Phát triển bền vững: Chặng đường còn lắm gian nan (Kỳ 2)

03:06, 21/06/2020
.
Kỳ 2: Trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại - mục tiêu còn xa
 
(Báo Quảng Ngãi)- Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành công nghiệp (CN). Tận dụng cơ hội đó, Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp (DN), tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chặng đường về đích cho mục tiêu sớm trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại vẫn còn xa đối với Quảng Ngãi...
Xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, nên chủ trương phát triển CN được coi là bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của Quảng Ngãi. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, xác định, phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh CN, nhưng kết quả thực hiện không đạt như kỳ vọng. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển CN là một trong ba nhiệm vụ đột phá, nhưng lần này không xác định thời gian cụ thể để hoàn thành mục tiêu đó, mà chỉ nhấn mạnh "sớm trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại". 
 
Để hoàn thành mục tiêu đó và phát triển ngành CN Quảng Ngãi theo hướng bền vững và hiệu quả, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển CN trong năm 2020 như: Tiếp tục tập trung thực hiện Kết luận số 18-KL/TU ngày 19.4.2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển CN giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành CN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển CN hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
 
Thành tựu từ bước đột phá
 
Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn trong phát triển CN, vì hội tụ hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi; hệ thống cảng biển nước sâu có thể đầu tư trở thành cảng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Tận dụng lợi thế đó, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, ngành CN Quảng Ngãi đã có bước phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất CN của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 4,58%/năm (nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì tăng bình quân 25,73%/năm), nhờ có sản phẩm CN mới thuộc dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất, với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 60.000 tỷ đồng và đã cho ra sản phẩm trong năm 2019; dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành vào quý III/2020. 
Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi thời gian qua phụ thuộc rất lớn vào  hoạt động của NMLD Dung Quất.                                 Ảnh: P.Danh
Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi thời gian qua phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của NMLD Dung Quất. Ảnh: P.Danh
Các sản phẩm của Công ty Doosan Vina (KKT Dung Quất) cũng đã vươn tầm ra thị trường thế giới (xuất khẩu đi 35 quốc gia trên thế giới), mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quảng bá tiềm năng, lợi thế trong phát triển CN của Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút được 696 dự án đầu tư còn hiệu lực (gồm: 633 dự án đầu tư trong nước và 63 dự án FDI), trong đó có 340 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 51.000 lao động. Kết quả đó đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi.
 
Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 54.906 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với năm 1989 (thời điểm mới tái lập tỉnh). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm và vượt mức 33 triệu đồng/người vào năm 2018. Tổng thu ngân sách năm 1989 là 16 tỷ đồng (chủ yếu thu từ các DN quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp), nhưng đến cuối năm 2019 thì thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 20.000 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành CN... 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân, giai đoạn 2016 - 2020, là 6 - 7%. Tuy nhiên, dự kiến kết quả sau 5 năm thực hiện chỉ đạt khoảng 5,62%/năm. Tại KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh còn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh phải có giải pháp xử lý dứt điểm, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án...
Công nghiệp địa phương phát triển chậm
 
Tận dụng cơ hội và lợi thế để phát triển nhanh và bền vững ngành CN địa phương là phương châm lãnh đạo xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua. Bởi lẽ, Quảng Ngãi có CN mía đường và sau đường hình thành từ rất sớm, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Cũng từ đây mà KCN Quảng Phú ra đời, tiếp đó là KCN Tịnh Phong, KKT Dung Quất, Khu VSIP Quảng Ngãi và hàng loạt Cụm CN ở các huyện, thị xã ra đời... Tuy nhiên, đến nay ngành CN địa phương phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Minh chứng cho điều này là, nền kinh tế của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của NMLD Dung Quất; trong tổng thu ngân sách của tỉnh trong năm 2019 trên 20.000 tỷ đồng thì nguồn thu từ hoạt động của NMLD Dung Quất chiếm phần lớn. 
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ có tình trạng trên là do ngành CN địa phương có quy mô vừa và nhỏ; công nghệ còn lạc hậu; chủ yếu gia công và xuất khẩu thô, nên hàm lượng giá trị kinh tế không cao, khó cạnh tranh khi tham gia xuất khẩu. Công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, song số dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, tăng vốn đầu tư, hoặc thực hiện hết số vốn đăng ký đầu tư ban đầu... thì không nhiều.
 
Đến ngày 31.12.2019, chỉ có 340/696 dự án đi vào hoạt động, còn lại đang triển khai đầu tư và dừng triển khai; số vốn đầu tư đạt 58,84% so với vốn đăng ký đầu tư (198.800 tỷ đồng/336.494 tỷ đồng), trong đó có nhiều dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ; kinh doanh bất động sản... 
Trạm xử lý lý nước thải ở KCN Quảng Phú bị quá tải, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.                                     Ảnh: L.Đức
Trạm xử lý lý nước thải ở KCN Quảng Phú bị quá tải, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: L.Đức
Bên cạnh đó, một số KCN, KKT, Cụm CN... có một giai đoạn phát triển “nóng”, trong khi cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào chưa đảm bảo, nhất là hệ thống xử lý nước thải; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện dứt điểm, đời sống người dân trong vùng dự án chưa được quan tâm đúng mức... nên đã để lại nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự và vấn đề an sinh xã hội. Điển hình là Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất; tình trạng ô nhiễm môi trường ở KCN Tịnh Phong, Cụm CN Tịnh Ấn Tây... Còn Dự án Khu đô thị - công nghiệp Dung Quất (do Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư) cũng được kỳ vọng trở thành động lực cho ngành CN Quảng Ngãi đột phá, nhưng sau hơn ba năm khởi công đến nay vẫn còn là bãi đất trống...
 
Vậy nên, bóng dáng của một tỉnh CN theo hướng hiện đại vẫn còn rất xa, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh thì mục tiêu đó mới sớm thành hiện thực. 
Chậm hình thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia
 
KKT Dung Quất được xác định là một trong các trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, nhưng tiến độ triển khai quá chậm, hiện tại mới có 2 nhà máy sản xuất các sản phẩm chủ yếu là xăng, dầu, hạt nhựa PP... nên chưa tạo được sự tác động lan tỏa, làm động lực để thu hút các nhà đầu tư vệ tinh. Trong khi đó, các dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; các dự án điện khí, dự án sản xuất giấy... triển khai không đúng tiến độ.

 

P.DANH - M.HOA - L.ĐỨC
------------
Kỳ cuối: Phát triển bền vững - Đâu là giải pháp
 
 
 
 
 
 
 
 

.