Hiệu quả từ mô hình can thiệp trẻ tự kỷ

10:01, 30/01/2019
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi đã áp dụng mô hình can thiệp chuyên biệt bằng phương pháp TEACCH tại bệnh viện đối với trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ (còn gọi là tự kỷ), nhằm giúp trẻ phát triển, sớm hòa nhập cộng đồng.
Cần can thiệp trước 3 tuổi
Bé T.Q.K (8 tuổi), khi mới 16 tháng tuổi đã có biểu hiện chậm nói, gọi không đáp ứng, không chơi với bạn cùng tuổi... Các bác sĩ chẩn đoán bé bị tự kỷ cần có sự can thiệp với các khiếm khuyết chính về ngôn ngữ và quan hệ xã hội. Vì điều kiện không cho phép đưa con đi học tại các cơ sở chuyên biệt ngoài tỉnh, nên ba mẹ K để em ở nhà.
 
Đến lúc bé 7 tuổi, qua lời giới thiệu của người quen, chị H, mẹ của bé K mới đưa con mình đến can thiệp tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Chị H chia sẻ: "Qua một thời gian can thiệp, bé cải thiện rất nhiều, biết tương tác với người đối diện, hiểu và nhớ bài giáo viên dạy, khả năng chơi với bạn cũng cải thiện hơn".
 
 Cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn và dạy các kỹ năng cho trẻ tự kỷ.
Cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn và dạy các kỹ năng cho trẻ tự kỷ.

Tuy nhiên, trường hợp của bé K nếu được can thiệp sớm, thì sẽ giúp bé và gia đình rút ngắn thời gian, cải thiện sự nhận thức của bé sớm hơn. Sự phát triển về ngôn ngữ, quan hệ giao tiếp và nhận thức trong ba năm đầu đời cực kỳ quan trọng. Trẻ em phát triển ngôn ngữ chủ yếu là giai đoạn trước 3 tuổi. Việc can thiệp trẻ tự kỷ, chậm ngôn ngữ trong “giai đoạn vàng” là trước 3 tuổi, được các nhà chuyên môn gọi là "can thiệp sớm".
 
Rối loạn phổ tự kỷ là khuyết tật phát triển suốt đời. Nó đặc trưng bởi những rối loạn trong hai nhóm triệu chứng là khiếm khuyết sự tương tác, giao tiếp xã hội và sự hạn chế, lặp đi lặp lại các ham thích và hành vi. Hậu quả của rối loạn phổ tự kỷ gây nên những khuyết tật rất nặng nề về tâm lý, xã hội và kinh tế. Trẻ em tự kỷ luôn gặp những vấn đề khó khăn với cuộc sống độc lập, việc làm, các mối quan hệ xã hội.
Hiệu quả từ mô hình can thiệp chuyên biệt

Qua kết quả “Nghiên cứu tỷ lệ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và hiệu quả Chương trình can thiệp tại tỉnh Quảng Ngãi” năm 2017 cho thấy, có 3,8‰ trẻ em từ 24 - 72 tháng tuổi bị mắc rối loạn phổ tự kỷ.
 
Trên cơ sở đó, từ tháng 8.2017, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã áp dụng mô hình can thiệp chuyên biệt bằng phương pháp TEACCH tại đơn vị, kết hợp sự tham gia can thiệp của gia đình và mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tuyến xã, phường, thị trấn cho 66 trẻ tự kỷ.
 
Khi tham gia chương trình can thiệp này, các gia đình sẽ nhận được sự hỗ trợ và tư vấn kiến thức, kỹ năng, những lời khuyên về cách hướng dẫn và dạy trẻ tại nhà.

Sau hơn 12 tháng can thiệp, hầu hết các trẻ tự kỷ có sự cải thiện khá tốt về các triệu chứng. Trong số 66 trẻ tham gia thì đã có 8 bé tái hòa nhập và vào học lớp 1. Tất cả các trẻ có cải thiện giao tiếp, ngôn ngữ, vận động. Trong can thiệp nhóm hầu hết các bé điều biết vâng lời, tuân thủ kỷ luật và tương tác với các trẻ khác tốt.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nguyễn Thanh Quang Vũ cho biết: Hiện nay, mô hình can thiệp điều trị rối loạn phổ tự kỷ chưa có sự thống nhất và còn tiếp tục nghiên cứu. Tại các nước tiên tiến trên thế giới và Việt Nam, do chưa có chính sách tổng thể về trẻ rối loạn phổ tự kỷ mang tầm quốc gia, nên các gia đình không biết đưa đến nơi nào can thiệp, hoặc đưa đến can thiệp tại các cơ sở chăm sóc tập trung. Tại các cơ sở này cũng không đồng nhất về cơ sở điều trị, cũng như phương pháp can thiệp.

“Điều khó khăn nhất chính là các bậc phụ huynh không chấp nhận, hoặc khó chấp nhận sự thật khi bác sĩ chẩn đoán con em có các dấu hiệu tự kỷ. Điều đó dẫn đến việc kéo dài thời gian các bé được can thiệp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kỹ năng, hòa nhập cộng đồng.
 
Do đó, chúng tôi thường xuyên mời chuyên gia đến tư vấn, để gia đình nhận thức được tình trạng, đưa con em đến điều trị trong thời gian sớm nhất. Công tác này đòi hỏi phải có sự tham gia của hệ thống y tế - giáo dục- gia đình - cộng đồng - xã hội”, bác sĩ Vũ cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN



 

.