Đau nhói "Mùa linh cảm"

10:09, 30/09/2019
.

Thanh Thảo

                  (Đọc sách “Mùa linh cảm” của Đoàn Tuấn)

(Baoquangngai.vn)- Chiến tranh không bao giờ là một ngày hội. Và những người lính ra trận không phải để múa hát. Họ ra trận để đánh giặc và chấp nhận một sự thật giản đơn kinh khủng này: một chết, hai sống sót. Ngày chiến tranh chống Mỹ ở Nam Bộ, tôi thuộc nằm lòng câu thiệu: “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. “Xanh cỏ” thì ai cũng biết là gì. Còn “đỏ ngực” là sống mà có huân chương đấy. Nhưng tôi biết, không người lính nào mong có huân chương cả, Họ chỉ mong, nếu Trời thương, thì cho sống sót.

“Mùa linh cảm” của Đoàn Tuấn viết về những phút trước khi chết, những phút khi đã chết của đồng đội mình. Không ai giống nhau khi sống, thì lạ kỳ thay, cũng không ai giống nhau khi chết. Dù cái chết nào cũng giống nhau, nhưng cách chết của người người lính thì luôn khác nhau.

Tôi đọc cái chết đầu tiên của người lính quê Hà Nội Hoàng An, đọc mà trào nước mắt. Người lính ấy còn ngây thơ trong trắng như một đứa trẻ. Vậy mà anh đã linh cảm rõ ràng cái chết của mình, khi nói những lời mà người ta gọi là “gở” trước lúc hy sinh.

Tôi thương những người lính “chết bên ngoài Tổ quốc” như Hoàng An và bao nhiêu người nữa. Họ biết chiến tranh tàn khốc thế nào, biết quân Polpot độc ác ra sao, biết cái chết ở nơi xứ lạ quê người ấy đến một cách tình cờ như thế nào, nhưng họ không biết những câu chuyện vô cùng phức tạp mà sau này người ta hay nói về cuộc chiến trên đất Campuchia. Họ không biết, vì họ đã chết.

Cả những dòng cảm thán của ông Thủ tướng Singapore về “quân đội Việt Nam xâm lược” họ cũng không còn biết, dù lời cảm thán này như dao đâm vào gia đình hàng vạn hàng chục vạn người lính Việt ngã xuống trên chiến trường Campuchia. Người lính Việt chỉ biết chống xâm lược, người lính Việt không bao giờ đi xâm lược ai cả.

Phải đánh bọn ác quỉ Polpot sang tận Campuchia, không chỉ để cứu người dân xứ này thoát họa diệt chủng, mà còn cứu cho chính đồng bào Việt Nam của mình thoát khỏi sự tàn sát của quân Polpot. Đó là cuộc chiến tranh tự vệ, tự cứu mình và cứu người, bảo vệ tổ quốc mình và xóa bỏ địa ngục trần gian mà bọn bất nhân dựng lên ngay trên đất nước chúng nhằm tiêu diệt chính dân tộc chúng.

Ngay lúc bấy giờ có thể thế giới chưa hiểu, nhưng rồi với thời gian, với sự thật được phơi bày rõ như ban ngày, thế giới đã hiểu, và sẽ còn tiếp tục hiểu.

Nhưng ai hiểu cho gia đình, cho cha mẹ những người lính trẻ Việt đã chết ở Campuchia? Ai hiểu cho nỗi đau khi chết xa tổ quốc của những người lính trẻ, chiến đấu giữa những cạm bẫy và thù nghịch xa lạ, chiến đấu mà không có nhân dân mình ở phía sau, ở bên cạnh?

Chỉ những nhà văn nhà thơ Việt là lính tham chiến ở chiến trường Campuchia hiểu bao nỗi niềm xót xa, đau đớn ấy. Sau bao nhiêu năm chiến tranh kết thúc, những người lính đã “giã từ vũ khí” ấy bắt đầu cầm bút. Họ cầm bút viết nên những sự thật xé lòng, những cái chết của đồng đội mình, những cơn khát ghê người trong 6 tháng mùa khô ở chiến trường giáp Thái Lan, những kẻ chứa chấp bọn diệt chủng, biến chúng thành mìn thành đạn để trút hết nỗi căm hờn và sợ hãi về những người lính Việt trong “đội quân nhà Phật” mà chính người Khmer đã tôn vinh.

Những người lính không phải là những nhà chính trị, họ chỉ là người lính. Những nhà văn nhà thơ xuất thân từ lính Việt chiến đấu ở chiến trường Campuchia, họ cũng không hề là những nhà chính trị hay ngoại giao. Họ là người lính, và sau chiến tranh may mắn còn sống sót, họ trở thành nhà văn.

Nếu không có những dòng văn-máu của họ, chẳng lẽ cuộc chiến tranh kinh khủng, khốc liệt, đau thương này sẽ bị lãng quên hay bị hiểu theo những cách mà những người lính tham chiến không bao giờ nghĩ tới?

“Mùa linh cảm” của Đoàn Tuấn không chỉ viết về những linh cảm trước cái chết không tránh khỏi của những đồng đội mình, “mùa linh cảm” ấy còn là linh cảm về những nỗi đau, những bất công mà người lính Việt phải chịu đựng sau khi đã kết thúc cuộc chiến này.

Tôi đã gặp những thương binh cụt chân, những cựu binh xơ xác trở về từ chiến trường Campuchia với bao uất ức, đau đớn, thậm chí thù hận. Họ không có lỗi trong cuộc chiến tranh này. Và Tổ quốc của họ cũng không hề có lỗi khi cắn răng đưa những đứa con mình vào vòng lửa đạn cạm bẫy ghê người ấy.

Chính vì sự sống của nhân dân Việt Nam, vì sự sống của nhân dân Campuchia mà những người lính Việt chịu hy sinh đời mình để bảo vệ. Cứu người, chính là để cứu mình. Như Hồng quân Liên Xô đã chịu hy sinh hàng chục triệu người để cứu thế giới khỏi thảm họa phát-xít.

Nếu Hồng quân trong thế chiến thứ hai là “đội quân của Chúa”, thì những người lính tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Campuchia là “đội quân của Phật”. Không thể khác.

Đoàn Tuấn đã viết: “Tôi nghĩ về người lính. Bề ngoài, ai cũng tưởng đơn giản. Đơn giản đến tận cùng. Uống chung ngụm nước. Đọc chung lá thư. Chui cùng căn hầm… Nhưng bên trong họ là những miền bí ẩn, là những chiều sâu thăm thẳm hơn đại dương, không ai và không bao giờ khám phá nổi.

Tôi nhớ câu nói nổi tiếng của một nhà văn mà tôi không nhớ tên: “Nhìn từ xa, một trăm cây bạch dương giống nhau cả trăm; một trăm ánh nến giống nhau cả trăm. Nhưng khi đến gần, mỗi cây bạch dương lại khác nhau; mỗi ánh nến cũng khác nhau nữa”. Con người cũng vậy. Và người lính, trong đời sống giáp ranh sinh tử, họ càng khác biệt bao nhiêu”.

Sứ mệnh của nhà văn là viết về số phận từng cây bạch dương không giống nhau ấy, về những ánh nến mơ hồ nhưng cũng không giống nhau ấy, như linh hồn những người lính đã hy sinh.

Tôi, thú thật, đã khóc khi đọc quyển sách mỏng này. Hãy dẹp đi những khẩu hiệu vô hồn, những băng-rôn vô cảm, những lời lẽ ngoại giao thớ lợ. Chúng tôi chỉ còn tin vào những nhà văn đã từng khoác áo lính, đã từng sống chết trên chiến trường Campuchia, hay chiến trường biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Chúng tôi cầu xin họ hãy viết ra những gì trung thực nhất, dù đau đớn nhất, mà mình đã từng trải. Chỉ như thế thôi, họ cũng đã làm mát vong linh những đồng đội họ đã ngã xuống bên ngoài Tổ quốc.   

--------------------------
(*) “Mùa linh cảm”-truyện ký của Đoàn Tuấn-NXB Trẻ 2019
 


.