Biển bồi “lấp” đường mưu sinh

03:05, 22/05/2013
.

(QNg)- Cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng nên con đường ra biển mưu sinh của ngư dân hai xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) trở nên vất vả, gian nan hơn.

TIN LIÊN QUAN


Kiên nhẫn chờ thủy triều lên

Trung tuần tháng 5, khoảng 8 giờ sáng, nắng hắt xuống biển chói chang. Trên dòng sông Tân Mỹ, hàng trăm con tàu đang chuyển đá cây, nước ngọt lên boong. Một giờ, rồi hai giờ trôi qua, thủy triều  nhích dần lên. Chủ tàu Lê Vợt - thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An kiên nhẫn chờ đợi: "Nếu như ngày xưa, ông cha mình đợi gió lên rồi căng buồm vươn khơi, thì nay biển bồi, ngư dân Nghĩa An và Nghĩa Phú phải đợi thủy triều lên mới  có thể đưa tàu vượt cửa biển. Nếu tàu bị trục trặc là lỡ chuyến biển ngay".

Chừng này năm trước, tàu anh ra khơi đánh bắt được bốn phiên, kiếm được vài chục triệu đồng thì nay mới đánh bắt duy nhất một phiên biển, vì nạn cửa biển bồi. Mỗi anh em bạn tàu chỉ kiếm được 1,5 triệu đồng. "Nhưng ít còn hơn là không có gì"-anh Vợt bộc bạch.

 

 Mùa đánh bắt mà hàng loạt tàu công suất lớn phải nằm bờ chờ thủy triều lên để đưa tàu ra khơi...
Mùa đánh bắt mà hàng loạt tàu công suất lớn phải nằm bờ chờ thủy triều lên để đưa tàu ra khơi...


Cạnh tàu của anh Vợt là tàu QNg 22532 có công suất 60 CV của anh Nguyễn Thành Tâm ở thôn Tân Thạnh (Nghĩa An), cũng đang nổ máy chờ sẵn. Anh Tâm bức xúc: Khi cửa biển chưa bồi lấp nặng, đội tàu Nghĩa An thường xuất bến lúc bảy hoặc tám giờ sáng, rồi chạy cả ngày lẫn đêm ra đến ngư trường đánh bắt để 4-5 giờ sáng hôm sau bắt đầu thả lưới. Còn nay, đợi thủy triều lên (khoảng 9 - 11 giờ) tàu mới ì ạch ra cửa biển, đến ngư trường đánh bắt chậm mất một ngày. Phiên biển kéo dài mà hiệu quả lại không cao".   

Hiện nay, ở cửa biển Cổ Lũy dù nước thủy triều lên cao, thì luồng ra vào cũng chỉ rộng khoảng ba mét, độ sâu chỉ còn khoảng 2 đến 2,5 mét nước. Thế nên, các tàu có công suất cỡ 90 CV ra vào rất khó, còn tàu công suất 400 CV trở lên thì dễ bị mắc cạn rồi bị sóng đánh bể tàu. Chủ tàu Nguyễn Tấn Dũng (thôn Phổ Cường, xã Nghĩa An), thở dài: Tàu của tôi công suất 420 CV phải đợi con nước thủy triều "cực lớn" mới  ra biển được. Con nước này mỗi tháng chỉ xuất hiện hai lần. Lúc thủy triều lớn đến "cực điểm" mà không đưa tàu ra kịp là xem như hỏng cả chuyến biển. Nhưng mình cũng còn may, bởi cũng chỉ vì cố gắng vượt cửa biển bồi, đã  có ba  tàu của ngư dân bị mắc cạn rồi sóng đánh chìm ngay cửa biển. Trước thực trạng này,  nhiều tàu đánh bắt xa bờ của Nghĩa An và Nghĩa Phú sau khi đánh bắt về đành phải vào cửa biển Sa Kỳ hoặc Đà Nẵng để bán cá, tiếp nhiên liệu chứ không về cửa biển quê nhà nữa.

Hậu cần đìu hiu  

Xã Nghĩa An và Nghĩa Phú có hơn 720 tàu/1.120 tàu có công suất trên 90 CV hành nghề giã cào đôi, lưới chuồn thuộc các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phía Bắc. Ngày trước, khi cửa biển chưa bị bồi lấp, tàu thuận lợi ra vào cung cấp hải sản và lấy nguyên nhiên liệu để tiếp tục ra khơi. Hàng chục cơ sở dịch vụ như sản xuất đá cây, buôn bán xăng, dầu, lương thực, hàng hóa, mọc lên đã giải quyết khoảng 600 lao động của hai xã Nghĩa An và Nghĩa Phú. Thế nhưng bây giờ đang trong mùa đánh bắt mà các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề biển chỉ hoạt động cầm chừng.

 Ông Đỗ Ngọc Tây - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết: "Cửa biển bồi lấp, cuộc sống của lao động biển và cả lao động trên bờ đều rơi vào cảnh khó khăn. Bà con ngư dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền xã và phản ảnh với các đại biểu tại những cuộc tiếp xúc cử tri. Xã cũng đã nhiều lần báo cáo lên huyện. Trong khi chờ trên xem xét, xã chỉ biết vận động bà con cố gắng tìm mọi cách khắc phục khó khăn để vươn khơi bám biển”.    

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.