"Máu rừng" vẫn chảy

08:11, 17/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những cánh rừng quý hiếm hàng trăm năm tuổi ở thôn 1, thôn 4, xã Trà Thủy (Trà Bồng) đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi những lâm tặc rất chuyên nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Lâm tặc tung hoành ở Hà Nang

Trên đường đi tìm hiểu về thực trạng này, chúng tôi trực tiếp giáp mặt với nhiều đối tượng ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu bằng xe máy ngay giữa ban ngày, phóng bạt mạng trên đường. Hết lượt này đến lượt khác, những phách gỗ dài từ 3 - 5m được các đối tượng chuyển từ hướng lòng hồ thủy điện Hà Nang, rồi nhanh chóng được tập kết tại một nhà dân thuộc thôn 4, trước khi được đưa về xuôi.

 

Một cây rừng mới bị lâm tặc đốn hạ còn trơ gốc.
Một cây rừng mới bị lâm tặc đốn hạ còn trơ gốc.


Xã Trà Thủy (Trà Bồng) có diện tích rừng tự nhiên lên đến 3.414ha. Trước “hấp lực” của gỗ quý, nơi đây từ lâu đã trở thành miếng “mồi ngon” đối với lâm tặc. Theo lời người dân, những khu rừng xung quanh các khu tái định cư giờ chẳng còn gỗ quý nữa. Nhiều năm nay, lâm tặc “cạo trọc” xong gỗ ở bìa rừng, giờ đang đưa máy móc tiến sâu vào rừng già triệt hạ gỗ. Ông H.V.L, ngụ thôn 4 bức xúc: “Các đối tượng cầm đầu phá rừng ở đây là người ở địa phương khác đến. Họ dựng nhà luôn ở đây. Nhiều lần họp, bà con cũng phản ánh với xã, kiểm lâm địa bàn về tình trạng họ “mồi chài” đồng bào nghèo để vận chuyển gỗ lậu cho họ. Nhưng rồi nạn khai thác gỗ lậu vẫn cứ mãi tiếp diễn. Rừng già teo tóp, bà con cũng rất xót xa!”.

Được người dân dẫn đường, chúng tôi tiến về khu vực lòng hồ thủy điện Hà Nang. Hồ thủy điện yên ắng lạ thường. Lội bộ xuống một ngã 3 sát bờ hồ, trước mắt chúng tôi là 20 phách gỗ gõ, dài tầm 4,5m nằm la liệt, chồng chất lên nhau trên cạn lẫn dưới nước. Nhìn những khối gỗ được cưa xẻ thành khối vuông vắn, ông H.V.T, người dẫn đường cho chúng tôi nhận định: “Gỗ được rọc phách đẹp thế này, hẳn phải là những đối tượng khai thác gỗ lậu rất chuyên nghiệp mới làm được. Lượng gỗ này nếu “chui lọt” được về xuôi, có giá trị ước chừng 20 triệu đồng”.

Để đưa những khối gỗ lớn này về xuôi tiêu thụ, lâm tặc hoạt động bất kể ngày đêm, nhất là những ngày cuối tuần, dịp lễ, cận Tết Nguyên đán. Chị N.T.T, chủ một cửa hàng tạp hóa tại đây cho biết, thường thì một tuần kiểm lâm địa bàn mới lên đây kiểm tra một lần. Nhưng khi kiểm lâm vừa mấp mé ở con  đường dẫn lên thôn thì lâm tặc đã biết trước tình hình, tìm cách lẩn trốn, tẩu tán lượng gỗ khai thác được.

Gian nan cuộc chiến giữ rừng

Địa bàn thôn 1, thôn 4 có gần 98% hộ nghèo. Sau 6 năm kể từ ngày nhường đất cho thủy điện Hà Nang chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây rất khó khăn vì không có đất canh tác. Để tìm hướng thoát nghèo cho dân, đồng thời để thực hiện việc giao khoán rừng theo chỉ đạo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2014, xã Trà Thủy tổ chức giao khoán trên 2.799 ha rừng phòng hộ cho 290 hộ dân, trong đó có 220 hộ nghèo với 880 nhân khẩu, tập trung nhiều ở khu tái định cư thủy điện Hà Nang.

Một lượng gỗ lậu lớn bị Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng bắt giữ.                                                                                                      Ảnh: NV
Một lượng gỗ lậu lớn bị Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng bắt giữ. Ảnh: NV


Tuy nhiên, điều oái ăm là đại đa số những người dân được giao khoán bảo vệ rừng lại không giữ được rừng của Nhà nước giao. Ông Hồ Văn Út - Bí thư Chi bộ thôn 4 phân trần: “Không có đất canh tác, để có cái ăn qua ngày, bà con phải đi làm thuê làm mướn. Bức bối quá họ mới “bấm bụng” lấn một ít rừng phòng hộ xung quanh khu vực mình sinh sống để làm rẫy, chứ không ai dám triệt hạ rừng đầu nguồn với số lượng lớn như lâm tặc. Nhận tiền của Nhà nước, nhưng lại không bảo vệ được rừng, nhiều lúc bà con mình cũng khó xử”.

Cái khổ, cái khó của bà con là thế. Vậy nên, ngày đầu tiên thâm nhập, chứng kiến cảnh lâm tặc chở gỗ tiến vào khu dân cư, nhiều người dân cảnh báo với chúng tôi: “Nhà báo đừng có dại mà chụp hình, quay phim. Bà con ở đây cũng bức xúc, nhưng nếu phản ứng thì bị côn đồ hăm dọa, hành hung!”.

Ông Hồ Quang Hải - Phó trưởng Công an xã Trà Thủy cho biết: “Địa hình hiểm trở, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, đa phần diện tích rừng nằm cách xa trung tâm xã nên công tác bảo vệ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lâm tặc thì luôn theo dõi, cảnh giới lực lượng tuần tra rừng, dùng thủ đoạn tinh vi để lén lút khai thác. Khi bị phát hiện họ sẵn sàng chống đối lực lượng tuần tra... Vì vậy, cuộc chiến giữ rừng vẫn còn lắm gian nan”.

Có mặt tại Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng, hình ảnh đầu tiên đập vào mặt chúng tôi là số gỗ lậu chồng chất, cùng nhiều xe máy trơ khung sắt, không biển kiểm soát của lâm tặc, bị lực lượng chức năng tịch thu, bắt giữ trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Ông Nguyễn Hồng Thái - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng thẳng thắn: “Nhiều hộ dân sống ở khu TĐC thủy điện Hà Nang không có đất canh tác, họ dễ dàng bị các đối tượng khai thác gỗ lậu “giật dây”, để rồi  thành người tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Riêng 9 tháng năm 2014, Hạt kiểm lâm huyện đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tổng cộng 615 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét, xử lý 17 vụ vi phạm các quy định về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành tuần tra, truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác gỗ trái phép như theo phản ánh của người dân” - ông Thái khẳng định.

Khó khăn giữ rừng phòng hộ

Tình trạng phá rừng không chỉ diễn ra ở Trà Bồng, những năm qua hàng chục hecta rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ở  Sơn Tây và Sơn Hà đang bị thu hẹp dần. Theo ông Đoàn Ngọc Thạch - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham, tình trạng mất rừng là có thật và trung bình mỗi năm mất khoảng 5 - 7ha. “Mất ở đây không phải là những diện tích rừng nguyên sinh mà là những khoảnh rừng được quy hoạch thành rừng phòng hộ, nhưng liền kề với rừng sản xuất nên một số hộ dân gần đó lấn chiếm dần, dẫn đến diện tích rừng phòng hộ bị mất”– ông Thạch lý giải.

 

Gỗ lậu được lâm tặc tập kết tại một ngã 3, sát mép hồ thủy điện Hà Nang.
Gỗ lậu được lâm tặc tập kết tại một ngã 3, sát mép hồ thủy điện Hà Nang.


Trên địa bàn huyện Sơn Tây, nạn phá rừng cũng diễn ra hết sức phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng phát hiện 30 vụ vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép. Trong đó, đã xử lý 10 vụ phá rừng trái pháp luật, 8 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 1 vụ vi phạm thủ tục vận chuyển lâm sản và 11 vụ vi phạm khác về bảo vệ và phát triển rừng...

Theo ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tình trạng phá rừng hiện nay rất đáng lo ngại. Các đối tượng phá rừng thường khai thác lén lút nên việc truy quét gặp nhiều khó khăn. “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền pháp luật về chăm sóc và bảo vệ rừng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện” – ông Tùng nói.

Bên cạnh sự manh động của những đối tượng phá rừng thì điều ông Đoàn Ngọc Thạch-Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham lo lắng là diện tích rừng trồng mới hàng năm không bằng so với diện tích rừng đã mất. Trong khi đó, tới đây một số dự án thủy điện được cấp phép xây dựng sẽ là “cơ hội” cho lâm tặc tiếp cận rừng đặc dụng. Ngoài ra, khi làm đường công vụ thì người xấu sẽ lần theo tuyến đường này để vào phá rừng. Như vậy rừng phòng hộ sẽ mất nhiều hơn nữa. “Tôi chỉ mong việc xây dựng thủy điện thì cũng cần phải đi kèm với việc giữ rừng. Trong đó, cần phải trồng lại rừng mới khi dự án được triển khai cũng như có biện pháp bảo vệ, giữ rừng phòng hộ. Đừng để khi dự án hoàn thành mà rừng chưa trồng lại như các dự án đã nhìn thấy” – ông Thạch nói.


Nhóm PV

 


CÁC TIN KHÁC
.