Trà Bồng: Khơi dậy nghệ thuật đấu chiêng

09:11, 18/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cồng chiêng giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Cor ở Trà Bồng, đặc biệt là nghệ thuật đấu chiêng. Trước thực trạng loại hình nghệ thuật này có nguy cơ bị mai một, hơn nửa tháng qua huyện Trà Bồng đã tổ chức lớp truyền dạy đấu chiêng, nhằm khơi dậy, tiếp lửa văn hóa truyền thống, đồng thời duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cor tại địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Lớp truyền dạy đấu chiêng truyền thống được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Trà Bồng. Tham gia lớp học là những học viên được lựa chọn từ 7 xã miền núi, phần lớn số học viên này chưa một lần đánh chiêng, chứ nói gì là đấu chiêng, nhưng gặp và trò chuyện thì thấy họ rất say mê học những bài đấu chiêng. Khuôn mặt ai cũng hăng say, cũng ánh lên sự nhiệt huyết, ham học.

 

Nghệ nhân Hồ Văn Biên hướng dẫn cách Đấu chiêng cho các học  viên.
Nghệ nhân Hồ Văn Biên hướng dẫn cách Đấu chiêng cho các học viên.


Điển hình như Hồ Văn Long, năm nay mới 18 tuổi, khi nghe có lớp truyền dạy đấu chiêng, Long đã xin phép gia đình cho đăng ký tham gia học, vì Long nghĩ đánh chiêng, đấu chiêng là truyền thống, là nét đẹp văn hóa, rất đáng để học tập, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Long hào hứng: "Khi được xã cử đi học lớp đấu chiêng này, em rất tự hào và phấn khởi, mong muốn của em là sau lớp học này có thể về truyền đạt lại cho bạn bè, để bảo tồn vốn văn hóa của dân tộc mình".

Là một nghệ nhân lâu năm của nghệ thuật đấu chiêng, ông Hồ Văn Biên rất phấn khởi khi được tham gia trực tiếp giảng dạy đấu chiêng cho thế hệ sau. Đối với ông, đánh chiêng, đấu chiêng là cái tinh túy, cái hay, cái truyền thống của dân tộc, đáng để mỗi người con của núi rừng học tập và giữ gìn. "Qua lớp đấu chiêng này tôi cảm thấy rất mừng, bởi vì đã truyền dạy cho lớp trẻ phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa của người Cor Trà Bồng; truyền dạy phong cách đấu chiêng để lớp trẻ biết mà luyện tập có sức khỏe và để bảo tồn, giữ gìn văn hóa của người Cor Trà Bồng", ông Hồ Văn Biên chia sẻ.

Đấu chiêng thường diễn ra trong hội làng, khi người Cor đã đưa lúa về chòi và phải theo phát động của già làng là làng ấy thống nhất ngày ăn ngã rạ. Trong sinh hoạt Tết Ngã rạ của người Cor thì có diễn tấu đấu chiêng. Đấu chiêng thể hiện nghệ thuật đặc sắc của con trai trong làng, thể hiện sức mạnh của mình, sức khỏe của mình và cái tài tháo vát nhanh trí, kể cả nghệ thuật diễn tấu. Đây là nét độc đáo riêng của người Cor mà các dân tộc khác không có.   

Những năm gần đây, huyện Trà Bồng không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn đầu tư lớn cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần cho đồng bào. Bước đột phá trong phát triển của văn hóa Trà Bồng chính là Đề án bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc Cor, đã tạo nên một luồng sinh khí mới làm hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor. Và việc khơi dậy nghệ thuật đấu chiêng bằng cách mở lớp truyền dạy đã thể hiện rõ mục tiêu và ý nghĩa thiết thực của đề án tại huyện Trà Bồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng cho biết: "Truyền dạy đấu chiêng là để cho các tầng lớp thanh niên, những người con trai của làng  giữ được nghệ thuật đấu chiêng, cái đặc sắc nhất mà ông bà đã truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu. Trong thời buổi hiện nay, phần lớn thanh niên không quan tâm gìn giữ nghệ thuật chiêng, nên qua đề án này chúng tôi hy vọng thanh niên của 7 xã vùng cao ý thức hơn việc gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc Cor".

Chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã tạo nhiều dấu ấn trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng. Với ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, cụ thể là nghệ thuật đấu chiêng, huyện Trà Bồng đang cố gắng hết mình nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.


Thúy Hằng
 


.