OPEC và Nga kéo dài cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 1 tháng

08:06, 07/06/2020
.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh đã thống nhất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 tháng, tức cho đến hết tháng 7, nhằm đối phó với việc nhu cầu vẫn chưa khôi phục đáng kể.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh ngày 6-6 thống nhất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến hết tháng 7-2020 - Ảnh: REUTERS
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh ngày 6-6 thống nhất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến hết tháng 7-2020 - Ảnh: REUTERS
Nhóm nước trên, được biết đến với tên gọi OPEC+, hồi tháng 4 thỏa thuận sẽ cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 5-6 để đối phó với tình trạng rớt giá giữa khủng hoảng dịch COVID-19. 
 
Mức cắt giảm này ban đầu dự tính sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến tháng 9.
 
"Nhu cầu đang trở lại trong bối cảnh các nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ lớn đang quay trở lại sau các lệnh phong tỏa vì đại dịch. Thế nhưng, nguy cơ và thách thức vẫn còn ở phía trước", Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tuyên bố trong cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng OPEC+ ngày 6-6.
 
Theo Hãng tin Reuters, OPEC+ cũng yêu cầu các quốc gia đã vượt quá hạn ngạch sản xuất như Nigeria và Iraq đền bù bằng cách cắt giảm bổ sung từ tháng 7 đến tháng 9.
 
Ngoài ra, hiện chưa rõ liệu Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Kuwait có kéo dài khoảng cắt giảm bổ sung hay không. Các nước này trước đó tự nguyện cắt giảm thêm 1,18 triệu thùng/ngày. Đây là cam kết nằm ngoài thỏa thuận chung.
 
Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle ngày 6-6 thông báo nước này sẽ không kéo dài cắt giảm sản lượng trong tháng 7 so với thỏa thuận ban đầu cùng OPEC+.
 
Giá dầu Brent hôm 5-6 đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng 3 tháng qua, vượt ngưỡng 42 USD/thùng, sau khi rớt thảm xuống dưới 20 USD/thùng hồi tháng 4. Dù vậy, giá dầu hiện nay vẫn thấp hơn 1/3 so với hồi cuối năm 2019.
 
"Giá dầu có thể vẫn giữ mức cao từ thứ hai (ngày 8-6), vẫn ở mức trên 40 USD", ông Bjornar Tonhaugen, thuộc Hãng nghiên cứu Rystad Energy (Na Uy), đưa ra dự đoán.
 
Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu OPEC, và Nga buộc phải thực hiện động thái cân bằng này để đẩy giá dầu lên khớp với nhu cầu ngân sách của họ. Trong lúc đó, cả 2 nước phải đảm bảo giá dầu không lên quá 50 USD/thùng để cạnh tranh cùng dầu đá phiến của Mỹ.
 
Theo NGUYÊN HẠNH/Tuổi Trẻ Online
 
 

.