Dạy và học tiếng Anh ở vùng cao: Còn nhiều bất cập

08:03, 31/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 - 2017, ngoài hai môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, học sinh còn phải thi môn tiếng Anh. Đây là một thách thức không nhỏ đối với học sinh vùng cao trong tỉnh...

TIN LIÊN QUAN

Trò yếu...

Huyện Minh Long có 5 trường THCS, trong đó có 1 trường Tiểu học - THCS, với 786 học sinh, đa số là con em đồng bào Hrê. Nhiều em cho rằng, tiếng Anh là môn ngoại ngữ thứ hai sau tiếng phổ thông nên học khó “trôi”. Vì vậy, trước đây, sau khi tốt nghiệp THCS, các em chỉ nộp hồ sơ xin xét tuyển vào trường THPT huyện hay vào trường dân tộc nội trú để học, chứ chẳng bao giờ dám về đồng bằng dự thi vào một trường THPT nào đó.

Trao đổi bằng tiếng Anh trong một tiết học ở Trường THCS Long Hiệp (Minh Long).
Trao đổi bằng tiếng Anh trong một tiết học ở Trường THCS Long Hiệp (Minh Long).


 Cô giáo Phạm Thị Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh An cho biết, nhiều em học sinh dân tộc Hrê được học tiếng Anh từ lớp 6, nhưng đến lớp 9 vẫn không tự giới thiệu về mình, ở đâu, làm gì, học trường nào bằng ngôn ngữ tiếng Anh? Em H. học sinh lớp 9A của trường, bộc bạch: “Môn tiếng Anh khó học từ cách đọc, cách viết đến hiểu nghĩa của từ. Em không có nhiều thời gian để học môn này. Ngoài học trên lớp, về nhà em phải làm đồng, làm rẫy. Nhiều bài không hiểu, em cũng không hỏi được cha mẹ hay anh chị. Vì các anh chị cũng không biết tiếng Anh”. Chính vì yếu ngoại ngữ, nên H. xác định sau khi tốt nghiệp THCS là nộp hồ sơ để được xét tuyển vào Trường Dân tộc nội trú huyện. Đây cũng là tâm trạng chung của học sinh lớp 9 trên địa bàn các huyện miền núi.

Không chỉ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số mà ngay cả học sinh là con em người kinh cũng học yếu ngoại ngữ. Tại Trường THCS Long Hiệp có khoảng 60% học sinh người kinh, nhưng tỉ lệ học khá môn tiếng Anh không nhiều. Trong tổng số 40 học sinh lớp 9 thì chỉ có một em có dự định về đồng bằng để thi tuyển vào lớp 10.

Giáo viên gặp khó

Cô Phạm Thị Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh An, lý giải: Theo quy định, mỗi giáo viên phải đảm bảo dạy 19 tiết/tuần. Nhưng, ở huyện miền núi số lượng học sinh ít, nhiều khối học chỉ có 1 hoặc 2 lớp nên giáo viên phải đảm nhận dạy khối 6 đến khối 9, mới đảm bảo dạy đủ số tiết/tuần. Do phải dạy quá nhiều khối, nên giáo viên cũng gặp khó trong việc đầu tư bài giảng. Một số giáo viên dạy tiếng Anh là nữ nên khi nghỉ thai sản trường phải hợp đồng với giáo viên vừa mới ra trường để dạy, nên cũng ảnh hưởng nhất định đến chất lượng.

Mặt khác, điều kiện giảng dạy môn tiếng Anh ở nhiều trường miền núi cũng bất cập. Thầy Ngô Văn Tánh có thâm niên 10 năm dạy môn tiếng Anh ở Trường THCS Long Hiệp, bảo: Dạy tiếng Anh ở miền núi thời gian qua chỉ bằng phương thức thầy đọc trò nghe là chủ yếu, chứ trường chưa có phòng luyện âm, trang thiết bị máy nghe thì hạn chế; một bộ phận học sinh còn hạn chế tiếng phổ thông thì làm sao có thể tiếp thu môn tiếng Anh được.

Thực trạng đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học tiếng Anh ở vùng cao Quảng Ngãi. Một số học sinh học khá môn Toán, Ngữ văn nhưng cũng không đủ tự tin thi tuyển vào các trường THPT ở đồng bằng, kể cả Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.

  Từ thực tế ở huyện Minh Long cũng như nhiều huyện miền núi khác trong tỉnh, Sở GD&ĐT nên có những giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng việc dạy và học tiếng Anh cho học sinh vùng cao. Nếu để sự “bất cập” này kéo dài, chất lượng giáo dục ở miền núi sẽ ngày càng nới rộng khoảng cảnh so với miền xuôi.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.