Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số

02:02, 23/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, Trà Bồng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện.

TIN LIÊN QUAN
Trà Bồng là mảnh đất cộng cư nhiều dân tộc cùng sinh sống, gồm dân tộc  Kinh, Cor, Hrê, Hoa; ngày nay có thêm dân tộc Mường, Tày. Các dân tộc đoàn kết một lòng, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đồng thời luôn cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, đã kết tinh nên nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là văn hóa  dân tộc Cor.

Trà Bồng nói chung, dân tộc Cor nói riêng có sự giao thoa văn hóa từ rất sớm với các dân tộc Kinh và Hoa thông qua việc buôn bán, trao đổi quế và trầu, đặc biệt là cây quế được xác lập kỷ lục Việt Nam và là 1 trong 8 sản phẩm được chọn làm quà tặng Châu Á. Thông qua việc giao lưu buôn bán đã giúp người Cor Trà Bồng sớm chắt lọc sự giao thoa văn hóa của các dân tộc, đúc kết vào đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc mình, làm giàu thêm vốn văn hóa cổ truyền, thông qua nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ, đặc biệt là trong các lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới...

Hòa nhịp vào cuộc sống ngày nay, đất nước từng bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư khang trang, làm đổi thay diện mạo nông thôn miền núi Trà Bồng. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển là một bộ phận khá lớn thanh niên thờ ơ với bản sắc văn hóa dân tộc mình, không tìm hiểu, không nói tiếng dân tộc mình, không mặc trang phục dân tộc mình trong các lễ hội, không nghe và hát theo những giai điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của dân tộc mình… Một số hộ do điều kiện khó khăn về kinh tế, lại đem bán đi những bộ chiêng quý hiếm mà trước kia ông bà phải đổi mấy con trâu mới mua được 1 bộ chiêng. Hoặc đem bán đi những bộ cườm quý giá, tài sản hồi môn của mẹ để lại cho con gái trước khi xuất giá theo chồng…

 

Múa cồng chiêng-một  nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cor.
Múa cồng chiêng-một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cor.


“Trước thực tế đáng buồn đó, chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trà Bồng ban hành Đề án bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc Cor, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa nhất là, công tác truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ, phục dựng các lễ hội, mô típ nhà sàn truyền thống, điêu khắc…”, ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Trà Bồng, nói.

Triển khai Đề án, huyện Trà Bồng đã tiến hành điều tra về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện, tiến hành truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ. Truyền dạy nghệ thuật điêu khắc trên cây Gurbla, cây nêu trong lễ hội ăn trâu cho 33 thôn trên 7 xã vùng cao. Đầu tư 40 bộ cườm quý, 125 bộ xà bol, 10 đôi chiêng. Xây dựng 15 nhà sinh hoạt cộng đồng theo môtíp nhà sàn truyền thống dân tộc Cor với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng.

Trong  năm 2013, huyện đã tổ chức Ngày hội văn hóa cồng chiêng với 11 đơn vị tham gia thu hút trên 550 diễn viên, nghệ nhân. Ngày hội văn hóa, thể thao và điêu khắc cây Gurbla tại các xã trong huyện thu hút trên 680 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên tham gia. Đáng mừng là đã làm xong và lưu trữ 5 cây Gurbla đường nước và đường rừng, vốn là nghệ thuật điêu khắc tuyệt tác của dân tộc Cor Trà Bồng. Đến nay, toàn huyện  có 36 đội với trên 600 diễn viên, 28 đội nghệ thuật cồng chiêng với gần 700 diễn viên, nghệ nhân. Trong đó, đội nghệ thuật cồng chiêng thôn II, xã Trà Thủy và thôn Bắc xã Trà Sơn là 2 đội điển hình thể hiện tinh hoa nghệ thuật vùng văn hóa đường nước và văn hóa đường rừng dân tộc Cor.

Năm 2013, UBND huyện tiếp tục phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc Cor giai đoạn 2013- 2020, theo đề án của Trung ương và của tỉnh. Đầu tư 500 bộ trang phục, trang sức truyền thống của nam và nữ; các loại trang sức khác, đặc biệt của dân tộc Cor. Xây dựng Làng Văn hóa- Du lịch dân tộc Cor tại thác Cà Đú, xã Trà Thủy, tái hiện lại toàn bộ một góc người Cor nguyên bản như truyền thống cả về nhà ở, nơi tổ chức lễ hội cộng đồng, vườn nhà, vườn rừng, nơi trồng quế, trồng chè, trồng cau, trầu, phục hồi rẫy truyền thống…

Khi được hỏi về những kinh nghiệm để có được những kết quả như trên, ông Tùng không ngại ngần, chia sẻ: Để bảo tồn và phát huy, phát triển nền văn hóa các dân tộc đòi hỏi người làm công tác văn hóa phải có lòng nhiệt huyết. Trong quá trình triển khai cần bám sát các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng; các nghệ nhân dân gian từng địa bàn...

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.