Trứng ốc bươu vàng "nhuộm hồng" đồng ruộng

10:12, 04/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Thời gian đồng ruộng nghỉ giữa hai vụ sản xuất hè thu và đông xuân dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng (OBV) sinh sôi nảy nở. Hiện nay, trứng OBV "nhuộm hồng" cả đồng ruộng.
[links()]
 
                  Ra quân diệt ốc trước khi vào vụ mới
 
Những ngày qua, khi nước mưa tích trữ trên đồng ruộng vơi dần, nhiều nông dân đã ra đồng tìm diệt ổ trứng, thu lượm OBV trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Chị Nguyễn Thị Nông, ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) cho biết, chưa có vụ nào OBV lại xuất hiện trên đồng ruộng nhiều như vụ này, ổ trứng “nhuộm hồng” cả đồng ruộng.
 
Ốc sinh sôi nảy nở lúc này chưa gây hại cho cây lúa vì chưa gieo sạ vụ mới. Nhưng nếu không diệt ổ trứng, diệt ốc thì chúng sinh sôi, vùi sâu dưới đất thì sẽ gây hại cho cây lúa khi gieo sạ vụ mới.
 
Trứng ốc, ốc bươu vàng đang dày đặc trên đồng ruộng.
Trứng ốc bươu vàng dày đặc trên đồng ruộng.
“Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp để diệt ốc như: thả vịt ra đồng; cắt cây lúa chét có ổ trứng, bắt ốc về cho gà, vịt ăn, thậm chí phun thuốc diệt ốc, nhưng diệt không xuể”, chị Nông nói. 
 
Lão nông Nguyễn Văn Thạnh, ở thôn Điện An 4, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cũng thường xuyên ra đồng tìm diệt ổ trứng, bắt OBV về cho đàn vịt ăn. Ông Thạnh cho biết, vụ đông xuân năm trước, nông dân khốn khổ vì OBV. Xuống giống khoảng 15 ngày sau là ruộng lúa dày đặc ốc. Cây lúa bị ốc cắn phá nên nhiều nông dân phải gieo sạ lại. 
 
Không chỉ cắn phá cây lúa, ốc còn bò lên ruộng rau màu cắn phá nhiều cây trồng. Rút kinh nghiệm những vụ trước, vụ này, nhiều nông dân đã đồng diệt ốc trước khi xuống giống lúa vụ đông xuân.
 
Trứng ốc bươu vàng.
Một con ốc bươu vàng cái có thể đẻ từ 200 - 500 trứng.
“OBV là loại sinh vật gây hại có sức sống mãnh liệt nhất. Mùa hè, ruộng đồng khô khốc nó vẫn sống khỏe. Biện pháp hiệu quả nhất là tìm diệt ổ trứng trước khi chúng nở ra thành ốc con. Thấy chỗ nào có ổ trứng, tôi ngắt vùi dưới bùn”, ông Thạnh chia sẻ.
 
                                 Khuyến khích dùng các biện pháp thủ công
 
OBV là loại sinh vật gây hại nguy hiểm cho cây trồng. Lâu nay, hầu hết nông dân chỉ chú trọng đến thu lượm ốc trên đồng ruộng hoặc dùng thuốc bảo vệ thực vật để diệt ốc mà ít quan tâm đến những ổ trứng màu hồng trên ruộng lúa, bờ cỏ, bờ mương.
 
OBV là loài “mắn đẻ”, một con ốc cái có thể đẻ từ 200 - 500 trứng. Trong  7 - 14 ngày thì trứng có thể nở thành ốc con. Sau 70 - 100 ngày, ốc con lại trưởng thành và sinh sản như chu kỳ của ốc mẹ.
 
Ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai gây thiệt hại đáng kể với cây lúa.
Ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai gây thiệt hại đáng kể cho cây lúa.
 

“Trước khi bước vào vụ sản xuất đông xuân, nông dân nên ra đồng thu lượm trứng và cày vùi lúa chét. Diệt OBV nên dùng biện pháp thủ công, thu gom trứng, ốc về cho gà, vịt ăn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trường hợp sử dụng thuốc phải thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên bao bì”

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung LƯƠNG ANH TUẤN

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung Lương Anh Tuấn, thời gian qua, vì mưa, lũ kéo dài, lượng ốc sinh sôi lớn, lây lan nhanh. Hiện OBV chưa gây hại trên đồng ruộng vì chưa vào vụ sản xuất mới, nhưng khi xuống giống vụ đông xuân, ốc sẽ gây hại.

Nông dân có thể dùng lưới mắt cáo bằng kim loại hoặc phên tre chặn ở đầu cống, mương nước chảy vào ruộng để ốc tụ tập về đây, tiến hành thu gom ốc 2 ngày/lần trước và sau gieo sạ.
 
Nông dân cũng có thể dùng lá khoai lang, rau muống làm bẫy dẫn dụ trên ruộng để nhử ốc trồi lên, thu lượm vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi xuống giống, nông dân thả nước vào ruộng, tiếp tục thu gom để giảm thiệt hại. 
 
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.