Sinh ít con để phát triển kinh tế

04:04, 09/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với tiêu chí “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt”, nhiều gia đình ở thôn Ruộng Gò, xã Thanh An (Minh Long) dù sinh con một bề, nhưng cũng không sinh tiếp. 16 năm qua, đây là điểm sáng trong công tác dân số ở huyện Minh Long.

TIN LIÊN QUAN

Dù sinh hai con gái, nhưng chị Đinh Thị Hoa, thôn Ruộng Gò đã tự nguyện ký cam kết với thôn không sinh thêm con.  Lý giải về điều này, chị Hoa, nói: "Xưa ông bà đẻ nhiều, nên nghèo khó mãi. Giờ mình chỉ đẻ hai đứa con, mới có điều kiện lo cho chúng. Con trai hay gái đều là con mình cả mà”. Chính vì có suy nghĩ tiến bộ đó, mà chị Hoa có điều kiện kinh tế lo cho hai con gái học hành chu đáo. Đứa con gái lớn của chị đang học Cao đẳng Kinh tế Luật ở Quảng Nam. Con gái thứ 2 đang học lớp 12 Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh. Kinh tế gia đình chị thuộc diện khá trong thôn, với 3 ha keo và nhiều ha mì, lúa nước và chăn nuôi trâu, bò. Nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa tiêu biểu.

Thôn Ruộng Gò đẩy mạnh công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ đến bà con trong thôn.
Thôn Ruộng Gò đẩy mạnh công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ đến bà con trong thôn.


Gia đình anh Đinh Giải cũng vậy, dù sinh con một bề (nữ), nhưng anh vẫn cương quyết nói không với quan niệm “đông con hơn nhiều của”, hay sinh con trai để “nối dõi tông đường”. Anh Giải cho rằng, trai hay gái cũng như nhau, quan trọng là ba mẹ phải có trách nhiệm chăm lo nuôi dạy con cái trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Anh Đinh Văn Điêu - Trưởng thôn Ruộng Gò cho biết: Toàn thôn có 90 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, với hơn 90% là đồng bào Hrê, sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Trong đó, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chiếm gần 90%. 16 năm qua, thực hiện mô hình ít con để có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bà con trong thôn đăng ký không sinh con thứ 3. Nhờ đó, số hộ nghèo từ hơn 60% đến nay giảm còn gần 40%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Đa số người dân trong thôn đều có phương tiện nghe nhìn, xe máy. Phụ nữ và trẻ em được chăm sóc y tế đầy đủ, trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường...

Kết quả này có vai trò rất lớn của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Già làng Đinh Hí chia sẻ: “Xưa đẻ nhiều, nên đời ông cha còn nghèo khó lắm, nghèo cả cái chữ. Giờ xã hội tiến bộ rồi, mỗi khi họp dân, già khuyên con cháu đẻ 1-2 con để các cháu được nuôi dạy tốt hơn, được đến trường học cái chữ”. Chị Đinh Thị Hâm - cộng tác viên dân số thôn Ruộng Gò cho biết thêm, để duy trì thành tích nhiều năm liền thôn không sinh con thứ 3, chúng tôi tuyên truyền không chỉ tại các cuộc họp chi bộ, họp thôn, các đoàn thể... mà còn trực tiếp đến những gia đình sinh con một bề, hoặc một số cặp vợ chồng chưa nhận thức thấu đáo về chính sách DS-KHHGĐ để tuyên truyền, vận động theo phương thức mưa dầm thấm lâu.     


              Bài, ảnh: TRÍ PHONG



 


.