Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới trong kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh

08:08, 12/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Trí - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khi đánh giá về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 đối với môn Ngoại ngữ (tiếng Anh).
 

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã khép lại với những kết quả khả quan. Tuy nhiên, kỳ thi cũng để lại cho xã hội những dư luận khác nhau. Đặc biệt, kết quả ở phần thi tự luận môn tiếng Anh đã bộc lộ những điều đáng lưu tâm trong việc dạy và học bộ môn này.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, đề thi THPT quốc gia 2016 có phần khó hơn năm trước, nhưng điều đáng mừng là tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp tăng lên đáng kể. Năm nay, tỉnh ta có 92% thí sinh đỗ tốt nghiệp (tăng gần 4% so với năm 2015). Qua kết quả điểm thi của từng môn đã khẳng định đề thi có sự phân hóa rất rõ nét.
 
Theo thống kê của cụm đại học, phổ điểm trung bình cao nhất thuộc về môn Vật lý với 6,15 điểm; phổ điểm trung bình môn Sinh là 5,14; môn Hóa là 5,64; môn Ngữ văn 5,08; Toán 5,15; Lịch sử 3,47; Địa lý 5,03. Ngoại ngữ là môn có phổ điểm thấp nhất. Đặc biệt ở phần tự luận môn tiếng Anh có rất nhiều thí sinh bỏ trống.
 
-PV: Thưa ông, với tư cách là lãnh đạo ngành và cũng là người có chuyên môn trong lĩnh vực này, ông nghĩ thế nào về kết quả thi đối với môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT vừa qua?

Ông NGUYỄN MINH TRÍ: Có thể nói, những kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2016 là một tín hiệu vui, đánh giá cao những nỗ lực của thầy và trò trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học trong thời gian qua. Riêng kết quả phần tự luận môn tiếng Anh có rất nhiều thí sinh bỏ trống cũng là điều để ngành phải suy nghĩ.
 
Tuy nhiên, khách quan mà nói thì kết quả trên cũng không mấy ngạc nhiên, bởi trong một bài thi thì các em có quyền lựa chọn câu dễ để làm trước. Thí sinh có quyền bỏ qua những phần câu hỏi khó hoặc không làm những câu còn lại nếu không đủ thời gian. Bên cạnh đó, đề thi THPT quốc gia 2016 ở môn Ngoại ngữ thực tế chưa có nhiều đổi mới.
 
 Các trường đã thay đổi phương thức kiểm tra, đánh giá trong bộ môn Ngoại ngữ,  nhằm nâng cao kỹ năng cho học sinh. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.
Các trường đã thay đổi phương thức kiểm tra, đánh giá trong bộ môn Ngoại ngữ, nhằm nâng cao kỹ năng cho học sinh. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.



Bộ GD&ĐT ra đề chỉ chia ra 2 phần, gồm tự luận và trắc nghiệm. Trong phần trắc nghiệm chủ yếu thiên về ngữ pháp và một số bài đọc. Phần tự luận có phần viết câu theo hướng dẫn và viết một đoạn văn. Phần lớn các em chưa được học kỹ năng hành văn nên việc thực hiện viết một đoạn văn cũng là một vấn đề khó đối với các em. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận đó là, kỹ năng ngoại ngữ của học sinh vẫn còn hạn chế. Đây là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì học sinh ở Quảng Ngãi. Phổ điểm của môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT vừa qua đã phản ánh đúng thực trạng đó.

-PV: Trước thực trạng đó, thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới trong việc kiểm tra, đánh giá đối với bộ môn này thế nào, thưa ông?

Ông NGUYỄN MINH TRÍ: Trước đây, tỉnh ta thực hiện cách thức ra đề thi môn tiếng Anh theo kiểu truyền thống, đó là chỉ kiểm tra kiến thức ngữ pháp. Tuy nhiên, trong 2 năm nay, Sở GD&ĐT đã có nhiều thay đổi trong việc ra đề thi nhằm nâng cao kỹ năng viết cho thí sinh. Trong đó, đối với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên có 4 kỹ năng nghe- nói- đọc- viết.

Qua 2 năm đầu thực hiện, đã giúp nâng cao chất lượng đầu vào đối với học sinh trường chuyên. Kết quả dạy và học bộ môn này đã được nâng lên rõ rệt. Năm nay là năm đầu tiên Sở GD&ĐT thực hiện kiểm tra 3 kỹ năng nghe- đọc- viết đối với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên ở bộ môn tiếng Anh, nhằm hướng tới năm 2018 sẽ thực hiện thi đầy đủ 4 kỹ năng nhằm mục đích hướng cho người học sử dụng được tiếng Anh.


TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)



 


.