Bình Sơn: Khôi phục tết ngã rạ cho đồng bào Cor

07:12, 14/12/2017
.

(Baoquangngai.vn) - Xã Bình An, huyện Bình Sơn là nơi có đồng bào Cor di cư từ huyện Trà Bồng và tỉnh Quảng Nam đến định cư sinh sống xen với người Kinh. Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của người người Cor, huyện Bình Sơn đã tổ chức khôi phục tết ngã rạ cho đồng bào ở thôn Thọ An.

TIN LIÊN QUAN

Vui tết ngã rạ
 
Sáng sớm khi núi đồi còn sương giăng, con đường bê tông dẫn về thôn Thọ An nhộn nhịp lạ thường. Dòng người hớn hở trong trang phục truyền thống của người Cor mỗi lúc một đông như để cảm nhận rõ nét hơn không khí vui tết truyền thống của dân tộc mình.
 

Đấu chiêng, là tiết mục không thể thiếu trong tết ngã rạ
Đấu chiêng, là tiết mục không thể thiếu trong tết ngã rạ


Khác với mọi năm, thay vì tổ chức ở nhà, đồng bào Cor ở thôn Thọ An cùng tề tựu về Nhà văn hóa thôn để vui tết nrạ lần đầu tiên được khôi phục. Các làn điệu dân ca, dân vũ, những điệu múa cồng chiêng truyền thống rộn ràng, tưng bừng làm nức lòng mong đợi của đồng bào.  
 
Sau khi được các nghệ nhân đồng bào Cor truyền dạy, đội văn nghệ với những hạt nhân cốt cán trong thôn Thọ An đã nhuần nhuyễn hơn với những làn điệu truyền thống của dân tộc mình.
 
Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân trong thôn phấn khởi nói: Lần đầu tiên khi được chính quyền địa phương tổ chức khôi phục lại tết ngã rạ, bà con người Cor ở thôn Thọ An rất vui mừng, phấn khởi.
 
Lâu lắm rồi chúng tôi mới được sum họp vui tết truyền thống, được xem múa cồng chiêng, ăn bánh lá đót của dân tộc mình. Mong sao năm sau sẽ tổ chức lớn hơn.
 
Với tín ngưỡng "vạn vật hữu linh", người Cor tin rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống xung quanh họ đều có linh hồn. Và tết ngã rạ là lễ hội không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Cor.
 
Tết ngã rạ thường được tổ chức vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch hằng năm. Sau khi các gia đình đã thu hoạch lúa, nếp đem cất lên chòi và tổ chức tết ngã rạ để tạ ơn ông bà, tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho gia đình làm ăn khấm khá, cuộc sống an bình.
 
Đây còn là dịp con cháu trong nhà, các gia đình trong làng sum họp, vui vầy bên nhau, truyền cho nhau những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.       
 
Bảo tồn văn hóa cho đồng bào Cor
 
Xã Bình An, là xã miền núi của huyện Bình Sơn. Trong đó, thôn Thọ An có gần 190 hộ dân với hơn 80% dân số là người đồng bào dân tộc Cor di cư từ huyện Trà Bồng và tỉnh Quảng Nam đến định cư sinh sống xen với người Kinh. Qua thời gian sinh sống xen với người Kinh, nhiều tập tục văn hóa của người Cor ở đây đang bị phai nhạt, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng.
 

Bánh mũi tên, loại bánh được gói bằng lá đót của người Cor
Bánh mũi tên, loại bánh được gói bằng lá đót của người Cor.


Trước thực trạng nhiều hộ đồng bào dân tộc Cor ở đây không còn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, năm 2017, huyện Bình Sơn đã đầu tư 300 triệu đồng để khôi phục tết ngã rạ và những nét văn hóa của đồng bào Cor.
 
Chủ tịch UBND xã Bình An Võ Hồng Thắng cho biết, những năm qua, địa phương luôn trăn trở về việc bảo tồn văn hóa người Cor ở địa phương. Chính vì vậy, bà con rất vui mừng khi được các nghệ nhân ở huyện Trà Bồng về truyền dạy. Bà con đã được mua sắm các phục trang, quần áo truyền thống, bộ cồng chiêng để bà con gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung, năm 2018, huyện Bình Sơn đã có kế hoạch xây dựng cho thôn Thọ An nhà sàn truyền thống gần 2 tỷ đồng. Cùng với đó là phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ, múa cồng chiêng, tiến tới phát triển du lịch và kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nơi đây.
 
Khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội của người Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An không những góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số ở địa phương, mà còn góp phần thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Bài, ảnh: A.KIỀU



 


.