Xây dựng trường học hạnh phúc

09:02, 26/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Yêu thương, an toàn và tôn trọng lẫn nhau giữa các chủ thể trong môi trường sư phạm là những tiêu chí cơ bản để hình thành nên trường học hạnh phúc. Đây cũng là mục tiêu mà nhiều trường phổ thông trên cả nước đang hướng tới.
Tại Quảng Ngãi, Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) là trường đầu tiên đăng ký thực hiện phong trào xây dựng trường học hạnh phúc. Mục tiêu của phong trào này là thầy, cô giáo và học sinh hạnh phúc để tạo nên lớp học hạnh phúc. Niềm hạnh phúc không chỉ ở mái trường, mà còn lan tỏa về gia đình, giúp phụ huynh cũng hạnh phúc.
 
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
 
Giáo dục hiện đại luôn hướng đến mỗi cơ sở giáo dục là một môi trường sư phạm chứa đựng sự yêu thương, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau. Ngôi trường được xem là hạnh phúc khi nhà quản lý, thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh được tương tác với nhau bằng sự thấu cảm. Những mệnh lệnh hành chính, những kế hoạch, thông báo khô khan sẽ thay thế bằng những hoạt động tập thể trong sự đồng thuận. Khi đó, mỗi cá nhân đều cống hiến một cách tự giác. 
Học sinh Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) tham gia ngày hội phát động phong trào xây dựng trường học hạnh phúc.
Học sinh Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) tham gia ngày hội phát động phong trào xây dựng trường học hạnh phúc.
Chia sẻ điều này, thầy giáo Lê Công Tuệ, Trường THCS Nghĩa Thắng cho rằng: “Hạnh phúc trong môi trường sư phạm bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, như lời chào nhau giữa đồng nghiệp hay với học sinh và ngược lại một cách thân thiện, cởi mở. Khi thầy, cô giáo thay đổi tích cực sẽ mang lại hạnh phúc cho học sinh. Cán bộ quản lý thay đổi sẽ tạo hạnh phúc cho giáo viên”.
 
Em Nguyễn Thị Kim Huệ, lớp 7B, Trường THCS Nghĩa Thắng thổ lộ: “Khi đến trường, em mong muốn thầy, cô giáo dành nhiều thời gian để lắng nghe học sinh nhiều hơn. Thầy, cô giáo không nên tạo áp lực về điểm số, mà cung cấp nhiều hơn cho học sinh những kiến thức xã hội, kỹ năng trong cuộc sống bên cạnh những kiến thức có trong sách giáo khoa. Thầy, cô giáo yêu thương học sinh bằng chính trái tim của mình như người cha, người mẹ, thì chúng em sẽ cảm thấy hạnh phúc và luôn háo hức mỗi khi đến trường”.
 
Mỗi nhà giáo khi đến trường mang cả trái tim thương yêu đến với học trò thì sẽ tạo nên ngôi  trường hạnh phúc. Học sinh khi đến trường cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì lúc ấy ngôi trường hạnh phúc được hình thành.
"Trong trường học hạnh phúc không tồn tại những mệnh lệnh hành chính để quản lý, mà phải dùng trái tim và sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để điều hành, quản lý công việc". 
 
Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng NGUYỄN PHÚC LỘC
Vai trò của người đứng đầu
 
Quản lý giáo dục là một lĩnh vực khó và chịu nhiều áp lực bởi mỗi sự thay đổi sẽ tác động trực tiếp đến nhiều người, nhiều tầng lớp. Vì vậy, vai trò của hiệu trưởng trong một cơ sở giáo dục rất quan trọng. Khi xây dựng trường học hạnh phúc, hiệu trưởng phải là người mang lại sự tin yêu đối với mọi người. Quản lý bằng tình yêu thương và sự thấu cảm, sẻ chia sẽ tạo nên một môi trường sư phạm hạnh phúc.
 
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng Nguyễn Phúc Lộc, để tạo ra môi trường hạnh phúc trong trường học, người đầu tiên thay đổi phải là hiệu trưởng. Hiệu trưởng không chỉ là nhà quản lý, nhà giáo, mà còn là nhà tâm lý để hiểu và chia sẻ với cấp dưới, với đồng nghiệp những khó khăn trong cuộc sống, trong công việc để họ an tâm cống hiến. "Hiệu trưởng phải là hạt nhân thu hút được đồng nghiệp. Trong trường học hạnh phúc không tồn tại những mệnh lệnh hành chính để quản lý, mà phải dùng trái tim và sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để điều hành, quản lý công việc", thầy giáo Nguyễn Phúc Lộc bày tỏ.
 
Xây dựng trường học hạnh phúc không có một mô hình nào là hoàn hảo. Sự thành công là do mỗi người trong môi trường ấy cảm thấy hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc. Đây là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.