Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Cor

06:08, 07/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân, việc giữ gìn, bảo tồn, hưởng thụ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cor tại huyện Trà Bồng sẽ mang lại hiệu quả cao.

TIN LIÊN QUAN

Xã Trà Tân (Trà Bồng) có khoảng 89% dân số là người dân tộc Cor sinh sống. Trong những năm gần đây, văn hóa của người Kinh đã dần len lỏi vào đời sống của đồng bào nơi đây, nếp sống ít nhiều đã bị thay đổi. Do sự du nhập của một số thể loại nhạc trẻ, các thế hệ trẻ không còn thích thú với việc học các loại nhạc cụ hay các bài hát truyền thống của dân tộc mình. Trước thực trạng đó, xã đã triển khai thực hiện Đề án của huyện Trà Bồng về “Bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc Cor giai đoạn 2013-2020”.  Qua tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu có nhận thức mới, tích cực khôi phục và giữ gìn truyền thống của dân tộc mình.

Anh Hồ Văn Hải (xã Trà Bùi) tập đánh cồng chiêng.
Anh Hồ Văn Hải (xã Trà Bùi) tập đánh cồng chiêng.


Ông Trần Đình Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết: Công tác tuyên truyền cho người dân về việc bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc mình, nhất là thế hệ thanh thiếu niên luôn được cấp uỷ, chính quyền quan tâm. Xã đã cử 3 nghệ nhân đi học hát Xà ru và 3 nghệ nhân đi học cồng chiêng. Bên cạnh đó, cán bộ Phòng Văn hoá- Thông tin huyện cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Còn ở xã Trà Bùi, văn hóa truyền thống của dân tộc Cor cũng phần nào bị pha tạp trong quá trình giao lưu, phát triển kinh tế- xã hội giữa các vùng miền. Ông Hồ Duy Phú - Chủ tịch UBND xã, nói: Trà Bùi là một xã có đặc thù là nơi sinh sống của đông đảo bà con người dân tộc Cor. Vì thế, trong những năm gần đây xã rất chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Cor. Sau khi huyện có Đề án, xã đã lồng ghép các buổi họp thôn để tuyên truyền việc giữ gìn văn hóa truyền thống cho bà con. Vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mình. Xã cũng đã xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở từng thôn.

Đây là nơi để bà con trong xã tập trung, giao lưu văn nghệ với nhau. Vừa qua, huyện đã hỗ trợ cho xã 10 bộ trang phục truyền thống. Anh Hồ Văn Hải, ở xã Trà Bùi chia sẻ: Trước đây, anh không quan tâm lắm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhưng từ khi có sự truyên truyền của chính quyền địa phương, anh đã đến nhà những người già trong thôn để học đánh cồng chiêng, học hát những điệu dân ca… Đồng thời, anh còn vận động người thân loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng VHTT huyện Trà Bồng cho biết: Sau hơn một năm triển khai Đề án đã mang lại những kết quả rất khả quan. Những giá trị văn hóa truyền thống bước đầu được khôi phục. Lớp trẻ đã có ý thức học tập các loại hình ca khúc, cồng chiêng của dân tộc mình. Cưới hỏi, ma chay không còn mang nặng tính mê tín dị đoan nhưng cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc. Cồng chiêng cũng được bà con lưu giữ khá nhiều tại gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, như: Di sản văn hóa của dân tộc Cor chưa được kiểm kê đầy đủ và đánh giá đúng mức. Trang phục, nếp sống văn hóa, văn nghệ dân gian, phong tục tập quán trong quá trình hội nhập và giao lưu nhiều nơi đã bị lai căng và pha tạp. Cơ sở vật chất và phương tiện để hoạt động văn hóa còn quá nhiều thiếu thốn, nghèo nàn…
         

Bài, ảnh: Trúc Giang
 


.