Cần siết chặt quản lý giá thuốc tân dược

09:01, 10/01/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Dù đã có luật quy định rõ ràng, nhưng tình trạng bán thuốc không theo đơn, không niêm yết giá vẫn diễn ra. Kèm theo đó, giá thuốc tân dược “nhảy múa” theo kiểu mỗi nơi một giá, thậm chí là chênh lệch nhiều lần.
Nghị định 54 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 đã quy định về các biện pháp quản lý giá thuốc. Cụ thể, cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố và lợi nhuận bán lẻ chỉ từ 2 đến 15%.
 
Tuy vậy, dù nghị định có quy định cụ thể thì vẫn có những cách khác nhau để các nhà thuốc tự đặt ra giá thuốc của mình. Các cơ sở kinh doanh thuốc đã niêm yết và bán đúng giá công khai, nhưng mức giá này lại cao hơn nhiều lần so với quy định.
 
Đóng vai một người đi mua thuốc, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát giá tại một số cửa hàng dọc tuyến đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi. Chỉ với một loại là thuốc Hapacol 150mg theo quy định giá bán lẻ cho phép là hơn 1.200 đồng/gói. Nhưng hiện các quày thuốc đều bán ra với giá 2.000-4.500 đồng/gói, cao hơn gấp 2-3 lần so với giá theo quy định.
 
Tâm lý người dân khi mua thuốc ít kiểm chứng giá thuốc được bán có đúng theo quy định hay không
Tâm lý người dân khi mua thuốc ít kiểm chứng giá thuốc được bán có đúng theo quy định hay không
 
Quảng Ngãi hiện có gần 1.000 quày, cơ sở kinh doanh thuốc tân dược. Phần lớn các cơ sở kinh doanh thuốc đều đạt chuẩn GPP. Khi được hỏi, liệu thuốc được bán ra có đúng với giá theo quy định, thì hầu hết các chủ quày thuốc đều khẳng định chắc chắn rằng, không có chuyện tự nâng giá và bán không đúng giá thuốc.
 
Chị N.T.T- chủ quày thuốc trên đường Quang Trung, TP.quảng Ngãi cho hay: Quy định của Luật Dược là phải dán giá trực tiếp trên hộp thuốc hoặc có bảng niêm yết giá riêng. Mình chỉ cần nhích giá lên một tí là người dân họ biết liền.
 
Trong khi đó, thuốc là mặt hàng mà người bệnh khó có thể hoặc không thể mặc cả. Chị Nguyễn Thùy Linh ngụ ở phường Lê Hồng Phong chia sẻ, vừa qua chị có đi mua một hộp thuốc Conipa bổ sung kẽm cho con ở một quày thuốc trên đường Hùng Vương với giá 65 nghìn đồng/hộp. Nhưng cũng cùng một hộp thuốc này, cách đây 2 tháng chị Linh mua ở nơi khác với giá 75 nghìn đồng.
 
“Cùng một loại thuốc mà mình mua với giá chênh lệch nhau tới 10 nghìn đồng. Mình mua ở nhiều nơi thì mới biết giá như thế nào. Chứ tâm lý người bệnh đi mua thuốc thì làm sao để ý giá thuốc có bán đúng quy định hay chênh lệch nhiều ra sao đâu”- chị Linh chia sẻ.
 
Theo Cục quản lý thị trường tỉnh, trên địa bàn Quảng Ngãi, vẫn tồn tại các quày thuốc, nhà thuốc không bán đúng giá niêm yết. Trong khi đó, công tác kiểm tra, quản lý còn nhiều khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực am hiểu, có trình độ chuyên môn về dược.

 

Hành vi bán thuốc cao hơn giá quy định có thể bị phạt lên tới 20 triệu đồng
Hành vi bán thuốc cao hơn giá quy định có thể bị phạt lên tới 20 triệu đồng
 
Ông Võ Minh Tâm- Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh chia sẻ: Thuốc là mặt hàng đa dạng, muốn kiểm soát thì phải lực lượng quản lý thị trường phải có chuyên môn sâu về dược. Tâm lý của người mua thuốc thì chỉ quan tâm đến việc thuốc bán ra chất lượng, hiệu quả ra sao chứ không thắc mắc liệu giá đã đúng với quy định, nên không có ý kiến phản hồi. Đây là một khó khăn lớn trong công tác quản lý.
 
Theo Điều 47 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, quy định hành vi vi phạm về quản lý giá thuốc, việc bán thuốc cao hơn giá đã kê khai phải chịu mức phạt lên tới 20 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh vi phạm còn buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch cho khách hàng. Trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách.
 
Luật định đã rõ. Nhưng thực tế thì tình trạng bán thuốc không đúng giá của một số nhà thuốc vẫn chưa được xử phạt. Bởi trên thực tế, rất ít người biết rõ giá thuốc theo quy định để kiểm chứng và cân nhắc. Chính điều này dẫn đến việc người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi khi mua thuốc chữa bệnh.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương

 


.