Sớm tìm 'tiếng nói chung' để đưa chợ Chùa vào hoạt động

03:06, 21/06/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Mặc dù được xây dựng khang trang, sạch đẹp nhưng mấy tháng qua, chợ Chùa, tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) vẫn trong tình trạng ‘cửa đóng then cài’. Nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương và các tiểu thương chưa tìm được ‘tiếng nói chung’ liên quan đến việc tổ chức đấu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.
Để thay thế cho chợ cũ đã xuống cấp và đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa và góp phần phát triển KT- XH địa phương, UBND huyện Nghĩa Hành đã đầu tư gần 26 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để xây dựng chợ Chùa mới trên mặt bằng hiện có của chợ cũ.
 
Chợ Chùa mới được xây dựng có quy mô chợ hạng II, tổng cộng có 284 lô, sạp, kiốt được xây dựng theo  4 dãy. Trong đó dãy kiốt có 34 lô; 1 khu nhà lồng có 160 lô sạp; 1 khu bán hàng tươi sống có 45 lô, sạp; 1 khu bán hàng rau, củ, quả có 45 lô. Ngoài ra, còn có 95 điểm kinh doanh ngoài trời; 2 nhà để xe và các công trình phụ trợ khác.
 
Chợ được xây dựng hoàn thành vào tháng 3.2020, theo kế hoạch, tháng 5.2020 sẽ thực hiện đấu giá, bố trí, sắp xếp các hộ tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ tạm vào chợ mới để kinh doanh. 
 
Tuy nhiên, đến nay, việc đấu giá vẫn chưa thể thực hiện. Nguyên nhân chính là giữa tiểu thương và chính quyền địa phương chưa tìm được ‘tiếng nói chung’ liên quan đến việc tổ chức đấu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; đồng thời, các tiểu thương "chê" thiết kế chợ mới không phù hợp, nên nhiều người không nộp hồ sơ đấu giá.
 
Chợ Chùa mới xây dựng khang trang nhưng đang trong tình trạng đóng cửa chưa thể đi vào hoạt động
Chợ Chùa mới xây dựng khang trang nhưng đang trong tình trạng đóng cửa chưa thể đi vào hoạt động
 
Chị Lê Thị Thủy-  một tiểu thương buôn bán giày dép tại chợ tạm cho biết: “Trước khi xây dựng chúng tôi không biết gì về thiết kế của chợ mới. Khi chợ mới hoàn thành, chúng tôi được mời vào tham quan thì ai cũng bất ngờ về thiết kế các lô sạp bên trong nhà lồng, khoảng cách giữa các lô, sạp, lối đi cũng rất hẹp, gây ảnh hưởng đến việc buôn bán."
 
Theo chị Thủy, trong nhà lồng có rất ít lô, sạp có chiều ngang 3m, còn lại đều là các sạp có bề ngang 1,4m. Với những sạp có mặt diện nhỏ, nếu muốn trưng bày hàng hóa bắt mắt thì phải đấu giá được 2 sạp cạnh nhau. Nhưng để làm được như vậy không dễ, bởi có nhiều tiểu thương cùng nộp hồ sơ vào một lô sạp, nên nguy cơ mình đấu giá được sạp này nhưng không được sạp bên cạnh là rất cao. Không chỉ vậy, nếu tiểu thương nào đấu giá được 2 sạp cạnh nhau thì giữa 2 sạp vẫn bị chắn bởi một chiếc trụ, gây mất mỹ quan.
 
Tiểu thương cho rằng diện tích các lô sạp tại chợ chưa phù hợp
Tiểu thương cho rằng diện tích các lô sạp tại chợ chưa phù hợp
 
Còn tiểu thương Ngô Thị Mỹ lại cho rằng, ai cũng muốn đấu giá được sạp tại vị trí đẹp để thuận lợi buôn bán, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để đấu giá. Do đó, chúng tôi mong chính quyền cần có những cơ chế ưu tiên cho các tiểu thương lâu năm.
 
"Với giá khởi điểm là hơn 60 triệu đồng/sạp đối với những sạp có chiều ngang 1,4m (thời gian sử dụng 16 năm), các tiểu thương đều muốn đấu được 2 sạp cạnh nhau nên sẽ phải nâng giá lên cao, mà cao quá thì không có đủ tiền để đóng, trong khi buôn bán chỉ là nhỏ lẻ”, chị Mỹ bày tỏ.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tiểu thương cũng kiến nghị và đề xuất mong muốn ưu tiên cho các hộ tiểu thương đã và đang kinh doanh tại chợ cũ và chợ tạm hiện nay bằng cách sắp xếp, bố trí lô sạp trước, sau đó mới tổ chức cho các hộ tiểu thương đăng ký mới tham gia đấu giá. 
 
Người dân lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán tại chợ tạm nằm kế bên chợ Chùa mới
Người dân lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán tại chợ tạm nằm kế bên chợ Chùa mới
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho rằng, thiết kế chợ Chùa đã được các cấp thẩm quyền thông qua. Sau khi phân lô, sạp chính quyền cũng mời tiểu thương vào tham quan và họ đều thống nhất cao việc này. Hiện có một số tiểu thương có ý kiến và UBND huyện đã giao các phòng chức năng giải thích những thắc mắc của các tiểu thương để bà con được rõ.
 
Trước đó, UBND huyện đã thuê Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Quảng Ngãi thực hiện công tác đấu giá. Mức đấu giá sẽ phải đủ để bù vào nguồn ngân sách UBND huyện đã sử dụng để xây dựng chợ.
 
“Việc đấu giá là công bằng và thực hiện đúng theo luật đấu giá về tài sản công. Nhưng đến khi cơ quan chức năng thông báo nộp hồ sơ đấu giá thì nhiều tiểu thương lại cho rằng, họ không tham đấu giá mà muốn được sang nhượng quyền sử dụng lô sạp.
 
Theo dự kiến, việc đấu giá diễn ra vào cuối tháng 5.2020, nhưng UBND huyện đã phải lùi thời gian đấu giá để trình lên cơ quan chức năng của tỉnh xin có những cơ chế riêng, phù hợp nhằm ưu tiên cho những tiểu thương lâu năm. Dự kiến, việc đấu giá sẽ được thực hiện vào cuối tháng 6.2020”, ông Bàng cho hay.
 
PV
 

.