Thanh niên Nghĩa Hành: Năng động phát triển kinh tế

01:04, 18/04/2012
.

(QNg)- Nhiều thanh niên nông thôn ở Nghĩa Hành đã biết phát huy tính năng động, dám nghĩ, dám làm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cho bản thân gia đình thanh niên.
 

TIN LIÊN QUAN


Lớn lên trên mảnh đất còn nghèo khó, gia đình đông anh chị em, cha mẹ một nắng hai sương vất vả, anh Trần Anh Tuấn ở xã Hành Thịnh luôn nung nấu ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Năm 2006 được sự ủng hộ của gia đình và sự quan tâm tạo điều kiện của Đoàn xã, anh Tuấn vay vốn 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cùng các nguồn vay, mượn của gia đình, anh đầu tư công sức khai hoang diện tích đất cằn cỗi để trồng keo trên diện tích 75 ha. Sau đó, anh đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi thí điểm 5 con heo nái và 15 con heo thịt, trồng 25 cây cảnh (cây sanh), sau đó tăng lên 25 con heo thịt. Dần dần anh đầu tư thêm chăn nuôi với số lượng tăng gấp đôi, và gây trồng thêm cây cảnh.

Mô hình kinh tế VAC hiệu quả của anh Bùi Văn Bảo, xã Hành Tín Đông.
Mô hình kinh tế VAC hiệu quả của anh Bùi Văn Bảo, xã Hành Tín Đông.


Cùng với sự khuyến khích của địa phương cho đoàn thanh niên xã tham gia phát triển kinh tế xã hội, phát triển cây lâm nghiệp để phủ xanh đồi núi trọc, anh Tuấn cùng với một số thanh niên địa phương mạnh dạn đảm nhận trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp với diện tích hơn 65ha. Với sự năng động của mình, anh Tuấn đang nắm trong tay hàng chục ha keo, mì và 50 cây cảnh (cây sanh). Hằng năm trừ chi phí, anh thu  lãi hơn 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên  cho hơn 8 lao động thanh niên ở địa phương. Nói về thành công của mình, anh Tuấn chia sẻ: "Không làm ở đâu bằng làm cho chính mình, mình làm giàu trên mảnh đất ông cha, hơn là tha phương nơi khác. Tuổi trẻ phải có khát khao làm giàu chính đáng bằng công sức của mình và cống hiến cho xã hội".

Với anh Trần Anh Tuấn phát triển kinh tế vườn- rừng là thế mạnh, còn chàng trai trẻ Bùi Văn Bảo (sinh 1981) ở xã Hành Tín Đông thì mở hướng thoát nghèo bằng mô hình kinh tế VAC. Xuất thân trong gia đình đông anh em, Bảo  phải bỏ học từ sớm đi làm thuê, kiếm sống và giúp đỡ gia đình. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, với quyết tâm không cam chịu đói nghèo và được sự hỗ trợ vốn vay của Đoàn xã, anh Bảo đầu tư chăn nuôi và trồng trọt. Đến nay, anh đang sở hữu 4 ao cá với khoảng 15.000 con cá các loại, trên diện tích gần 1ha. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư trồng keo lai với diện tích 12ha đất rừng và chăn nuôi 70 con heo, bò, cộng thêm hàng trăm con vịt... Với mô hình này, mỗi năm anh thu về khoảng 90-100 triệu đồng. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, với mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương.    

Còn anh Phát ở xã Hành Tín Đông sau nhiều năm bôn ba vào đất Sài Gòn mưu sinh, cuối cùng anh quay về lại quê hương để lập nghiệp. Ban đầu anh đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ, sau đó tăng dần số lượng con vật nuôi kết hợp trồng rừng. Đây là mô hình mà anh  Phát chọn duy trì để phát triển kinh tế trong thời gian qua. Hiện tại anh Phát đã sở hữu một trang trại khá bề thế, trị giá hơn 300 triệu đồng.

Bên cạnh tham gia các hoạt động an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng thì tìm kiếm những mô hình phát triển kinh tế đã và đang được các cấp đoàn, lực lượng thanh niên huyện chú trọng để nhân rộng. Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng, trong những năm qua, thanh niên Nghĩa Hành đã năng động tìm tòi để có những mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Thông qua các mô hình, hình thức hoạt động của mình, Huyện đoàn Nghĩa Hành cùng với các cấp, ngành hỗ trợ thanh niên kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề. Điều này đã góp phần hình thành lớp thanh niên nông thôn tại địa phương có kiến thức, tay nghề, giàu khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từng bước hạn chế tình trạng thanh niên nông thôn đi làm ăn xa.  

Anh Võ Văn Vạn - Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Hành cho biết: "Ngoài việc phát động những phong trào an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng thì việc thanh niên tham gia phát triển kinh tế cũng là một nội dung chúng tôi phát động mạnh mẽ trong việc góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. Khi mô hình kinh tế của thanh niên địa phương phát triển, ngoài việc đem lại kinh tế cho bản thân và gia đình, còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho thanh niên khác và tạo ra phong trào phát triển kinh tế chung của địa phương. Trong năm 2011 đến nay, Huyện đoàn Nghĩa Hành đã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho gần 180 thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ lên hơn 11 tỷ đồng".


Kim Ngân

 


.