Xuất khẩu lao động: Hướng thoát nghèo của lao động nông thôn ở Sơn Hà

11:07, 15/07/2012
.

(QNg)- Những năm qua, huyện Sơn Hà đã nỗ lực tuyên truyền vận động thanh niên ở các địa phương tham gia thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nguồn tiền mà họ gửi về đã giúp cho gia đình có nguồn vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống.
 

TIN LIÊN QUAN


Trên thực tế, thanh niên người địa phương, nhất là thanh niên người dân tộc Hrê rất ngại tìm việc làm ở nước ngoài vì thiếu vốn ngoại ngữ cần thiết. Chính vì tâm lý như vậy, nên việc vận động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) những năm đầu thật gian nan. Để đảm bảo chỉ tiêu XKLĐ, huyện Sơn Hà đã  có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác XKLĐ cũng như giải quyết việc làm trên địa bàn. Huyện đã ban hành quyết định "quy định định mức chi hỗ trợ công tác XKLĐ". Theo quy định này, các hoạt động liên quan đến công tác XKLĐ đều được hỗ trợ kinh phí, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ và nhân dân trong huyện nâng cao nhận thức về công tác XKLĐ. Các địa phương có lao động được tuyển chọn đi XKLĐ được tạo điều kiện vay vốn khi có nhu cầu.

Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện Sơn Hà có 328 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung ở các nước như Malaysia, Hàn Quốc. Riêng trong năm 2011, toàn huyện có 48 thanh niên đủ điều kiện XKLĐ. Trong đó, có 45 thanh niên làm việc ở thị trường Malaysia, có mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Qua báo cáo của các địa phương thì từ năm 2008 đến nay số tiền người lao động ở nước ngoài gửi về là 10,7 tỉ đồng.

Chúng tôi về xóm Gò Ren, thôn Gò Da, xã Sơn Linh để tìm hiểu đời sống của các gia đình có con đi XKLĐ nước ngoài. Đây là xóm nghèo, đời sống người dân còn gặp khó khăn. Chính vì vậy việc cho con đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp để cải thiện cuộâc sống gia đình. Ông Đinh Văn Phía, một người dân ở đây có con là Đinh Văn Dục đi XKLĐ ở thị trường Malaysia từ năm 2010 vui vẻ cho hay: Con ông đi được 2 năm, làm nghề gò hàn và gửi về nhà cho gia đình được hơn 100 triệu đồng. Số tiền này ông dùng trả nợ ngân hàng 30 triệu, còn lại là đầu tư làm kinh tế. "Thấy tôi thoát nghèo bà con ở đây ai cũng mừng, nhiều gia đình đã động viên con mình đi xuất khẩu lao động" - ông Phía nói.

Có trường hợp sau khi mãn hạn XKLĐ, lại tiếp tục tìm thị trường mới có thu nhập cao hơn như em Đinh Văn Lật, con ông Đinh Văn Chỏi ở thôn Làng Rí, xã Sơn Giang. Sau 3 năm lao động  ở thị trường Malaysia, Lật gửi về nhà được hơn 150 triệu đồng, gia đình em có điều kiện làm nhà, đầu tư trồng keo và chăn nuôi, gia đình đã thoát nghèo. Về nhà, Lật tiếp tục xin đi học tiếng Hàn và mong muốn được đi XKLĐ tại Hàn Quốc để có nguồn thu nhập cao.

Ông Lữ Đình Ngộ, Phó Phòng Lao động, Thương binh - Xã hội huyện Sơn Hà cho biết: "Phần lớn các gia đình có con tham gia XKLĐ ở nước ngoài đều đã thoát nghèo nhờ nguồn tiền mà con cái họ gửi về. Thấy đời sống của các gia đình có con em đi XKLĐ từng bước được cải thiện, người dân trong vùng đã bắt đầu thay đổi  nhận thức. Qua đó, vận động con em của mình tham gia XKLĐ. Tuy vậy, lao động ở nước ngoài đòi hỏi phải có tay nghề mà thanh niên ở Sơn Hà chỉ là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, yếu tố sức khỏe cũng rất quan trọng, nhưng tình trạng sức khỏe của thanh niên ở các xã vùng cao chưa đạt, chính vì vậy mà công tác XKLĐ ở huyện Sơn Hà chưa đạt theo ý muốân. Năm 2011 chỉ đạt 21,82% chỉ tiêu tỉnh giao".

Năm 2012, huyện Sơn Hà phấn đấu đưa 300 thanh niên tham gia thị trường XKLĐ. Huyện đã giao chỉ tiêu cho từng địa phương, trước mắt đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các gia đình có con em trong độ tuổi 18-35 nâng cao nhận thức, từ đó vận động con em mình đăng ký lao động có thời hạn ở nước ngoài. Phòng Lao động, Thương binh - Xã hội huyện cũng mời các doanh nghiệp có chức năng về các cụm xã để tư vấn cho người lao động về điều kiện, tiêu chuẩn, mức thu nhập, giúp người lao động nắm bắt các thông tin chính xác trước khi ra nước ngoài lao động.


Đức Toàn

 


.