Người Cor vui Tết Ngã rạ

10:12, 14/12/2012
.

(QNg)- Một mùa Tết Ngã rạ nữa lại đến với đồng bào Cor Trà Bồng. Đây là dịp để con cháu tề tựu đông đủ, tỏ lòng biết ơn đến thần linh đã ban cho một mùa bội thu.

TIN LIÊN QUAN


Chiều muộn, con đường bê tông sạch đẹp dẫn về thôn 2, xã Trà Thủy nhộn nhịp lạ thường. Khói bếp bay ra từ các nóc nhà như những làn sương lượn lờ trên đỉnh núi. Dòng người đổ về ngày một đông hơn để cùng chung vui đón Tết Ngã rạ (cúng lúa mới) với đồng bào Cor.

 

 Lễ cúng Nam thần trong Tết Ngã rạ của đồng bào Cor.
Lễ cúng Nam thần trong Tết Ngã rạ của đồng bào Cor.


Để có một cái Tết trọn vẹn và linh thiêng, sự chuẩn bị đã bắt đầu từ khi thu hoạch xong mùa lúa mới. Đối với đồng bào Cor từ khi phát rẫy đến lúc kết thúc mùa lúa thường diễn ra 4 lễ. Lễ đầu tiên là Lễ bốc đất, phát rẫy. Lễ thứ 2 là Lễ xuống giống. Lễ thứ 3 là Lễ ăn cơm mới. Cuối cùng là Tết Ngã rạ. Trong đó, Tết Ngã rạ được đồng bào Cor chuẩn bị chu đáo nhất, ý nguyện tỏ lòng biết ơn đến thần linh đã ban cho một mùa bội thu. Như thường lệ, Tết Ngã rạ năm nay cũng đầy đủ cả phần lễ và phần hội.

Để có mặt kịp thời, chứng kiến những thời khắc thiêng liêng, huyền bí trong lễ cúng thần linh của đồng bào Cor, chúng tôi đã vượt gần 50 cây số đến thôn 2, xã Trà Thủy vào chiều ngày hôm trước. Đúng lúc này, già làng cùng bà con trong làng lên rẫy rước "hồn lúa" để sáng sớm hôm sau làm lễ cúng thần. Hành trình đi rước "hồn lúa" diễn ra nhanh chóng nhưng đầy đủ các nghi thức.

Mặt trời dần khuất núi cũng là lúc các chị, các mẹ quây quần bên nhau để làm bánh ống (gạo nếp bỏ vào ống nứa, để lên bếp nướng), bánh nếp lá đót (được gói bằng lá đót) và bánh lá tốp (gói bằng lá tốp). Còn cánh đàn ông trong làng thì đan vỉ để bày biện lễ vật cúng. Dường như không ai muốn ngủ. Tất cả đều háo hức chờ đón một cái Tết sum họp, đầm ấm, linh thiêng.

Khi trời chưa sáng tỏ, đây đó văng vẳng tiếng suối róc rách, tiếng gió thổi vi vu, tiếng côn trùng, chim rừng kêu rả rích. Cái lạnh tê buốt rít qua từng hồi. Thế nhưng, tất cả đều không làm vơi đi không khí đón Tết của đồng bào nơi đây. Tất cả mọi người trong làng từ trẻ con đến người lớn đều thức dậy từ rất sớm để dự lễ cúng thần. Bốn giờ sáng, mọi lễ vật để dâng lên Nữ thần lúa đã được bày biện tinh tươm. Mọi đồ vật dùng để đựng đồ cúng thần như ly, dĩa, khay… đều được làm bằng nứa, lá chuối rừng. Bởi theo quan niệm của người Cor, cúng thần phải dùng những gì tinh túy nhất, trinh nguyên nhất từ thiên nhiên. Chai rượu cúng cũng được lau đi lau lại nhiều lần cho thật sạch trước khi dâng lên thần.

Già làng Hồ Văn Thuận tuy đã bước qua tuổi 93 nhưng vẫn rất minh mẫn. Trong tư thế chân xếp bằng, già Thuận bắt đầu lời khấn. Tất cả con cháu trong nhà  đứng trang nghiêm, kính cẩn chứng kiến cảnh làm lễ để mong được ban phước. Sau lễ rước Thần lúa tất cả con cháu trong nhà đều được làm phép với mong ước có một năm thật nhiều sức khỏe, may mắn, học giỏi.

Tôi là người ngoài đầu tiên đến dự lễ cúng Thần lúa nên cũng được già Thuận làm phép cho thật nhiều sức khỏe, làm việc tốt…

Sau lễ cúng Thần lúa là lễ cúng Nam thần. Lễ vật là một con heo sống và gà sống. Cúng xong, heo, gà được đem đi giết thịt, luộc chín để cúng ông bà, tổ tiên. 10 giờ 30 phút các nghi thức cúng kết thúc, mọi người trong làng cùng đến nhà nhau ăn Tết, chúc nhau năm tới sẽ lại được mùa, mạnh khỏe, con cháu chăm ngoan…

Phần thi múa giáo của các già làng trong Tết Ngã rạ.
Phần thi múa giáo của các già làng trong Tết Ngã rạ.


13 giờ chiều các thanh niên nam nữ trong làng tề tựu đông đủ trước nhà già làng để tham dự phần hội. Năm nay, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như: Thi vật (Tmớ), bắn nỏ (Pắc Panăng), phóng lao (Xrá), múa giáo (Tà-pít), hát ống (Tlây Klốc)… Và nhiều điệu nhạc mang đậm màu sắc dân tộc Cor như: Đàn đá, đấu chiêng và múa Cà đáo, độc tấu đàn Vró… được biểu diễn. Mở màn phần hội là phần thi múa giáo của các già làng để nhắc nhở con cháu phải luôn tập luyện thân thể, võ nghệ để bảo vệ thôn làng. Vừa tham gia trò chơi, họ vừa học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm. Bởi các trò chơi này luôn gắn liền với đời sống hằng ngày của người Cor. Các già làng thay nhau cầm loa để hướng dẫn và cổ vũ con cháu thi thố tài năng. Các chị, các mẹ, các em nhỏ có dịp vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt.

Kết thúc phần thi các trò chơi dân gian, ai về nhà nấy, xúng xính những bộ áo quần đẹp nhất để chuẩn bị cho đêm văn nghệ. Đây không chỉ là dịp để các già làng trình diễn điệu Xa ju mà còn là cơ hội để các chàng trai thể hiện tài nghệ đấu chiêng, các cô gái thì uyển chuyển trong điệu múa Cà đáo làm say đắm lòng người. Dưới ánh lửa bập bùng, khuôn mặt ai cũng hồng hào, rạng rỡ, chìm đắm trong những điệu nhạc du dương, trầm bổng làm vang dậy cả màn đêm, lan tỏa vào núi rừng, vượt qua con suối, bay về phía đại ngàn… Màn đấu chiêng kết thúc cũng là lúc mọi người chia tay nhau, kết thúc một cái Tết linh thiêng nhưng không kém phần nhộn nhịp, mang đậm màu sắc dân tộc Cor.

Tết Ngã rạ của đồng bào Cor thật sự là một nét văn hóa độc đáo trong nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.


Hồng Hoa  

 


.