Dù trận đánh thất bại nhưng dũng khí của ông luôn là niềm tự hào của người dân Thu Xà xưa và nay. Ông bị thực dân Pháp bắt và xử chém ngay tại làng - khuôn viên Trường THPT Thu Xà ngày nay.

Du khách đến đây còn có thêm chỗ dừng chân là Khu du lịch Bãi Dừa với diện tích gần 5ha, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng, đang trong giai đoạn khởi động. Đến Nhà lưu niệm Bích Khê để hiểu hơn về tâm hồn, bút lực của người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh, nguyên là nhà thờ họ Lê, rộng trên 2.000m2. Nối liền với nhà thờ là khu vườn hoa với nhiều phiến đá được khắc đôi câu thơ, một phố Thu Xà cổ được tái hiện bằng tranh và có hai cây nhãn cổ mà Bích Khê đã thổn thức: “Là lúc đêm về trên mái ngói/ Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay...”.


Rời Thu Xà, tôi trở về TP. Quảng Ngãi qua cửa Đông khi phố đã lên đèn. Dòng người hối hả ngược xuôi, phố xá nhộn nhịp, khác hẳn với khung cảnh phố cổ Thu Xà trong bài thơ Làng em của Bích Khê: “Nơi đây thành phố đời ngưng mạch/ Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ/ Đường lên Hội quán sương khuya xuống/ Đâu những chàng trai rõi nhớ hờ”...

Làng "mổ lốp xe"

Ở vùng đất này, có một nghề rất lạ và độc, xuất hiện từ những năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược, đó là nghề “mổ lốp xe ô tô cũ” ở thôn Hòa Bình. Có 400 hộ, với trên 1.300 người dân quanh năm sống bằng nghề này, tái chế làm ra trên 10 sản phẩm các loại, đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất vẫn là thị trường các tỉnh Tây Nguyên, doanh thu trung bình mỗi năm được tính bằng tiền tỷ. “Để có môi trường sống lành mạnh, địa phương đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp để đưa các cơ sở này vào sản xuất tập trung”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Nguyễn Chí Thanh nói.

 

PHÚ ĐỨC

 


CÁC TIN KHÁC
.