Dệt ước mơ từ nghề "mọn"

10:12, 31/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- “Cửa hàng” là góc đường, vỉa hè, bảng hiệu là tấm bảng với mấy chữ ngắn gọn “đánh giày, sửa khóa, dán điện thoại...” là đặc trưng của những người hành nghề "mọn". Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau nhưng mục đích chung của họ là kiếm từng đồng tiền trang trải cuộc sống và mong tương lai xán lạn hơn. 

TIN LIÊN QUAN

1. Chọn một bóng râm trên vỉa hè Đại lộ Hùng Vương (TP. Quảng Ngãi), chị Nguyễn Thị Hồng (35 tuổi) gắn với công việc đánh giày, sửa giày dép đã hơn 6 năm nay. Thoạt nhìn, nghề sửa giày dép có vẻ đơn giản, bởi chỉ cần chọn một góc vỉa hè, bày vài ba chiếc ghế nhựa, cái kệ nho nhỏ để giày, một miếng da, tấm đệm cùng kéo, keo, kìm, vải bố… là có thể hành nghề được. Tuy nhiên, để thành thạo nghề thật sự không dễ dàng chút nào. 
 
"Muốn thuần việc, thợ sửa cần luyện tập thường xuyên từ nửa năm đến một năm từ cách luồn chỉ, gọt, may đế, cắt ngắn hay nối dài, độn cao… Trải qua những giai đoạn này, người thợ sửa mới có thể tự tin với nghề"- chị Hồng cho biết. 
 
Quê ở phường Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi), trước đây chị Hồng cũng bôn ba vào Sài Gòn làm công nhân may nhưng lương công nhân ba cọc ba đồng không đủ sống ở chốn thị thành, chị trở về quê và lập gia đình, sinh con. Qua người quen, chị học được nghề sửa giày dép và nghề này là kế sinh nhai của gia đình chị trong nhiều năm nay.
 
Chồng ở nhà làm ruộng. Mỗi ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng, chị đạp xe chở giỏ hàng từ nhà đến "cửa hàng". Dọn hàng ra, trả hàng cho khách gửi hôm qua hẹn ghé lấy, ngồi chờ khách đến sửa giày... Công việc cứ thế, chị  'bám trụ" vỉa hè cho đến 5 giờ chiều. 
 
“Cái nghề này cũng vô chừng lắm. Những ngày mưa gió thì ít khách. Nhưng nhờ mình làm lâu năm, có mối quen, nên tệ lắm ngày cũng kiếm được vài chục, nhiều thì hơn 150 ngàn, trừ tiền cơm, nước còn bao nhiêu dành dụm đóng tiền học, tiền sữa cho con"- chị Hồng chia sẻ.
 
Dù thu nhập so với nhiều nghề khác không đáng là bao, nhưng với chị Hồng, nhờ có nghề này mà chị có tiền trang trải cuộc sống và lo cho 2 đứa con ăn học." Suốt ngày "bán" mặt ngoài đường, bụi bặm, vất vả nhưng cũng đỡ hơn làm ruộng vì thu nhập thường xuyên, nếu không nhờ nghề này thì cuộc sống sẽ khó khăn rất nhiều"- chị Hồng bộc bạch.
 
 
Nhiều người hành nghề sửa giày dép chọn vỉa hè để mưu sinh
Nhiều người hành nghề sửa giày dép chọn vỉa hè để mưu sinh
 
 
2. Từ nhiều năm nay, đoạn đường ngay ngã tư Quang Trung- Nguyễn Nghiêm được nhiều người làm nghề sửa khóa chọn đặt “trụ sở” của mình. Chính vì vậy, trên đoạn đường ngay ngã tư này có rất nhiều "cửa hàng" sửa khóa, tồn tại nhiều năm nay. 
 
Nối nghiệp nghề sửa khóa của cha, anh Trần Anh Dũng (40 tuổi) gắn bó với nghề ngót nghét hơn 10 năm nay. “Nếu khách gọi đến nhà thì có thêm tiền công chút đỉnh, còn làm khóa tại chỗ, kiếm được vài ngàn/cái. Một ngày làm có khách được 70.000 – 80.000đồng. Hôm nào trúng cũng được hơn một trăm"- anh Dũng cho biết.
 
Anh Dũng kể, bây giờ thợ làm chìa khóa đỡ nhọc hơn vì có máy móc hỗ trợ. Một chìa làm chỉ khoảng 2 phút. Trước đây, đồ nghề của dân sửa khóa đơn giản chỉ là chiếc ê tô và  cái cưa sắt và người thợ phải cưa chìa bằng tay theo mẫu nhọc công hơn. 
 
Nhìn chiếc chìa khóa nhiều người nghĩ đơn giản, song người thợ làm khóa phải học vài năm mới thành thạo với nghề. "Ngày càng có nhiều loại khóa hiện đại, thợ làm khóa phải thường xuyên học hỏi cũng như nghiên cứu mới mở khóa và làm được chìa khóa cho khách. Nhờ thường xuyên học hỏi, nghiên cứu nên từ trước đến giờ chưa có loại ổ khóa nào khiến anh bó tay"- anh Dũng cho hay.
 
Có một điều đặc biệt, thợ khóa họ chỉ truyền nghề cho con cháu và những người họ tin tưởng và tuyệt đối không bao giờ nhận làm chìa cho bất kỳ khách nào in sẵn mẫu chìa khóa trên giấy, trên xà phòng... rồi mang đến bảo làm chìa. "Dù thu nhập từ nghề làm khóa không đáng là bao, có thể làm những chìa khóa như thế này sẽ nhiều tiền, thế nhưng những người thợ khóa như chúng tôi cũng hiểu thấu chuyện đời. Bởi nếu mình không tỉnh táo, rất có thể mình sẽ tiếp tay cho những điều xấu"- anh Dũng khẳng định.
 
Gắn bó với vỉa hè, trải qua bao vất vả lo toan mưu sinh, thế nhưng trong ánh mắt của anh Dũng luôn ánh lên niềm từ hào khi nói về gia đình, những đứa con của mình. "Con trai vừa đạt thành tích học sinh giỏi trong học kỳ 1, nên giờ mong có nhiều khách, cố gắng sau khi chi tiêu, còn dư chút đỉnh mua cho bộ quần áo mới tặng cho con chơi Tết"- anh Dũng phấn khởi.

 

Nhờ nghề
Nhờ nghề "mọn" này, nhiều người có thu nhập để trang trải cuộc sống
 
 
3. 25 tuổi, Lê Văn Sỹ  đã có thâm niên 5 năm hành nghề dán điện thoại, laptop trên đường Quang Trung (TP. Quảng Ngãi). Đều đặn 7 ngày trong tuần, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, Sỹ gắn cuộc đời mình trên vỉa hè. "Nghề dán điện thoại, laptop không khó để khởi nghiệp, chỉ cần biển hiệu nhỏ, dụng cụ hành nghề gồm giấy dán, khăn lau, dao rọc và bật lửa... nằm gói gọn trong chiếc giỏ nhựa nên ngày càng có nhiều người chọn nghề này để mưu sinh"- Sỹ cho biết. 
 
Số người hành nghề nhiều, nên để có thu nhập từ nghề này xem ra không đơn giản." Ngày nhiều cũng kiếm được hơn trăm ngàn, nhưng ngày ít chỉ vài ba chục ngàn. Chưa kể những hôm nắng mưa thất thường ế khách, nhưng lần bị đội trật tự đường phố đuổi phạt."- Sỹ bảo. 
 
Khi nói về dự định tương lai, Sỹ cười bảo, khách hàng giờ có xu hướng chọn các cơ sở lớn, không tin tưởng lắm vào tay nghề những người như chúng em, nên số lượng khách hàng vì thế cũng giảm đi rất nhiều. "Em cố gắng làm, tích cóp để thuê mặt bằng mở cửa hàng đàng hoàng mới mong có tiền cưới vợ"- Sỹ vừa nói vừa nhìn xa xăm ra dòng người qua lại, nghĩ về tương lai ngày mai tương sáng hơn.
 
4. Nói đến nghề mưu sinh, có lẽ chẳng bao giờ ta có thể đếm xuể. Có người chọn gánh hàng rong để làm kế sinh nhai, có người lại chọn cho mình một "cái chợ" di động trên chiếc xe đạp cũ kỹ để rong ruổi khắp con phố… Tất cả họ đã trở thành một phần của cuộc sống. Việc bám vỉa hè đường phố mưu sinh đã trở thành chuyện "thường ngày" của những người dân nghèo, những người thiếu việc làm.
 
Dù biết mình đang chiếm dụng lề đường làm nơi hành nghề. Nhưng với họ để mưu sinh trang trải cuộc sống hàng ngày, họ chẳng còn cách lựa nào khác. Dẫu cuộc sống của những người lao động nghèo lắm nỗi nhọc nhằn, vất vả, thế những ẩn sau đó là niềm vui rất riêng và luôn có niềm tin vào ngày mai tươi sáng. 
 
Chính niềm tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho họ rong ruổi trên khắp nẻo đường mưu sinh. Và với họ, những vất vả của hiện tại sẽ được đền đáp bằng tương lai tươi sáng của  thế hệ mai sau…
 
 
PV
 
 

CÁC TIN KHÁC
.