Giữ nghề trồng dâu nuôi tằm

02:01, 28/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Qua bao thăng trầm, nghề trồng dâu nuôi tằm hơn 150 năm tuổi ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) vẫn được gìn giữ. Bởi trong tâm khảm người dân nơi đây, nghề truyền thống này cha ông đã dày công gầy dựng nên “một đồng, một giỏ không bỏ nghề dâu”. Để rồi, giờ đây, những nương dâu vẫn xanh ngát, bạt ngàn bên dòng sông Vệ nặng trĩu phù sa.
[links()]
Nặng lòng với nghề 
 
Theo chân Trưởng thôn Phú An Phan Bé ra thăm cánh đồng dâu, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự trù phú, tươi xanh của những thửa dâu do người dân cần mẫn chăm sóc. Đâu đó, giữa khoảng không xanh thẳm của đất trời, thời tiết mát mẻ của những ngày đầu tháng Chạp, xen lẫn tiếng cuốc đất là tiếng trò chuyện của các bà, các mẹ. Ông Bé cho biết: “Bãi bồi Phú An quanh năm phù sa màu mỡ, nên ông bà ngày trước đã tận dụng vùng đất này để trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Chúng tôi noi gương tiền nhân tiếp tục đưa nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Diện tích đất trồng dâu ở đây gần 20ha”. 
Cánh đồng dâu xanh mướt được người dân xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chăm sóc, gìn giữ.
Cánh đồng dâu xanh mướt được người dân xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chăm sóc, gìn giữ.
Hơn một năm nay, ông Lê Văn Ba (81 tuổi) đã giao ruộng dâu, nong tằm cho con gái Lê Thị Hải, nhưng ông vẫn nhớ nghề và theo phụ con gái chăm sóc tằm. Ông Ba tâm sự: “Lớn tuổi nên con cái không cho tôi thức khuya dậy sớm nuôi tằm cực nhọc, vì thế tôi đành giao lại cho con. Tôi thấy vui vì nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn còn truyền nhân. Thỉnh thoảng vào ban ngày, tôi vẫn phụ con gái phơi lá dâu, cho tằm ăn, nhìn tằm thay đổi từ trứng tằm đến lúc lên bủa kết kén, ươm tơ để cho đỡ nhớ nghề”.
 
Nhớ về những năm tháng theo mẹ ra đồng dâu, bà Lê Thị Bảy hồi tưởng: "Vẫn tại nơi này đến mùa thu hoạch, đám trẻ con cũng theo phụ cha mẹ hái lá dâu. Bởi có nhiều ký ức vui vẻ với nghề nên tôi luôn gắn bó và trồng 8 sào dâu để nuôi tằm". 
 
Khổ cực mà vui
 
Dù bảo nghề trồng dâu, nuôi tằm "cực lắm", nhưng bao năm qua, bà Nguyễn Thị Như Ái vẫn miệt mài thức khuya, dậy sớm theo dõi quá trình sinh trưởng đến thời kỳ nhả tơ gầy kén của tằm. Bởi nghề này đối với bà đã trở thành nghiệp. Chứng kiến bố mẹ tôi thay phiên cho tằm ăn, quan sát tằm tạo kén... tôi lại thấy hấp dẫn. Lớn lên tôi nối gót theo nghề trở thành đời thứ năm trong gia đình giữ nghề trồng dâu, nuôi tằm”, bà Ái chia sẻ. 
 
Theo người dân nơi đây, trong một năm, họ dành 9 tháng để nuôi tằm, với mỗi chu kỳ từ trứng đến khi tằm thành kén khoảng 20 - 23 ngày. Mỗi công đoạn chăm tằm đều quan trọng. Tằm ưa môi trường sạch sẽ nên lá dâu phải sạch, ráo nước. Do đó, họ phải tỉ mỉ hái từng lá dâu đem về phơi ráo. Sau đó, tùy vào giai đoạn độ tuổi của tằm mà xắt lá dâu nhỏ hay lớn. Khi tằm ở giai đoạn trưởng thành gần kết kén thì để nguyên lá dâu cho tằm ăn. Với 3 tháng còn lại trong năm, từ tháng 10 - 12 âm lịch, người nuôi sẽ dành thời gian này cải tạo cây dâu, dọn dẹp vệ sinh khu vực nuôi nhằm chuẩn bị vụ  nuôi kế tiếp... 
 
Sau một kỳ chăm sóc, 1 hộp trứng sẽ nở ra 17, 18 nong tằm và cho ra 40kg kén. Mỗi hộ thường nuôi từ 1,5 - 2 hộp trứng tằm. Hiện nay, giá kén dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, nên bình quân người dân có thu nhập ổn định từ 4 - 8 triệu đồng/tháng.
Chính quyền đồng hành cùng nông dân
 
Theo Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Đoàn Ngọc Hùng, địa phương rất phấn khởi khi người dân vẫn giữ nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống. Những năm qua, chính quyền luôn nỗ lực đồng hành cùng người dân tìm đầu ra, để họ yên tâm giữ nghề. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục xây dựng những phương án, hướng đi mới để giữ vững nghề trồng dâu nuôi tằm mà ông cha trao truyền.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 
 
 
 
 

.