Đặc sắc nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng của đồng bào Cor

07:01, 31/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cor ở miền Tây Quảng Ngãi. Để bảo tồn và phát huy loại hình diễn xướng dân gian đặc biệt này, hiện ngành chức năng của tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch đưa nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

TIN LIÊN QUAN

Nghệ thuật diễn tấu đặc sắc
 
Các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung và miền Tây Quảng Ngãi nói riêng đều có cồng chiêng và hầu hết các lễ hội trong năm đều có sử dụng cồng chiêng, nhưng chưa dân tộc nào có đấu chiêng như ở cộng đồng người Cor. Đấu chiêng là loại hình diễn xướng dân gian có tính chất riêng và có giá trị tiêu biểu đặc sắc mà các dân tộc khác không có. 
 
Theo các tài liệu nghiên cứu, nhạc cụ dùng trong lễ hội của đồng bào Cor thường là hai chiêng và một trống. Trong đó, chiêng lớn tiếng Cor gọi là Pô (chiêng đực); chiêng nhỏ hơn bỏ lọt lòng chiếc lớn, gọi là Pi (chiêng cái) và chiếc trống gọi là Agor. Nhưng khi đấu chiêng chỉ sử dụng hai chiếc chiêng đực để có cùng thang âm tức là chiêng có các âm cơ bản hợp nhau được dùng để thi đấu với nhau giúp trọng tài và người thưởng thức hiểu được tiếng chiêng bên nào hay hơn.
 
Bài chiêng được đánh trong thi đấu là sự kết hợp nhuần nhuyễn của bài chiêng đón khách và tiếp khách cùng với sự ngẫu hứng và sáng tạo của người thi đấu bổ sung vào hai bài chiêng này những chuỗi nhịp điệu nhanh, mạnh dứt khoát để tạo nên bài đấu chiêng có tiết tấu rộn rã, sôi động, khác lạ… 
 
Nghệ nhân Hồ Văn Biên- một trong những nghệ nhân đấu chiêng ở huyện Trà Bồng cho biết: Đấu chiêng chỉ dành cho những người đàn ông khỏe mạnh, dẻo dai và đánh chiêng giỏi. Mỗi trận đấu chiêng gồm 3 người, trong đó có hai người thách đấu chính sẽ dùng chiêng, trọng tài của trận đấu là người dùng trống. Người diễn tấu có thể ngồi, đứng, di chuyển thoải mái… Trong mỗi trận đấu chiêng, người vỗ trống không chỉ có vai trò là trọng tài mà còn là chủ công dẫn dắt trận đấu chiêng qua nhịp của trống.
 
Các nghệ nhân biễu diễn tiết mục đấu chiêng
Các nghệ nhân biễu diễn tiết mục đấu chiêng
 
Nội dung thi đấu được tiến hành theo trình tự: Đấu âm và đấu âm kết hợp với động tác phô diễn hình thể của cặp thi đấu. Cuộc đấu chiêng được mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống dẫn nhịp của trọng tài, liền sau đó người đánh chiêng trước (gọi là tok) đánh chiêng theo nhịp trống, người đánh sau (gọi là tuk) đánh đáp trả với người đánh trước nhưng vẫn theo nhịp trống. 
 
Nét đặc trưng, tạo nên sức hấp dẫn của đấu chiêng là sự ngẫu hứng và sáng tạo. Hai người tham gia đấu chiêng thông qua những bài chiêng để đối đáp liên tục với nhau. Âm điệu trong các cuộc đấu chiêng vang lên rất lớn để khiêu khích, thách đố đối phương cùng so tài cao thấp. Cứ thế trận đấu diễn ra sôi động, hấp dẫn cho đến khi người đánh trước hoặc người đánh sau bị lỗi nhịp hoặc thua sút về giai điệu thì thua. 
 
Cũng theo nghệ nhân Hồ Văn Biên: Ban đầu, đấu chiêng dùng để thử tài những người sống chung trong nhà sàn dài hoạc trong một làng để xem ai đánh chiêng hay hơn, giỏi hơn, thuộc nhiều bài bản hơn và ứng tác giỏi hơn, cùng sự khéo léo, dẻo dai về thể lực trong suốt trận đấu. 
 
Trải qua thời gian, đấu chiêng là trò giải trí đặc biệt ngày càng có sức hấp dẫn lớn không chỉ dân trong làng mà còn cả khách ngoài làng cũng đến tham dự ngày hội. Từ đây, đấu chiêng của người Cor không chỉ là cuộc so tài giữa trai trong cùng một làng mà còn được dùng để thử tài giữa trai làng này với làng khác.
 
Bảo tồn và phát triển
 
Theo các nghệ nhân đồng bào Cor ở Trà Bồng, nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với Lễ Tết ngã rạ của người Cor. Qua hàng ngàn năm lịch sử, với biết bao thăng trầm, song nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng vẫn được người Cor bảo tồn, gìn giữ và duy trì cho đến nay và trở thành một trò diễn dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Cor.
 
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Đấu chiêng ra đời trong Lễ hội Tết ngã rạ nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người Cor trong ngày hội, thể hiện rõ nhất tính cố kết cộng đồng, khát khao đoàn kết và cầu mong sự được mùa sẽ mang đến cho người dân những ngày hội tưng bừng náo nhiệt trong tiếng nhạc đấu chiêng vang vọng núi rừng. 
 
Cũng thông qua tổ chức đấu chiêng, các giá trị về kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, cách chơi, cách trình diễn, cách phô diễn hình thể mang tính thi đua cao đã thể hiện khả năng sáng tạo âm nhạc cồng chiêng của người Cor. 
 
Nghệ nhân Hồ Văn Biên (đứng bên trái) truyền dạy nghệ thuật đấu chiêng cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Hồ Văn Biên (đứng bên trái) truyền dạy nghệ thuật đấu chiêng cho thế hệ trẻ
 
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, trên địa bàn các huyện Trà Bồng đã không còn tổ chức nhiều nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng, chỉ có ở xã Trà Sơn, xã Trà Thủy là còn tồn tại loại hình diễn xướng dân gian này. Số lượng nghệ nhân biết đấu chiêng không còn nhiều… khiến cho nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng có nguy cơ dần bị mai một.
 
Đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn tấu và đấu chiêng trước nguy cơ bị mai một khá cao cả về quy trình tổ chức cũng như người tham gia thi đấu có trình độ chơi chiêng điêu luyện, trong những năm qua, huyện Trà Bồng không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn đầu tư lớn cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần cho đồng bào.
 
Đặc biệt, huyện đã tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng đấu chiêng cho những thanh niên các địa phương trên địa huyện để họ có thể tiếp thu và ý thức hơn trong kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng nhằm duy trì, bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. 
 
Cùng với đó, trong những năm qua, ngành văn hoá tỉnh cũng đã chỉ đạo các phòng Văn hoá và Thông tin tại các huyện, quan tâm đến các nghệ nhân đấu chiêng bằng các hành động cụ thể như tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân tham gia các hoạt động trình diễn đấu chiêng ở trong, ngoài địa bàn tỉnh và nước ngoài.
 
Có thể nói, nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng của đồng bào Cor với những kỹ năng và kỹ thuật điêu luyện trong cách chơi, cách trình diễn là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo nổi bật góp phần vào sự đa dạng phong phú của văn hóa cồng chiêng nói riêng và nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam nói chung.
 
Hiện ngành chứng năng của tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch đưa nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng  vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia để bảo tồn và phát huy loại hình diễn xướng dân gian đặc biệt này. 
 
PV

.