"Chia lửa" với chiến trường Điện Biên

09:05, 07/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãii)- Cùng thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, trên khắp cả nước đã tổ chức nhiều trận đánh góp phần “chia lửa” với chiến trường Điện Biên. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường của quân ta đã buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng, bị động đối phó.

TIN LIÊN QUAN

Trong không khí cả nước hướng đến kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã được gặp các cựu chiến binh trực tiếp tham gia các trận đánh nhằm góp phần “chia lửa” với chiến trường Điện Biên. Trong cái nắng như lửa đốt đầu mùa hạ, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Đinh Xuân Hùng (85 tuổi, ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa). Bên ấm nước chè xanh, ông cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt ở chiến trường Hạ Lào. Cái khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc khiến ông chẳng thể nào quên. Mỗi lần nhắc đến ký ức thời quân ngũ, ông sôi nổi, hừng hực khí thế quyết chiến quyết thắng như thể cách đây 60 năm.

 

CCB Đinh Xuân Hùng (thứ 3, từ  trái sang) cùng đồng đội nhớ lại những trận đánh “chia lửa”, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
CCB Đinh Xuân Hùng (thứ 3, từ trái sang) cùng đồng đội nhớ lại những trận đánh “chia lửa”, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.


Cuối năm 1953, ông Hùng và đồng đội ở Tiểu đoàn 436 (thuộc Trung đoàn 101) được lệnh hành quân từ phía tây Nghệ An vào chiến khu Quảng Trị, đến căn cứ Hạ Lào làm nhiệm vụ tập kích đánh phá các đồn, bốt của Pháp nằm dọc biên giới Việt – Lào. Cuộc hành quân ròng rã, ngày đi đêm nghỉ, đi theo lối mòn của đồng bào dân tộc thiểu số. “Tôi không thể nhớ hết đơn vị mình đã vượt qua bao nhiêu con sông, con suối, trèo qua bao nhiêu dốc núi trơn trượt, rêu phong chưa có dấu chân người. Băng núi, vượt rừng gần hai tháng trời, cuối cùng tiểu đoàn cũng đến căn cứ ở Hạ Lào”, ông Hùng nói. Chiến thắng trận đầu trên đất bạn diễn ra ở cứ điểm Pui. Đây là cứ điểm quan trọng bảo vệ vòng ngoài của địch.

 Đến tháng 2.1954, đơn vị của ông tiến về cao nguyên Bô-lô-ven, truy kích và tiêu diệt các đồn bốt của Pháp và giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven. Cuối tháng 3.1954, Tiểu đoàn 436 tiếp tục tiến công từ Hạ Lào sang Đông Bắc Campuchia, tiêu diệt các cứ điểm của Pháp. Ông Hùng kể: “Đến trung tuần tháng 3.1954, đang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia thì nhận được thông báo của Bộ Tổng tư lệnh là ta đã đánh Trần Đình (mật danh chiến dịch Điện Biên Phủ). Lúc này tôi mới hiểu là nhiệm vụ thọc sâu của đơn vị mình nhằm mục đích phối hợp, chia lửa với chiến dịch Điện Biên. Biết đánh để chia lửa với chiến trường Điện Biên anh em càng vui mừng, càng có khí thế đánh giặc. Đến chiều ngày 7.5.1954, bọn tôi nghe tin Điện Biên Phủ chiến thắng, mình bắt được tướng Đờ-Cát, thấy vui ghê gớm…”.

Với cựu chiến binh Phạm Trĩ (ở phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, thuộc Trung đoàn 803 - một trong hai trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 được lệnh đến khu vực đèo An Khê để phối hợp với các đơn vị đánh quân Pháp. Trận đánh tại đường số 14 (giữa tỉnh Gia Lai và Bình Định) không cho Trung đoàn chủ lực của Pháp xuống Bình Định đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Đây là trận đánh mà đơn vị ông tiêu diệt và bắt sống nhiều lính Pháp nhất và cũng là trận đánh Pháp cuối cùng của ông và đồng đội. Ông Trĩ nhớ lại: “Biết là lính Pháp chuẩn bị hành quân xuống Bình Định rồi ra Điện Biên, chúng tôi phục kích tiêu diệt ngay. Tiêu diệt có, bắt sống có, thu được rất nhiều súng. Nghe tin Điện Biên Phủ toàn thắng anh em chúng tôi mừng ghê lắm, không nghĩ đó là trận cuối cùng mình đánh Pháp”.

Mặc dù không trực tiếp tham gia tại mặt trận Điện Biên Phủ, thế nhưng với ông Hùng, ông Trĩ cũng như nhiều cựu chiến binh khác, những trận đánh “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ sẽ mãi là ký ức hào hùng.

Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.