Bứt phá trong xây dựng "chính quyền điện tử"

08:01, 27/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT Index) Quảng Ngãi năm 2019 thăng hạng đến 13 bậc so với năm 2018. Đây là kết quả ấn tượng trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử mà ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) tỉnh đạt được trong năm qua.
Lần đầu tiên sau 14 năm, Quảng Ngãi vươn lên đứng thứ 35 trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT – TT) do Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam thực hiện. Với việc tăng 13 bậc so với năm 2018, Quảng Ngãi cùng với Quảng Nam và Hòa Bình là 3 tỉnh đứng đầu toàn quốc về mức độ thăng hạng so với năm trước.
 
Đáng chú ý, Quảng Ngãi đã có những bứt phá trong nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, khi chỉ số ở lĩnh vực này được Bộ TT&TT đánh giá, xếp loại tăng 15 bậc so với năm 2018, vượt xa các tỉnh như Bình Dương, Đồng Tháp... Ở chỉ số hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan nhà nước, tỉnh cũng tăng 18 bậc và “thăng hạng” đến 19 bậc đối với chỉ số hạ tầng nhân lực... 
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho người dân.                                              Ảnh: NGUYỄN Ý
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho người dân. Ảnh: NGUYỄN Ý
Để có được những con số ấn tượng này, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong ưu tiên nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp về ứng dụng CNTT, nhằm phát triển chính quyền điện tử và giúp người dân tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Tính đến nay, 100% dịch vụ hành chính công mức độ 2 đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và các trang thông tin của cơ quan, đơn vị chuyên ngành. Công tác dịch vụ công trực tuyến được tiếp tục triển khai, hiện tại đã cung cấp 379 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tập trung tại địa chỉ: http://motcua.quangngai.gov.vn. Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt khoảng 23%. Với danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gồm 87 thủ tục hành chính (TTHC), người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục liên quan đến sáp nhập doanh nghiệp, cấp lại phù hiệu xe trung chuyển, thông báo hoạt động khuyến mãi, tạm ngừng kinh doanh... đều có thể nộp hồ sơ thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh, mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký. Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ xử lý và thông báo kết quả giải quyết cho người dân, doanh nghiệp qua mạng điện tử.
“Xác định xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành TT&TT, thời gian đến, Sở TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ở mức độ cao, gắn với đảm bảo an toàn thông tin để phục vụ người dân được tốt hơn. Đặc biệt, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng chữ ký số, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử trong thời gian tới". 
 
Giám đốc Sở TT&TT NGUYỄN THANH SƠN

“Tôi rất mừng vì khi có nhu cầu hiệu đính thông tin đăng ký doanh nghiệp, tôi không cần phải vượt quãng đường gần 40km từ Sơn Hà xuống trụ sở của Sở KH&ĐT. Chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối Internet là có thể nộp hồ sơ hiệu đính trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc đăng ký qua mạng, giúp tôi có thể nộp hồ sơ bất kỳ thời gian nào, thay vì phải nộp vào giờ hành chính như khi nộp bằng văn bản giấy”, anh Nguyễn Quang, ở huyện Sơn Hà chia sẻ.

Từng bước hiện đại hóa nền hành chính công, tỉnh đã triển khai và vận hành phần mềm một cửa điện tử dùng chung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cho tất cả các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 100% cấp huyện và một số xã theo kế hoạch của các địa phương. Với các chức năng chính như tiếp nhận, thụ lý, ký duyệt hồ sơ; tra cứu kết quả giải quyết TTHC... việc ứng dụng rộng khắp phần mềm này giúp các cơ quan hành chính tỉnh nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân.
 
Ngoài ra, với mục tiêu hướng đến “văn phòng không giấy” nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất công việc, tỉnh đã tăng cường sử dụng văn bản điện tử bằng cách triển khai kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản eOffice đạt 100% sở, ngành, huyện, xã và liên thông 4 cấp theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.
 
Song song với tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, tăng cường ứng dụng CNTT trong phát triển chính quyền điện tử; tỉnh còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường mức độ hài lòng của người dân. Thông qua việc UBND tỉnh ký thỏa thuận hợp tác cùng Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong thực hiện gửi, nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, người dân và doanh nghiệp còn có thể đăng ký nhận trả kết quả giải quyết hồ sơ tận nhà.
 
Ngoài kết quả bằng bản giấy, tỉnh còn thực hiện trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân bằng văn bản điện tử áp dụng chữ ký số có tính pháp lý tương đương như văn bản giấy. Với bản kết quả này, công dân và tổ chức có thể sử dụng để giao dịch, giải quyết công việc ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào thông qua môi trường mạng. 
 
Từ những bước đi vững chắc, năm 2020, ngành TT&TT tỉnh tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử chuyên nghiệp, hiện đại và ngày càng lan tỏa, nhân rộng hơn nữa việc người dân chủ động “chấm điểm” cán bộ, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ qua mạng Internet, thậm chí là các ứng dụng tin nhắn, gọi điện miễn phí trên thiết bị điện thoại di động như Zalo, Viber...
 
NGUYỄN Ý
 
 
 
 

.