Mô hình không sinh con thứ 3

12:10, 24/10/2012
.

(QNg)- Từ một huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 20% (năm 2010), đến nay huyện Ba Tơ đã từng bước giảm tỷ lệ này xuống còn 6,5%. Một trong những yếu tố góp phần vào thành công ấy, phải kể đến hiệu quả của việc triển khai mô hình thôn, xã không có gia đình sinh con thứ 3 trong 7 năm qua trên địa bàn huyện.

TIN LIÊN QUAN


Để thực hiện tốt việc ổn định tốc độ gia tăng dân số tự nhiên giữa các địa bàn xã khó khăn, trong những năm qua, Ba Tơ đã chú trọng gắn công tác DS-KHHGĐ với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; đưa các chỉ tiêu về dân số trong việc thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua từ cấp huyện đến cơ sở. Trong đó, phong trào xây dựng thôn, xã không có người sinh con thứ 3 trở lên là mục tiêu cơ bản góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Ra mắt tổ dân phố số 2, thị trấn Ba Tơ, không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Ra mắt tổ dân phố số 2, thị trấn Ba Tơ, không có người sinh con thứ 3 trở lên.


Năm 2004, mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên được  xây dựng tại thôn Lệ Trinh, xã Ba Chùa. Sau đó, Trung tâm Dân số huyện nhân rộng mô hình tại 3 thôn của địa bàn xã này. Ban đầu chỉ có 40 hộ gia đình tham gia, được sự hưởng ứng của cán bộ, nhân dân các địa phương, đến nay mô hình đã triển khai tại 48 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Là một xã miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Ba Chùa là một trong những địa phương điển hình thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Địa phương đã có "thâm niên" 7 năm liền đạt thành tích không có hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Điều này đã góp phần rất lớn vào công tác nâng cao chất lượng dân số, cải thiện đời sống kinh tế cho các cặp vợ chồng trẻ đồng bào Hrê ở đây.

Anh Phạm Văn Đôn- Cán bộ chuyên trách xã Ba Chùa cho biết: Có được kết quả như vậy, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, chính quyền thì Ban DS-KHHGĐ xã đã tham mưu tích cực trong việc triển khai thực hiện mô hình này. Ban đã tích cực phối tốt với các ban, ngành nhất là hội phụ nữ, nông dân, mặt trận xã để đưa chính sách DS-KHHGĐ vào nội dung xét gia đình văn hóa hàng năm để mỗi gia đình đăng ký thực hiện. Phong trào đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo cho xã, tỉ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn dưới 32%.

Không chỉ Ba Chùa, nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện nhiều năm liên tục (6-7 năm liền) giữ vững chỉ tiêu không sinh con thứ 3 trở lên. Điển hình như thôn Mang Biều, xã Ba Tiêu; tổ dân phố số 2, thị trấn Ba Tơ; thôn 5, xã Ba Cung… Riêng năm 2011, toàn huyện có 42 thôn, tổ dân phố và 3 xã không có người sinh con thứ 3 (từ 3 năm trở lên). Quy mô gia đình nhỏ, ít con đến nay được thực hiện ngày càng rộng rãi tại các địa phương. Chính thành công của mô hình đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội của huyện. Từ năm 2000-2011, tỷsuất sinh thô từ 25,%0 giảm xuống còn 15,4%0. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,8% giảm còn 1,02%. Đặc biệt tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể (còn 6,5%).

Ông Nguyễn Thanh Hướng- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: Thành công của việc triển khai mô hình trong những năm qua ở Ba Tơ có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn. Đặc biệt là sự năng nổ, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở; các già làng, cán bộ địa phương. Hàng tháng Ban dân số các xã đã phối hợp với trưởng thôn lồng ghép các chương trình truyền thông dân số vào các cuộc họp, sinh hoạt hội đoàn thể.

Trong đó, mô hình truyền thông nhóm, tại hộ gia đình được duy trì, phát triển thường xuyên, nhằm vận động, tuyên truyền chính sách DS- KHHGĐ đến các cặp vợ chồng trẻ thực hiện tốt các biện pháp tránh thai hiện đại. Một trong những yếu tố nữa góp phần thành công mô hình đó chính sự huy động tốt các nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ. Riêng năm 2012, huyện đã huy động từ các nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia, 30a… để triển khai các mô hình, hoạt động dân số  gần 1 tỷ đồng. Đây chính là tiền đề thuận lợi để huyện miền núi Ba Tơ tập trung nguồn lực lớn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về dân số, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

"Hiện nay, để duy trì phát triển tốt mô hình trên địa bàn huyện, các xã đã thành lập Ban quản lý mô hình. Ở mỗi thôn đều xây dựng quy chế hoạt động, có mẫu đăng ký thực hiện tốt chính sách dân số; mỗi cặp vợ chồng tham gia mô hình đều có phiếu đăng ký thực hiện với cam kết chỉ sinh từ 1đến 2 con để nuôi dạy tốt hơn. Những hộ tham gia sẽ được ưu tiên hỗ trợ vay vốn từ các chương trình khuyến nông, hộ nghèo… để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo chính điều này đã khích lệ, tạo đồng thuận cao cho nhân dân địa phương", ông Nguyễn Thanh Hướng cho hay.


K.NGÂN-T.Tuyết
 


.