Thiếu đội ngũ thú y thủy sản ở cơ sở

03:12, 02/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng. Ngày càng có nhiều hộ dân đầu tư phát triển nuôi tôm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là tôm thẻ chân trắng thường bị dịch bệnh, nhưng lại không có thú y thủy sản ở cơ sở. 
[links()]
 
Trong số các loại thủy sản nước lợ được nuôi trồng, tôm thẻ chân trắng rất dễ mắc bệnh, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Theo các hộ dân,  nếu tôm mắc hai loại bệnh trên thì bị thiệt hại từ 50 - 70%, thậm chí mất trắng. “Việc điều trị bệnh ở tôm rất khó. Chỉ cần một con bệnh thì cả hồ bị nhiễm. Khi phát hiện tôm bệnh, mình xử lý rất nhanh, nhưng vẫn không cứu được, tôm vẫn cứ chết”, ông Nguyễn Văn, chủ hồ tôm ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức), cho biết. Dù đã nuôi tôm trên 20 năm, nhưng ông Văn cũng nhiều lần lao đao vì tôm bị bệnh chết trắng hồ. Không chỉ ông Văn, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần vì dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
 
Toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhưng lực lượng thú y thủy sản cơ sở lại thiếu trầm trọng.
Toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhưng lực lượng thú y thủy sản cơ sở lại thiếu trầm trọng.
Ngoài điều kiện thời tiết, xử lý môi trường ao nuôi chưa tốt, chất lượng tôm giống chưa đảm bảo... thì một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên tôm thấp chính là do không có cán bộ thú y thủy sản cơ sở, hoặc nếu có thì không đáp ứng trình độ chuyên môn. “Phát hiện tôm có biểu hiện bệnh, tôi báo cán bộ thú y xã, nhưng họ chỉ kiểm tra, chứ không có khả năng chẩn đoán hoặc hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả”, một chủ hồ tôm ở huyện Mộ Đức thở dài. 
 
Hầu hết các chủ hồ tôm tự học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tự điều trị khi tôm có biểu hiện bệnh. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT),  việc “bắt bệnh và điều trị” cho các đối tượng thủy sản rất khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Dù đã được đào tạo, tập huấn, nhưng phần lớn cán bộ thú y cấp xã không đáp ứng trình độ chuyên môn thú y thủy sản.
 
Toàn tỉnh hiện có gần 1.600ha thủy sản nuôi trồng các loại, trong đó nuôi biển khoảng 60 bè (gần 1.000 lồng), thủy sản nước lợ đạt 560ha (riêng tôm thẻ chân trắng là 467ha). Trong 10 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản nuôi đạt 7.268 tấn (tăng 9,1%), trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng ước gần 800 tấn. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện chỉ có 1 cán bộ thú y chuyên ngành thủy sản làm việc tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Do đó, không thể quán xuyến việc theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh thủy sản.
 
Cán bộ thú y thủy sản cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản phát hiện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, nói không với sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc hóc-môn kích thích tăng trưởng, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, cũng như nâng cao giá trị tôm.
 
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Thuận, cần thiết phải kiện toàn và củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở, trong đó có thú y thủy sản, nhằm giúp các cơ sở nuôi trồng thủy sản phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nâng cao hiệu quả sản xuất. Lâu nay, do thiếu thú y thủy sản cơ sở nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng người nuôi “giấu dịch”. Thực tế ở hầu hết các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có tình trạng khi tôm mắc bệnh ở giai đoạn gần thu hoạch, chủ hồ giấu bệnh để bán rẻ cho thương lái. Điều này không chỉ gây phát tán mầm bệnh ra môi trường, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật theo Luật Thủy sản.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.