Tiếng quê

09:09, 24/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ủa, dẫy hả! Như một phản xạ, tôi dừng xe quay ngay trở lại dừng bên người bán rau vừa phát ra câu nói. “Cô là người Quảng Ngãi? Cô ở huyện nào?”. “Cháu cũng Bình Sơn nè”.

Những câu chuyện đẩy đưa, những lời hỏi thăm nhau kéo dài liên tu bất tận không có điểm dừng, như thể thân thiết, như thể quen biết nhau từ thuở nào. Chuyện quê hương, chuyện tha phương... “Cô vô đây từ khi nào? Bây giờ cô ở với ai? Mỗi ngày bán gánh rau được bao nhiêu tiền, có đủ chi tiêu?”. Tất cả đã được “xổ” ra tất tần tật, không che đậy cái khó, cái nghèo.

Gặp người quê như cởi tấm lòng. Cái khoảng cách giữa kẻ bán, người mua, kẻ sang, người khó đã bị san bằng trong chớp mắt. Mà không hiểu sao gặp người quê, tôi luôn tin tưởng để có thể dốc lòng mình ra mà sẻ chia, phải chăng tự trong bản thân những âm thanh của cái tiếng nói nằng nặng, khó nghe kia đã chứa đựng sự thật thà chất phác một cộng một bằng hai, chứ không “ngọt ngào để rồi man trá”, “thảo mai” lấy lòng ai kia khác nọ. Cái tiếng quê chát chúa chả khác gì tiếng đe thợ rèn, dội thẳng vào đầu óc lan xuống tận tim gan và giữ chặt lại ở đấy. Mãi mãi.

Với những người xa nhà, gặp tiếng quê là “bập” vào như tôi, khi tự bản thân cũng có nhu cầu kết nối, để giúp đỡ, để sẻ chia, để yêu thương khi cùng chung một tiếng nói quê. Chẳng nói đâu xa, như tôi ngày xưa học được ra trường cũng một phần nhờ Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh tặng học bổng, giúp đỡ việc làm thêm để trang trải chi phí suốt bốn năm trời nơi phố thị xa xôi. Tốt nghiệp ra trường, các anh, chị đồng hương lại tiếp tục tạo điều kiện cho tôi được làm việc đúng với ước mơ của mình. Nhờ sự giúp đỡ của những người cùng quê, để hôm nay tôi có điều kiện tiếp sức cho những đàn em sau này với tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” mà trước đây tôi đã may mắn nhận được.

Người quê luôn gắn kết với nhau thành một khối cộng đồng để những người xa quê đi học tập, lập nghiệp nơi xa, trước đó bao giờ cũng có sự liên hệ giúp đỡ của hội đồng hương với những nhu cầu mưu sinh nơi xứ người. Một năm đôi ba lần chúng tôi lại tụ lại cùng nhau thăm hỏi, động viên nhau học tập, làm việc và sinh sống. Để rồi từ nơi này thêm nhiều bạn sinh viên quê hương gặp khó khăn được tiếp sức đến trường, những tai ương thiên tai bão lũ nơi quê nhà, mọi người “của ít lòng nhiều” gom góp gửi về giúp đỡ quê nhà qua cơn hoạn nạn. Rồi người góp công, người góp của tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện, khám chữa bệnh cho bà con nghèo nơi núi rừng Ba Tơ, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành... kịp thời phát hiện những căn bệnh hiểm nghèo, những đứa trẻ đã can thiệp bệnh tim kịp thời kéo dài sự sống. Đó là gì nếu không bắt nguồn tha thiết từ tiếng quê trong mỗi con người, dù có ở đâu xa tận nơi chân trời hay góc bể.

Đồng hương, hai tiếng thiệt thân thương như có cả quê hương mang theo. Với tôi gặp người quê, tôi như gặp lại tuổi thơ mình với cả trời quê ở đấy. Dù hơi cực đoan, phiến diện, nhưng quả thiệt với tôi cái tiếng quê nghe sao da diết, thiệt thà, mà không cần phải trả treo khi mua, bán. Tôi xông xênh coi như “lọt sàng xuống nia”, biết đâu thêm được vài đồng cho người cùng quê.  

Thế nên tôi thích đi chợ hơn siêu thị, đến mấy bạn nhỏ cùng nhà nhấm nháy thì thầm cùng nhau “mẹ đi chợ để ôn tiếng... Quảng ngữ đó mà”. Hai bạn nhỏ nhà tôi, sinh ra và lớn lên ở phố thị, mỗi năm được hai lần về thăm quê cùng mẹ là dịp Tết với hè, lúc nào cũng ngơ ngác mắt chữ A, mồm chữ O khi nghe mẹ nói chuyện với các bà, các chị ở quê “Mẹ nói tiếng chi mà nghe không hiểu”. Rồi chúng hỏi tôi với cái giọng rất chi là tò mò “ Mẹ đi xa cả mấy chục năm rồi mà sao về quê là mẹ lại rặt ri tiếng quê vậy chứ? Ừ, thay đổi làm sao được khi tiếng quê đã ăn vào da, hòa vào máu, chảy trong huyết quản.

Để khi gặp tiếng quê, cứ râm ran ríu rít, tít mù bịn rịn như không muốn rời. Cái tiếng quê mình cũng thiệt lạ, không trộn lẫn được vào đâu, nói kiểu nào cũng nhận được ra, những âm giòn giã, vồn vã của người quê trọng nghĩa tình. Để mỗi khi đi chợ, tôi mắt trước mắt sau tìm ngay những bà, những chị người quê sà đến, nói dăm ba câu chuyện, vài lời hỏi thăm rồi mới tính chuyện bán, mua. Một lời mời với tiếng quê cất lên giữa phố chợ luôn níu chân tôi dừng lại, dù chẳng có nhu cầu, nhưng vẫn cầm lấy tự nhủ “để hôm sau có việc cần dùng”.

Mỗi lần trên phố đông, người xe chen chúc, thấy bóng chiếc xe mang biển số 76, kiểu chi tôi cũng cố len đến gần chỉ để hỏi vu vơ chỗ nọ, nơi kia, chủ ý cuối cùng cũng chỉ là thèm nghe được tiếng quê mình.

THỦY VŨ
 

.