Ký ức hào hùng của người lính Điện Biên năm xưa

10:05, 06/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù 60 năm đã trôi qua, với biết bao biến cố, thăng trầm, nhưng đối với Đại tá Lê Liêm - Cựu chiến binh trong kháng chiến chống Pháp vẫn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bên bác Liêm, chúng tôi như được trở lại từng trang ký ức về những năm tháng hào hùng của những trận đánh ở Điện Biên Phủ năm xưa…

TIN LIÊN QUAN

…Theo tiếng gọi non sông

Trong ngôi nhà nhỏ ở tổ dân phố số 6, thị trấn Đức Phổ, dù phải nằm một chỗ, nhưng Đại tá Lê Liêm (90 tuổi), nguyên Đại đội phó Đại đội Pháo binh 37 ly vẫn nhớ như in thời khắc ông cùng các chiến sĩ pháo binh đánh đồi Him Lam, góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" tháng 5.1954. Để hạ cứ điểm Him Lam, ông cùng đơn vị phải kéo pháo vào, ra, rồi thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã làm nên chiến thắng vang dội khiến thế hệ trẻ chúng tôi rất cảm phục.

 

Dù tuổi cao, nhưng  Đại tá Lê Liêm vẫn nhớ như in thời khắc ông cùng các chiến sĩ pháo binh đánh đồi Him Lam…
Dù tuổi cao, nhưng Đại tá Lê Liêm vẫn nhớ như in thời khắc ông cùng các chiến sĩ pháo binh đánh đồi Him Lam…


Đại tá Liêm sinh năm 1924, tại một vùng quê nghèo thuộc xã Phổ Minh (Đức Phổ) nhưng giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Ông nói, dưới chế độ cũ bị thực dân Pháp đô hộ người dân mình khổ lắm, nỗi lo sợ luôn rình rập, sợ nhất là mùa thuế khóa, bắt lính, khiến người dân phải bỏ làng quê đi nơi khác làm thuê, ở đợ kiếm sống... Chứng kiến cảnh sống lầm than, nô lệ ấy đã thôi thúc ông thêm khát vọng tự do, độc lập và ý chí, lòng căm thù giặc sâu sắc.

Tháng 2 năm 1945, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Quảng Ngãi. Năm 1946 ông tham gia xây dựng E120 - Tây Nguyên rồi thăng cấp Trung đội phó Trung đội súng máy 12 ly 7 và 20 ly cao xạ phòng không thuộc Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 108 Quân khu 5. Năm 1951 ông ra Bắc, rồi sang Trung Quốc học pháo cao xạ 37 ly, đến năm 1953 được bổ nhiệm Đại đội trưởng cao xạ 37 ly d3 E367 BTL351, sau đó tiến quân vào Điện Biên và gắn bó với sự nghiệp nhà binh đến năm 1981…

Đại tá Lê Liêm kể: Đầu năm 1953, từ địa điểm tập kết, chúng tôi được lệnh kéo pháo vào trận địa. Mỗi khẩu pháo nặng 2,5 tấn, nòng vươn cao, đường đi lại dốc, có nơi dốc cao đến 60 độ. Cuộc hành quân đưa những khẩu pháo 2,5 tấn qua bao đèo dốc, núi cao, vực sâu là bản hùng ca của bộ đội cao xạ mà không bao giờ ông quên được. Mỗi khẩu pháo phải huy động cả đại đội kéo, dùng dây rừng để làm tời, có 4 người làm nhiệm vụ chặn 4 bánh xe pháo. Kéo pháo nặng nề khó khăn như vậy, lại thường xuyên bị máy bay và pháo địch cản trở nên di chuyển rất chậm, nhích từng chút một.

"Tháng 1.1954, sau khi kéo pháo vào trận địa, chúng tôi chỉ còn chờ lệnh tấn công; thế rồi lại được lệnh... kéo pháo ra. Kéo vào đã khổ, kéo pháo ra còn khổ hơn. Ai cũng thắc mắc, sau này mới biết chúng ta chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Có thể nói, nhờ quyết định sáng suốt đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi mới còn sống đến ngày hôm nay, Đại tá Liêm cho biết.

Ký ức hào hùng

Sau hai tháng củng cố đội ngũ, đơn vị của ông lại được lệnh kéo pháo vào trận địa. Ông Liêm kể: “Chiều 13.3.1954, chiến dịch mở màn, chúng tôi nhận lệnh: Hôm nay chúng ta đánh Điện Biên Phủ. Đêm đó chúng tôi đánh cứ điểm Him Lam, cùng với pháo 105 ly, hỏa lực 37 ly bất ngờ giáng lên đầu kẻ thù những luồng đạn lửa khiến quân địch khiếp sợ. Ban đầu máy bay thả dù tiếp tế cho quân địch bay khá thấp, sau đó bị quân ta “bắn rát” nên càng ngày bay càng cao; thậm chí có đợt chúng thả đồ tiếp tế sang bộ đội ta. Chiều 14.3.1954 và những ngày tiếp theo, đơn vị của ông bắn rơi và phá hỏng nhiều máy bay địch. Đánh thắng trận Him Lam, đơn vị tiếp tục tấn công đồi Độc Lập và nhiều trận địa khác… Trong 55 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đơn vị của ông cùng Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã bắn rơi và làm hư hỏng nhiều máy bay của Pháp…

Giờ đây, trong trí nhớ ông Liêm vẫn in đậm tinh thần chiến đấu sục sôi của đồng đội, dù phải đối mặt với nhiều gian khổ, thiếu thốn. Ông bảo: Chiến đấu liên tục, không được nghỉ ngơi, ăn uống kham khổ nhưng mọi người đều đồng lòng, hăng hái. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1962, ông trở về Nam phụ trách Đại đội pháo 12 ly 7, Quân khu 5. Tham gia kháng chiến chống Mỹ ở khu tây Quảng Nam - Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai… Những năm kháng chiến chống Mỹ, đơn vị của ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, gây thiệt hại nặng cho quân địch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1981 ông nghỉ hưu với cấp bậc đại tá.

Hơn 36 năm làm cách mạng và công tác trong quân ngũ, cuộc đời hoạt động của ông trải qua nhiều thăng trầm. Đặc biệt, người con trai cả của ông theo tiếng gọi của cách mạng, lên đường cầm súng đánh Mỹ và hy sinh ở mặt trận Khánh Hòa. Năm 1969, người vợ đầu của ông bị địch bắt và giết hại khi đang hoạt động cách mạng ở vùng Trà Câu. Người vợ sau - người đã cùng ông lăn lộn khắp chiến trường từ năm 1965 đến 1975 rồi nên duyên vợ chồng với ông sau ngày giải phóng…

Cuộc chiến qua đi đã hàng chục năm, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn sống mãi trong trái tim người cựu chiến binh Lê Liêm và dân tộc ta. Đó là niềm tự hào, là ý chí của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khao khát độc lập, làm nên tượng đài vĩnh cửu trong lòng các thế hệ người dân Việt Nam.


Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.